Ký ức Gaza qua nét vẽ của trẻ em Palestine

Lần đầu tiên sau nhiều tháng, trẻ em Palestine đang trú ẩn ở Rafah, thuộc miền Nam Gaza, được cầm bút vẽ những bức ảnh tuyệt đẹp, tái hiện hình ảnh về các di tích, các tòa nhà lịch sử bị phá hủy trong cuộc xung đột kéo dài gần 8 tháng qua giữa Israel và lực lượng Hamas.

Những đứa trẻ tạm quên cuộc chiến tàn khốc trong tâm trí để trở lại là trẻ con. Ảnh: CHRISTIAN AID/CFTA

Những đứa trẻ tạm quên cuộc chiến tàn khốc trong tâm trí để trở lại là trẻ con. Ảnh: CHRISTIAN AID/CFTA

Đây là một trong những hoạt động nghệ thuật do tổ chức từ thiện Christian Aid của Vương quốc Anh tài trợ, và được Hiệp hội Văn hóa và Tư tưởng Tự do (CFTA) của Palestine điều hành.

Những đứa trẻ - vẫn giữ được nụ cười tươi trên khuôn mặt, dù chúng đang trải qua nỗi kinh hoàng do chiến tranh đem lại - đã tái hiện những hình ảnh ấn tượng về cung điện Qasr al-Basha có từ thế kỷ 13, nhà thờ Hồi giáo Omari ở khu phố cổ của thành phố Gaza… Dưới nét vẽ của Ibtisama, 13 tuổi, nhà thờ Hồi giáo Omari (bị chôn vùi dưới đống đổ nát) đã được tái hiện sống động trên nền màu đỏ và vàng, dưới bầu trời xanh rực rỡ.

Khi các trường học trên khắp Dải Gaza đóng cửa, đối với nhiều trẻ em, việc được tham gia các lớp học nghệ thuật hàng tuần được tổ chức tại các nơi tạm trú ở al-Mawasi, phía Bắc thành phố Rafah, là cơ hội đầu tiên các em được đến lớp cùng với nhau kể từ khi xung đột bùng phát. Quan trọng hơn hết, sự kiện này mang đến cho các em cơ hội được trở lại là trẻ em.

Nhà vận động cộng đồng Buthaina al-Faqawi, người giúp điều hành các buổi học nghệ thuật có tác dụng chữa lành ở al-Mawasi, đã nhận ra sự thay đổi nét mặt, tâm trạng ở những đứa trẻ tham dự những buổi hội họa này. Đầu tiên, nét mặt của các em thể hiện sự tuyệt vọng và đau khổ. Sau đó, nét mặt các em bừng lên tia hy vọng; sau cùng là tràn ngập tình yêu cuộc sống và tuổi thơ hạnh phúc. Tất cả diễn biến tâm trạng như muốn gửi đi thông điệp: “Làm ơn… chúng tôi xứng đáng được sống, chúng tôi xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn”.

Trẻ em tận hưởng thời gian ngắn ngủi để vẽ những ngôi nhà an toàn, những gia đình yêu thương và những khu vườn xanh tươi tuyệt đẹp. Các em vẽ ra khát vọng về sự bình thường, ổn định và an ninh cũng như ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn, không có bạo lực và hủy diệt. Theo ông William Bell, người đứng đầu chính sách vận động cho Trung Đông của Christian Aid, những đứa trẻ không chỉ có thể tạm quên đi cuộc chiến tàn khốc trong tâm trí và trở lại là trẻ con, mà tác phẩm nghệ thuật của các em còn củng cố bản sắc văn hóa của Gaza và giữ cho nền văn hóa - cũng như giữ những hy vọng của các em - được sống.

Mặc dù các hoạt động này hướng đến việc giúp giảm bớt đáng kể những khó khăn của trẻ em Palestine khi phải di tản và hỗ trợ chúng về mặt tâm lý, nhưng chỉ có lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài mới có thể giải thoát trẻ em khỏi "địa ngục trần gian" mà chúng đang phải trải qua.

Theo Al Jazeera, tính đến đầu tháng 4-2024 ở Gaza, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã xác định thiệt hại đối với 43 tài sản văn hóa; bao gồm 10 địa điểm tôn giáo, 24 tòa nhà có giá trị lịch sử và/hoặc nghệ thuật, 2 kho lưu trữ di sản văn hóa, 3 di tích kiến trúc, 1 bảo tàng và 3 địa điểm khảo cổ. Hơn một nửa số nhà ở và 267 nơi thờ cúng đã bị phá hủy hoặc hư hại.

HẠNH CHI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-uc-gaza-qua-net-ve-cua-tre-em-palestine-post742595.html