Thường gắn với trang phục của người phụ nữ miền cao, hoa văn thổ cẩm là một nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trước khi vải công nghiệp và phẩm màu hóa học được sử dụng phổ biến, việc tạo hoa văn thổ cẩm được thực hiện thủ công bằng những kỹ thuật được truyền qua nhiều thế hệ. (Ảnh trong bài chụp tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam).
1. Thêu. Thêu là kỹ thuật phổ biến ở các tộc người miền núi phía Bắc vì phụ nữ có thể mang đồ đi theo và thêu ở bất cứ đâu: ở nhà, trên nương, khi đi chợ, đi chơi. Các bé gái học thêu từ rất sớm và đến 12-13 tuổi đã thêu thành thạo. Kỹ thuật thêu được áp dụng trên nhiều kiểu hoa văn thổ cẩm. Ảnh: Khăn piêu có họa tiết thêu của dân tộc Thái.
Với kỹ thuật thêu, người ta có thể tạo những đường cong tự nhiên. Người H'mông thêu chéo mũi tạo những dấu nhân. Người Dao và người Thái chủ yếu sử dụng kỹ thuật thêu luồn sợi và vắt chỉ. Các mẫu thêu truyền thống được ghi nhớ trao truyền từ đời này sang đời khác.
2. Batik. Batik là kỹ thuật “nhuộm bao vải”, nghĩa là một phần vải được bao che trước khi nhuộm để tạo hoa văn. Kỹ thuật này được sử dụng phổ biến ở người H'Mông và Dao Tiền. Ảnh: Váy có phần chính trang trí bằng batik, tiếp đến là hoa văn thêu và đáp vải của người H'Mông Hoa ở Tuyên Quang, 1976.
Người ta vẽ lên vải các họa tiết bằng sáp ong đã đun nóng chảy. Dụng cụ vẽ là loại bút đặc biệt có ngòi cong bằng đồng hoặc một số khung dập hình tam giác, những ống tre nhỏ. Ảnh: Váy có hoa văn bao bằng sáp ong trước khi nhuộm của người Dao Tiền ở Cao Bằng, 2002.
Khi sáp khô, vải được đem nhuộm chàm nhiều lần, sau đó nhúng vào nước sôi cho sáp tan hết. Các họa tiết sáng màu đã được bao bằng sáp để bảo vệ trước khi nhuộm sẽ xuất hiện trên nền vải chàm sẫm. Ảnh: Chiếc váy sau khi nhuộm chàm của người Dao Tiền Cao Bằng, 2002.
3. Đáp vải. Phổ biến ở một số tộc người miền núi phía Bắc, đáp vải là kỹ thuật tạo hoa văn bằng nhiều miếng vải màu nhỏ khâu trên một tấm vải nền. Vải để đáp có các màu khác nhau, được cắt hình tam giác, hình vuông, chữ nhật… rồi khâu đáp lên vải nền, mũi khâu giấu ở mặt sau không để lộ đường chỉ. Ảnh: Khăn có hoa văn đáp vải của người Pu Péo, Hà Giang, 1979.
Mỗi dân tộc thường có những kiểu ghép riêng. Người Lô Lô, Pu Péo ghép các hình tam giác. Người Hmông có kỹ thuật đáp vải rất tinh xảo gọi là “đáp vải ngược”, nghĩa là mảnh vải đáp được cắt lượn thành các họa tiết rồi đáp lên y phục để lộ màu nền bên dưới. Ảnh: Tạp dề của người H'Mông, Lai Châu, 1991.
4. Ikat. Trong kỹ thuật ikat hay “nhuộm bao sợi”, người ta dùng xơ vỏ cây hoặc sợi nilon buộc bao xung quanh bó sợi ở những đoạn khác nhau rồi đem nhuộm. Các phần sợi được bao sẽ không bắt màu. Quy trình bao – nhuộm lặp lại nhiều lần để tạo những sợi đa sắc, dùng làm sợi ngang để dệt nên tấm vải ikat. Ảnh: Váy ống áp dụng ikat trên nền đỏ và chàm, người Thái Đen, Điện Biên, 1954.
Một số nơi dùng kỹ thuật “nhuộm bao sợi” để xử lý các sợi sẽ chăng lên khung dệt làm sợi dọc. Kỹ thuật ikat phổ biến ở người Thái Đen, Khmer, Ba Na… Hoa văn ikat có vẻ đẹp rất riêng nhờ các đường biên mờ. Ảnh: Váy ống của người Khmer, Sóc Trăng, 1940.
5. Dệt. Với kỹ thuật dệt, để tạo hoa văn, người ta thêm một sợi ngang khác biệt với sợi nền. Sợi ngang bổ sung này được chèn giữa làn sợi dọc theo hai kỹ thuật khác nhau: hoặc sợi chạy xuyên suốt chiều ngang khổ vải, hoặc chỉ ở vị trí dự định trang trí. Ảnh: Váy quấn dệt bằng vải bông của người Tà Ôi, Thừa Thiên Huế, 1984.
Người dệt thao tác trên mặt trái tấm vải. Khung dệt có thể là loại khung cửi lớn đạp chân, như của người Thái, người Mường, hoặc loại buộc lưng kiểu "inđônêdiêng" của các dân tộc ở Tây Nguyên. Ảnh: Váy ống của người Mường ở Hòa Bình, 1958.
Các khung dệt này có hai hàng go cơ bản và các go phụ hoặc những que nhỏ dùng tách sợi dọc để chèn sợi ngang phụ tạo hoa văn. Hoa văn càng phức tạp thì số lượng các go phụ cần dùng càng nhiều. Ảnh: Váy quấn của người Stiêng ở Lâm Đồng, 1980. (Bài có sử dụng tư liệu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam).
Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.
Quốc Lê