Ký ức của chứng nhân 1963: 'Tôi ngỡ ngàng và quá xúc động…'
'Có mặt trong đoàn người Tăng Ni, Phật tử rước di ảnh các Thánh tử đạo ngày 11-6 và chứng kiến Bồ-tát tự thiêu để bảo vệ Chánh pháp, tôi ngỡ ngàng và quá xúc động. Cảm giác đó vẫn còn khá mới trong tâm của tôi dù thời gian đã 60 năm qua', ngài chia sẻ với Báo Giác Ngộ.
Sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân đã trải qua thời gian tròn 60 năm nhưng trong ký ức của Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Thành viên Hội đồng Chứng minh (lúc bấy giờ đang còn là học Tăng tại Phật Bửu Thiền Tịnh Đạo tràng - tổ đình Phật Bửu ngày nay) vẫn tươi mới.
Nhắc về mùa Phật đản - Pháp nạn (1963) và sự kiện chấn động thế giới Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân nơi ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (nay là ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM), Hòa thượng vẫn còn nhớ nhiều điều về sự kiện này dù trong ký ức cũng bị hạn chế phần nào do tuổi tác.
Đó là một lễ cầu nguyện… bình thường
“… Đó cũng là mùa Phật đản nhưng là mùa Phật đản không thể quên của năm 1963, chính sách kỳ thị tôn giáo khắt nghiệt của Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày càng leo thang, ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo. Sự phẫn uất âm thầm dồn nén trong lòng người, đỉnh điểm là vụ tàn sát Phật tử khiến 8 người chết, nhiều người bị thương ở Đài Phát thanh Huế, khiến cho người Phật tử không thể im lặng được nữa, dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ chống chính sách kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm như dòng thác tràn, xuất phát từ Huế, nổ ra ở khắp các thành phố lớn.
Tại Sài Gòn, làn sóng phản đối cũng nổ ra, chủ yếu đòi bình đẳng trong sinh hoạt tín ngưỡng, được an ổn để tu tập. Bấy giờ, Hòa thượng Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quán Thế Âm - Phú Nhuận (Gia Định) đã có bức tâm thư gởi đến Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo do Hòa thượng Thích Tâm Châu đứng đầu để xin xung phong tự thiêu cúng dường Tam bảo, thức tỉnh chính quyền họ Ngô và bảo toàn cho Phật giáo.
Tôi không thể quên buổi sáng ngày 11-6-1963 ở chính ngôi chùa Phật Bửu này, chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa trong Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo gồm 13 tổ chức ở miền Nam có mặt lúc 8 giờ sáng làm lễ cầu nguyện trước Tam bảo tại chánh điện. Dĩ nhiên tại buổi lễ cũng có Ngài - Thượng tọa Thích Quảng Đức (giáo phẩm lúc bấy giờ của Bồ-tát). Lúc ấy, tôi là học tăng của Phật Bửu Thiền Tịnh Đạo tràng, 26 tuổi, cùng cụ Tổ khai sơn tổ đình Phật Bửu (cố Hòa thượng Thích Minh Trực) lo chuẩn bị lễ cầu nguyện.
Tại lễ này, thầy tôi là cố Hòa thượng Thích Minh Trực bấy giờ đang là Cố vấn Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đứng ra chủ trì buổi lễ cầu nguyện. Là một học tăng nhỏ tuổi ở chùa, tôi cũng chỉ là người phụ việc cho Thầy mình mà không hề biết trước những kế hoạch âm thầm của chư tôn đức. Tôi lúc bấy giờ vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của lễ cầu nguyện đó, chỉ nghĩ đạo tràng thành tâm cầu nguyện cho thế giới hòa bình, Phật giáo Việt Nam được sự an ổn, chỉ quan sát thấy được điều khác lạ là nhiều vị Hòa thượng từ chùa Ấn Quang đang hiện diện trong lễ cầu nguyện này”, Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh nhớ lại.
Là học tăng có mặt xuyên suốt trong sự kiện lịch sử
“Tôi có mặt trong đoàn chư Tăng Ni, Phật tử gần ngàn người trên đường phố diễu hành rước di ảnh các Thánh tử đạo hy sinh ở Huế về chùa Xá Lợi. Tôi còn nhớ, đến ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng, từ chiếc xe dẫn đầu đoàn, Ngài bước xuống, ung dung tự tại ngồi kiết-già bên lề đường, Tăng Ni, Phật tử xếp hàng vây thành hàng tròn bao bọc bên ngoài, hướng về Ngài. Và ngọn lửa từ chiếc bật lửa do Ngài tự bật đã bùng lên nhưng trong sự dữ dội đó, dáng Ngài ngồi kiết-già vẫn ung dung, tự tại và vững chãi.
Tôi bất giác ngỡ ngàng, rồi lặng đi vì vô cùng xúc động. Sự thật, nhiều vị Tăng Ni, Phật tử có mặt trong đoàn sáng ngày lịch sử ấy cũng như tôi chuyển từ sự ngỡ ngàng rồi đến xúc động vô cùng, xung quanh như bao phủ bởi tiếng niệm Phật vang lên. Chúng tôi chứng kiến Ngài nguyện hy sinh thân mình để mang lại những điều an ổn cho Phật giáo.
Tôi cũng chứng kiến, trực tiếp hiện diện trong sự kiện lễ cung thỉnh nhục thân Ngài trở về chùa Xá Lợi được bao bọc bởi lá Đạo kỳ thiêng liêng. Sự tự thiêu của Ngài có sức lan tỏa mạnh mẽ, về sau có thêm sự hy sinh khác của các vị Tăng Ni, các Thánh tử đạo để phản đối tiếp tục chính quyền họ Ngô. Đóa sen thiêng vì đạo pháp trở thành làn sóng phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm trên khắp thế giới. Nhiều tổ chức Phật giáo biểu tình phản đối và kêu gọi chính phủ Diệm chấm dứt cuộc đàn áp Phật giáo.
Là người có mặt đi đầu trong đoàn cung rước của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo tổ chức ngày 20-6, từ An dưỡng địa sau lễ trà-tỳ cung rước “quả tim bất diệt” trải qua sức nóng hơn 4.000 độ C của Bồ-tát Thích Quảng Đức trở về chùa Xá Lợi. Tôi đã rất xúc động vì là một trong những vị Tăng trẻ được có mặt trong đoàn rước thiêng liêng ấy. Cho đến bây giờ, hình ảnh đầy xúc động đó luôn thường trực và tôi không thể nào quên…”, Tăng sĩ trẻ ngày ấy giờ đã là một vị giáo phẩm Trưởng lão, vẫn không giấu được sự xúc động trong ánh mắt, kể lại.
*
Như minh chứng cho sự hiện diện trong sự kiện lịch sử mầu nhiệm và thiêng liêng về Bồ-tát Thích Quảng Đức, Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh hướng mắt đến những bức ảnh tư liệu vô giá màu đen trắng phủ màu thời gian trên bức tường của tổ đình Phật Bửu.