Ký ức lịch sử, thông điệp hiện đại: Khi Moscow và Bắc Kinh cùng lên tiếng

Kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Moscow đón tiếp nhiều nguyên thủ và lãnh đạo quốc tế. Trong số đó, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nổi bật không chỉ bởi tính nghi lễ, mà còn vì đây là một phần của chuyến công du cấp nhà nước, thể hiện mối quan hệ song phương sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga.

Sự kiện này mang tính biểu tượng cao trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều biến động. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có mặt tại Moscow được xem là một minh chứng cho sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa hai cường quốc Á-Âu, đồng thời là thông điệp “ngầm” gửi tới các nước phương Tây về sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu - đặc biệt là những khủng hoảng có tính chất địa chính trị như xung đột tại Ukraine.

Từ góc độ chiến lược, sự kiện này được các chuyên gia nhận định là một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm củng cố vị thế quốc tế của mình thông qua quan hệ hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh. Trong bối cảnh đàm phán giữa Nga và Mỹ liên quan đến Ukraine còn nhiều bất định, sự ủng hộ chính trị từ một đối tác lớn như Trung Quốc mang lại cho Nga lợi thế nhất định về mặt tâm lý và đối ngoại. Điều này có thể tác động đến cách tiếp cận của các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ, khi cân nhắc các lựa chọn trong tiến trình đàm phán.

Về phía Washington, bất kỳ dấu hiệu rút lui nào khỏi bàn đàm phán cũng tiềm ẩn nguy cơ để lại khoảng trống ngoại giao mà Trung Quốc có thể lấp đầy. Trong viễn cảnh đó, quan hệ hợp tác Nga - Trung có thể trở nên chặt chẽ hơn, ảnh hưởng đến cán cân quyền lực toàn cầu, đặc biệt trong khuôn khổ các thể chế đa phương và các vấn đề an ninh khu vực.

Do đó, chuyến thăm của Chủ tịch Tập không đơn thuần là một hoạt động ngoại giao, mà còn là yếu tố định hình bối cảnh chiến lược. Mỹ, nếu muốn duy trì ảnh hưởng tại khu vực châu Âu và giữ vai trò chủ đạo trong tiến trình giải quyết xung đột Ukraine, sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trong từng bước đi, kể cả khả năng nhượng bộ nhất định để đạt được thỏa thuận có lợi, hoặc ít nhất là giữ vững vị thế.

Một đặc điểm đáng chú ý khác trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moscow là việc hai nước cùng nhấn mạnh đến ký ức lịch sử chung về Thế chiến II. Nga và Trung Quốc đều tự nhận mình là những bên tham chiến chính và chịu tổn thất nặng nề nhất trong cuộc chiến này - Liên Xô trên chiến trường châu Âu và Trung Quốc ở mặt trận châu Á.

Giới phân tích cho rằng, việc hai nước nhấn mạnh vai trò “người chiến thắng chính” không chỉ là nhằm tái khẳng định vị thế lịch sử, mà còn phục vụ các mục tiêu chính trị hiện tại. Trong bối cảnh trật tự quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức - từ sự gia tăng chi tiêu quân sự, tái khởi động các cuộc chạy đua vũ trang đến việc sử dụng sức mạnh quân sự vượt ngoài khuôn khổ luật pháp quốc tế - việc viện dẫn ký ức lịch sử trở thành một công cụ chính trị mang tính biểu tượng cao.

Nga và Trung Quốc đang chủ động định vị mình là “người bảo vệ trật tự hậu Thế chiến II” - một vai trò được xây dựng trên di sản chiến thắng và tổn thất lịch sử trong cuộc chiến. Thông qua việc nhấn mạnh ký ức lịch sử, cả hai quốc gia không chỉ khẳng định tính liên tục trong vai trò toàn cầu, mà còn sử dụng quá khứ như một công cụ để củng cố lập trường chính trị hiện tại, đặc biệt trong các vấn đề an ninh và trật tự quốc tế.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này không tránh khỏi những phản ứng trái chiều. Từ góc nhìn của nhiều quốc gia phương Tây, đây có thể được xem là sự “chính trị hóa lịch sử” - khi ký ức chiến thắng được vận dụng nhằm biện minh cho các hành động địa chính trị gây tranh cãi, từ can thiệp khu vực đến việc thách thức các nguyên tắc quốc tế đương đại.

Bất chấp những tranh cãi, điều không thể phủ nhận là Thế chiến II vẫn đóng vai trò trung tâm trong diễn ngôn chiến lược của Nga và Trung Quốc. Không chỉ là yếu tố biểu tượng, ký ức lịch sử đang trở thành một công cụ quyền lực mềm, phục vụ mục tiêu xây dựng tính chính danh và tạo thế đối trọng trước áp lực từ các thể chế phương Tây.

Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, với sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vì thế mang ý nghĩa vượt khỏi khuôn khổ một sự kiện lịch sử. Đây là cơ hội để hai nhà lãnh đạo gửi đi thông điệp về vai trò của Nga và Trung Quốc như những lực lượng ủng hộ “trật tự hòa bình hậu chiến”, đồng thời gián tiếp chỉ trích các động thái quân sự hoặc chính sách đối ngoại can thiệp từ bên ngoài, vốn được cho là có nguy cơ làm suy yếu nền tảng đó.

Dù mang nặng tính biểu tượng, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Moscow vẫn gắn chặt với các lợi ích thực tiễn. Trong chương trình nghị sự, hai bên tập trung vào hợp tác kinh tế, an ninh khu vực và thúc đẩy vai trò của các cơ chế đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), đặc biệt khi hội nghị thượng đỉnh tại Thiên Tân đang đến gần. Các “điểm nóng” toàn cầu như Trung Đông, Afghanistan và căng thẳng Ấn Độ - Pakistan cũng là chủ đề không thể thiếu.

Tuy nhiên, điều khiến chuyến thăm thu hút sự chú ý lớn lại nằm ở tầng nghĩa biểu tượng. Cộng đồng quốc tế kỳ vọng vào những đóng góp quan trọng từ Nga và Trung Quốc trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định toàn cầu. Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Moscow không chỉ là dịp để hai quốc gia thể hiện sự đoàn kết sâu sắc, mà còn là cơ hội để củng cố cam kết đối với một trật tự thế giới ổn định và công bằng. Trong bối cảnh các căng thẳng toàn cầu gia tăng, vai trò của Nga và Trung Quốc trở nên ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại, giảm thiểu xung đột và bảo vệ hòa bình, đặc biệt là trong các khu vực dễ bị tổn thương như Trung Đông và châu Á.

Bằng cách tập trung vào các giải pháp hợp tác đa phương và cùng nhau duy trì nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, Nga và Trung Quốc có thể đóng góp vào việc xây dựng một môi trường quốc tế bền vững, nơi các quốc gia có thể giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và hợp tác thay vì đối đầu quân sự.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ky-uc-lich-su-thong-diep-hien-dai-khi-moscow-va-bac-kinh-cung-len-tieng-248147.htm