Ký ức Điện Biên Phủ - 70 năm vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người lính xứ Thanh

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã lùi xa 70 năm, nhưng ký ức về một thời gian khổ mà oanh liệt, hào hùng vẫn còn khắc sâu trong trí nhớ của người chiến sĩ xứ Thanh, Đồng Minh Tuấn (88 tuổi, cựu chiến sĩ Đại đoàn 312).

Không đêm nào vui bằng đêm nay

Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực

Trên đất nước như huân chương trên ngực

Dân tộc ta, dân tộc anh hùng...

70 năm trôi qua, nhưng với ông Đồng Minh Tuấn (88 tuổi, cựu chiến sĩ Đại đoàn 312) cảm xúc khi nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ, vẫn vẹn nguyên, đúng như tứ thơ trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu.

“Khi nhận được tin chiến thắng, tôi và đồng đội reo hò, vui sướng. Niềm hạnh phúc vỡ òa, cùng với đó là niềm tự hào. Sau những tháng ngày "khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt", từ đây, Nhân dân ta được sống tự do, không phải chịu cảnh bị áp bức, đô hộ", ông Tuấn chia sẻ.

Đã ở tuổi 88, nhưng ký ức về những ngày khó khăn, gian khổ trên chiến trường, cùng tình đồng đội gắn bó keo sơn, vẫn chưa từng phai mờ trong tâm trí ông. Những ngày cuối tuần, ngày lễ, con cháu tụ họp đông đủ, ông Tuấn - người con của mảnh đất Vạn Thiện, Nông Cống (Thanh Hóa), lại xúc động kể chuyện chiến trường xưa cho họ nghe. Đến độ, những người con của ông đã thuộc làu.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Tuấn là chiến sĩ bộ binh súng trường của Đại đoàn 312, với hai nhiệm vụ chính là đào hầm và bắn tỉa. Trong đó, công việc đào hầm gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, mỗi lần đào phải đào đến tận hàng dây thép gai của địch…

Ông Đồng Minh Tuấn bên các con cháu.

Ông Đồng Minh Tuấn bên các con cháu.

Đôi bàn tay của ông Tuấn giờ vẫn còn in dấu những vết hằn, vết chai sạn. Ông nói, đó là dấu tích quý giá, ghi lại những năm tháng hào hùng, ông và đồng đội cùng đào hầm, cùng kề vai sát cánh trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông kể, ngày 13/ 3/1954, Đại đoàn 312 của ông được lệnh tiến đánh Him Lam. Tại đây, quân địch bố trí 3 cứ điểm, đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh vào cứ điểm số 1, cứ điểm địch bố trí hỏa lực mạnh nhất.

“Chiều 13/3/1954, quân ta dồn lực tấn công, từng đợt pháo kích liên tiếp rơi xuống thẳng Him Lam. Sau hàng giờ chiến đấu, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên cứ điểm 3, nối tiếp là thắng lợi tại cứ điểm 2. Riêng đơn vị tôi đánh cứ điểm 1 gặp nhiều khó khăn do phải vượt qua nhiều hàng rào đại bác của địch. Nhưng với sự hỗ trợ của các đơn vị đánh cứ điểm 2 và 3, chúng tôi nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, giáng một đòn mạnh mẽ vào quân địch”, ông Tuấn hồi tưởng.

Ông vinh dự được trao tặng bằng khen, huân chương, huy chương.

Ông vinh dự được trao tặng bằng khen, huân chương, huy chương.

Trong ký ức về trận chiến Điện Biên Phủ, ông nhớ mãi về trận đánh cao điểm đồi D1, cao điểm quan trọng trong dãy đồi phòng ngự phía Đông của thực dân Pháp. Tại đây, đồng đội của ông đã đổ bao xương máu để vượt qua những đợt mưa bom, bão đạn của quân địch.

Ông kể, chiều ngày 30/3/1954, Đại đoàn 312 được lệnh tiến công vào các ngọn đồi phía Đông, dưới sự tấn công của quân ta, quân Pháp vừa cố thủ, vừa huy động quân từ các điểm khác dùng xe tăng, lính dù... quyết liệt phản kích. Về phía ta, bộ đội nhanh chóng đào các giao thông hào để tránh thương vong và bao vây, từng bước tiếp cận các vị trí của quân Pháp. Sau 2 ngày chiến đấu ác liệt, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ đồi D1.

“Trong những ngày đánh chiếm cao điểm đồi D1, tôi đau lòng chứng kiến từng người anh em, từng đồng đội ra đi, lúc bấy giờ đau xót lắm, nhưng chẳng biết làm gì ngoài việc tiếp tục đứng lên chiến đấu. Tôi nhớ mãi về người đồng đội, cũng là người hàng xóm tại quê nhà. Trong trận chiến tại đồi D1, nhiều đồng đội không may bị thương, phải nằm lại chờ cứu thương. Lúc đó, tôi đã cởi chiếc áo trấn thủ đang mặc, gấp lại làm gối, kê đầu cho đồng đội và nhắn nhủ rằng: Cậu hãy giữ chiếc áo này, nếu sau chiến dịch tôi không trở về, cậu đem áo này sang nhà, gửi cho mẹ”- người cựu chiến sĩ rưng rưng.

Những chiếc huân chương, huy chương được ông Tuấn nâng niu, trân quý.

Những chiếc huân chương, huy chương được ông Tuấn nâng niu, trân quý.

Ra chiến trường, ông Tuấn cũng như nhiều chiến sĩ, nguyện hy sinh thân mình để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, ông chưa một lần nghĩ đến việc sau chiến dịch bản thân còn sống và trở lại quê nhà.

Năm 1959, ông xin nghỉ phép trở lại quê nhà và lập gia đình. Trong ngày trọng đại của cuộc đời, ông gặp lại những người đồng đội cũ, xúc động nhận lại chiếc áo trấn thủ năm xưa...

Mỗi dịp tháng 5, những người đồng đội, những người cựu chiến binh đều tụ họp tại nhà ông ở phường Đông Sơn (Thanh Hóa), cùng nhau ăn những bữa cơm, ôn lại những kỷ niệm xưa và cùng hát vang bài ca chiến thắng Điện Biên.

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Tuấn cùng vợ và các cựu chiến binh ở Thanh Hóa lên thăm chiến trường xưa.

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Tuấn cùng vợ và các cựu chiến binh ở Thanh Hóa lên thăm chiến trường xưa.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2014), ông cùng những người cựu chiến binh tại Thanh Hóa về thăm chiến trường xưa, cùng ôn lại những năm tháng chiến đấu quyết liệt của quân ta. Tại đây, tình cờ gặp những du khách Pháp, ông đã cùng họ trò chuyện về những trận chiến và những mất mát, hy sinh ngày nào.

Năm nay, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, người chiến sĩ già muốn quay lại chiến trường xưa, thắp nén hương cho những chiến sĩ đã ngã xuống, nhưng mắt đã mờ, chân run, đi phải chống gậy, ông đành gác lại. Nhưng ông cũng được an ủi phần nào, vì thế hệ con cháu ông luôn ghi nhớ, trân quý những câu chuyện, lời chỉ dạy của ông. Họ tụ họp lại với nhau, thay ông lên thăm Điện Biên, thắp hương tưởng nhớ công lao của những người đã nằm lại chiến trường xưa.

Hồng Phượng/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ky-uc-dien-bien-phu-70-nam-van-ven-nguyen-trong-tam-tri-nguoi-linh-xu-thanh-20240506163559882.htm