Kỳ tích cứu sống bé gái mắc biến chứng lupus ban đỏ hệ thống hiếm gặp

Các bác sĩ Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai vừa thành công cứu sống một bé gái 14 tuổi mắc lupus ban đỏ hệ thống trong tình trạng nguy kịch với biến chứng chảy máu phế nang lan tỏa – một biến chứng hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong cao tới 50%.

Bé gái được hỗ trợ hô hấp bằng máy thở không xâm nhập. Ảnh: BVCC

Bé gái được hỗ trợ hô hấp bằng máy thở không xâm nhập. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi là một bé gái 14 tuổi vừa được chẩn đoán mắc lupus ban đỏ hệ thống (SLE) – một bệnh lý tự miễn nguy hiểm. Sau khi điều trị tại một bệnh viện tuyến trung ương khác và được xuất viện, chỉ ba ngày sau, bệnh nhi bất ngờ ho ra máu đỏ tươi liên tục, kèm sốt và nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn và thiếu máu nặng khi nhập viện tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai.

Tình trạng của trẻ lúc vào viện là vô cùng nguy kịch, với chỉ số oxy máu (SpO2) chỉ còn 80%, mạch lên tới 150 chu kỳ/phút, huyết áp thấp và hemoglobin ở mức báo động – 40g/L. Bác sĩ Phạm Công Khắc, người trực tiếp hồi sức cho bệnh nhi, không giấu được cảm xúc khi nhớ lại thời điểm tiếp nhận: cảm giác bất lực thoáng hiện nhưng ngay lập tức được gạt bỏ để tập trung cứu chữa. Trước tình huống cấp bách, các bác sĩ nghi ngờ biến chứng chảy máu phế nang lan tỏa (DAH) – một biến chứng hiếm nhưng cực kỳ nguy hiểm trong lupus ban đỏ, với tỷ lệ gặp chỉ khoảng 2% ở trẻ em nhưng diễn tiến nhanh, dễ gây tử vong nếu không xử trí kịp thời.

Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất là trẻ không ổn định để có thể thực hiện nội soi phế quản – phương tiện chẩn đoán chính xác DAH. Quyết định điều trị phải dựa vào sự tổng hợp sắc bén các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng. Những phân tích nhanh chóng từ nhóm bác sĩ Miễn dịch và Hồi sức cho thấy: trẻ ho máu đỏ tươi đột ngột gây thiếu máu nặng, X-quang và CT ngực đều cho thấy hình ảnh phù hợp với chảy máu phế nang, không có dấu hiệu nhiễm trùng rõ ràng và nồng độ bổ thể thấp kèm kháng thể anti-dsDNA tăng cao cho thấy lupus đang hoạt động mạnh. Dữ kiện đã đủ để hành động.

Trong khoảnh khắc sinh tử, phác đồ điều trị với methylprednisolone liều cao và cyclophosphamide được lựa chọn. Đây là hướng điều trị kinh điển trong lupus hoạt động mạnh có tổn thương cơ quan nặng như DAH, viêm thận hay tổn thương thần kinh trung ương. Tuy nhiên, quyết định không dễ dàng với một bệnh nhi 14 tuổi bởi thuốc có thể gây ức chế miễn dịch nặng, độc tính sinh sản và nhiễm trùng. Nhưng nếu chần chừ, trẻ có thể không qua khỏi. Trong hoàn cảnh ấy, lợi ích cứu sống trẻ được đặt lên hàng đầu.

Sau 5 ngày điều trị, tín hiệu tích cực dần rõ rệt: bệnh nhi ngừng ho máu, cắt sốt, không còn cần hỗ trợ thở máy. Khoảnh khắc ấy, niềm vui vỡ òa trong lòng các bác sĩ – khi biết rằng quyết định điều trị của họ là đúng và trẻ đã vượt qua lằn ranh sinh tử. Theo bác sĩ Mai Thành Công, điểm mấu chốt làm nên thành công là sự nhận diện sớm biến chứng DAH – dù chưa có nội soi phế quản, khả năng phân biệt rõ giữa chảy máu do lupus với chảy máu do nhiễm trùng, từ đó đưa ra hướng xử trí phù hợp, đồng thời là sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các chuyên khoa: Hồi sức, Miễn dịch, Thận và Hô hấp.

Ca bệnh được xem là một tài liệu quý giá cho đào tạo và thực hành lâm sàng. Bởi trong số các bệnh nhi lupus có biến chứng DAH, chỉ khoảng 50% có thể hồi phục và xuất viện ổn định. Trường hợp này đã chứng minh sức mạnh của chẩn đoán đúng, xử trí nhanh và điều trị hiệu quả.

TS.BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa nhấn mạnh, lupus ban đỏ hệ thống ở trẻ em là một bệnh lý phức tạp với nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là DAH. Sự hồi phục kỳ diệu của bệnh nhi không chỉ là kết quả của y học chính xác mà còn là minh chứng cho tinh thần không bỏ cuộc của đội ngũ y bác sĩ. Đây cũng là lời nhắc nhở: không được chủ quan với bất kỳ triệu chứng hô hấp nào ở bệnh nhân lupus, nhất là khi bệnh đang hoạt động mạnh.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai coi đây là một thành tựu y khoa, một minh chứng sống động cho trình độ chuyên môn, sự phối hợp liên chuyên khoa và tinh thần tận tụy của bệnh viện tuyến cuối. Đó cũng là nguồn động lực lớn để tiếp tục phấn đấu, đào tạo, nghiên cứu và nâng cao chất lượng điều trị, xứng đáng với sự tin tưởng của Nhân dân.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-tich-cuu-song-be-gai-mac-bien-chung-lupus-ban-do-he-thong-hiem-gap-424029.html