'Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay không 'sốc' như nhiều người lo ngại'
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay thể hiện sự ổn định, không 'sốc' như nhiều người lo ngại.
Ngày 15/7, Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Sau khi xem phổ điểm thi các môn, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói “rất bất ngờ”.
Chẳng hạn với môn Tiếng Anh lúc đầu vấp phải sự “phản ứng” của thí sinh và phụ huynh vì đề khó quá, ông đã nghĩ phổ điểm năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái rất nhiều. Thế nhưng, kết quả khiến ông bất ngờ vì phổ điểm không quá biến động, có sự phân hóa, phù hợp cho xét tuyển đại học.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đăng Hưng, Trưởng khoa Công nghệ thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho hay trong quá trình phân tích phổ điểm, môn Tiếng Anh gây bất ngờ khi phổ điểm đẹp nhất trong 12 môn thi, với những chuẩn mực người ra đề kỳ vọng như điểm trung bình là 5,38; điểm trung vị là 5,25 - cho thấy mức độ phân phối điểm cân đối.
“Phổ điểm tiếng Anh năm nay đã khắc phục được tình trạng hai đỉnh – điều nhiều năm nay vẫn xảy ra. Điều này phản ánh rõ sự đồng đều hơn về năng lực của học sinh”, ông Hưng nói.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: MOET
GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng, với môn Tiếng Anh, năm nay là năm đầu tiên thi theo Chương trình Giáo dục Phổ thông năm 2018. Kết quả yêu cầu đầu ra với học sinh có sự thay đổi so với trước đây là đạt phải trình độ B1 (tức bậc 3/6).
“Nhìn vào phổ điểm có thể thấy không còn hiện tượng phổ điểm có "hình yên ngựa". Đây là một tín hiệu rất đáng mừng. Ngoài ra, trong phổ điểm thi môn Tiếng Anh, mặc dù số lượng thí sinh giảm xuống nhưng nói lên rằng, chất lượng thí sinh tham gia kỳ thi tăng lên”, GS Hà nói.
Là người đứng đầu Trường THPT Việt Đức, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, bản thân bà rất lo lắng về kết quả vì nhiều em nói không làm được môn Toán và Tiếng Anh. Thậm chí, sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án chính thức, có học sinh đã nhắn tin cho bà rằng chắc chắn đạt được điểm tuyệt đối, bà cũng “không dám tin”.
“Đến khi nhìn phổ điểm, tôi rất vui mừng”, bà Quỳnh nói và cho biết, với đề thi Ngoại ngữ như năm nay, các nhà trường cần thay đổi cách dạy, không thể chỉ dạy ngữ pháp mà cần phải dạy đồng loạt cả 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết, từ đó giúp học sinh sử dụng được ngôn ngữ ấy.
Không nên nặng nề điểm 9, 10
Liên quan đến mức độ khó, dễ của đề thi, GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục, cho hay nếu đề thi ra quá dễ, phổ điểm sẽ là “đồng phục điểm số”, không có tính phân loại. Như vậy, niềm tin xã hội, nhất là trường đại học sẽ không còn.
“Do đó, tôi mong trong tương lai sẽ có sự phân loại đúng với yêu cầu. Mỗi học sinh trong quá trình học và thi sẽ xác định được đúng năng lực của bản thân, định vị được hướng đi tiếp theo như học lên đại học sau bậc phổ thông, vừa học vừa làm hay tham gia vào thị trường lao động sớm”, ông Quang nói.
Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, theo GS Quang, cả xã hội và các nhà chuyên môn không nên bàn về đề thi “dễ hay khó”. Thay vào đó, cần bàn về việc đo lường và phân loại đúng năng lực người học.
“Chúng ta cần đánh giá học sinh theo cách khơi dậy tiềm năng, thay vì đánh giá các em vào cùng một chuẩn điểm số. Giáo dục là để tạo dựng nhân cách, năng lực và động lực sống suốt đời chứ không chỉ là để thi đỗ một kỳ thi”, GS.TS Phạm Hồng Quang nói.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: MOET
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, phổ điểm năm nay ổn định, không có sự “sốc” như nhiều người lo ngại. Qua đó có thể thấy, học sinh phổ thông đã chuyển trạng thái nhanh, thích ứng tốt với hình thức thi mới. Giáo viên cũng đã thay đổi phương pháp dạy, tập trung hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh thay vì chỉ dạy kiến thức theo khuôn mẫu.
Tuy nhiên Thứ trưởng cũng cho rằng, nhà trường, xã hội cần bỏ dần tư duy chỉ đánh giá dựa trên điểm số. “Chúng ta cũng không nên nặng nề quá về điểm 9, điểm 10. Cần bỏ dần tư duy đánh giá điểm số dù nó là những con số định lượng nhưng chỉ là một trong các thông số, không phải thước đo duy nhất. Giáo dục cần đánh giá tổng thể cả quá trình học tập, rèn luyện”, ông Thưởng nói.
Đánh giá chung về kỳ thi năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, ngành Giáo dục và các thầy cô đã nỗ lực, tổ chức công tác coi thi thật, chấm thi thật, ra đề thật. Do đó, kết quả này đủ độ tin cậy để các trường đại học yên tâm sử dụng trong quá trình tuyển sinh.