Ký ức một thời bi tráng
Bà là một trong số ít những đảng viên của 'Chi bộ Thép' còn sót lại sau hơn 50 năm, kể từ ngày Hàm Rồng chịu rất nhiều trận bom của máy bay Mỹ. Qua những dòng hồi ức của bà, tôi như được xem lại những thước phim tư liệu sống động, chân thực và quý giá. Những thước phim kể về một thời vệ quốc, bi tráng mà hào hùng của dân tộc.
1. Tháng Tư, khi những cơn gió còn mang chút hơi lạnh rơi rớt của mùa Xuân, thổi qua những rặng dừa bên bờ sông Mã cũng là lúc người xứ Thanh tìm về cầu Hàm Rồng, nơi có những địa danh đã tạc vào hình hài sông núi như: Đồi Quyết Thắng, làng Nam Ngạn, Hạc Oa… để nhớ lại và kể cho nhau nghe về một thời máu lửa, oanh liệt và cũng để thắp những nén hương tri ân, ngưỡng vọng với những người đã ngã xuống cho non sông, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Hơn 50 năm với bà - người đã trực tiếp tham chiến trên trận địa Hàm Rồng năm ấy, mọi thứ vẫn còn vẹn nguyên như vừa xảy ra ngày hôm qua. Qua những dòng hồi ức của bà, tôi như được sống và chứng kiến một thời đạn bom khốc liệt, bi tráng mà hào hùng của cả dân tộc. Bà là Lê Thị Thiết, người làng Hạc Oa, phường Đông Cương, TP Thanh Hóa, một trong những đảng viên của “Chi bộ Thép” năm xưa.
Trong căn nhà cấp 4 nằm ẩn sâu sau con ngõ quanh co được che phủ bởi các tàng cây cổ thụ, bà Thiết bồi hồi lần giở lại ký ức của mình. Năm 1965, Lê Thị Thiết vừa tròn 16 tuổi, là cô nữ sinh bước vào kỳ cuối của năm học lớp 7. Đây cũng là lúc đế quốc Mỹ dùng B52 leo thang đánh phá miền Bắc sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam. Cầu Hàm Rồng trở thành một trong những mục tiêu phải triệt hạ bằng mọi giá của không lực Hoa Kỳ. Thời ấy, làng Hạc Oa quê bà trở thành quân y viện tiền phương, trạm trung chuyển xăng dầu, vũ khí cho chiến trường miền Nam. Suốt trong những năm từ 1965-1967, máy bay Mỹ bắn phá cầu Hàm Rồng và các làng phụ cận từ 8h sáng đến 4h chiều. Nhìn lớp lớp người ra trận, vô số thương binh chuyển về làng sau mỗi đêm đánh B52, cô gái trẻ Lê Thị Thiết đã gác lại mộng sách đèn, đăng ký tham gia vào đội dân quân du kích của làng. Khi ấy, Lê Thị Thiết được phân công nhiệm vụ vừa tiếp nước cho mặt trận đồi Quyết Thắng vừa làm thủ kho.
Bất kể ngày đêm, cô dân quân bé nhỏ hăng hái cùng đoàn dân công hỏa tuyến, len lỏi dọc theo những chiến hào, gánh nước, cơm, tải đạn… lao vào lưới bom, tiếp tế cho các trận địa pháo phòng không, bảo vệ cầu Hàm Rồng. “Lấy sức ở đâu ra ư? Chỉ biết mỗi lần tải thương, nhìn những chiến sĩ bị thương, nằm trên cáng, tôi và mọi người chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Có lẽ, đấy là động lực để tôi và hàng vạn người dân lao vào cuộc chiến” - bà Thiết nói.
Các cụ già trong làng thành lập những tổ đội lão dân binh, các em thiếu nhi theo chân dân công tiếp nước, đem cơm, phụ nữ tham gia tải thương, tải đạn lên trận địa. Cũng trong suốt trong những năm từ 1965-1967, làng không có khái niệm “ngủ”. Bà cũng như mọi người, sau mỗi đợt bom lại tranh thủ thay nhau ăn tạm gì đó lót dạ, dựa lưng vào chiến hào chợp mắt ít phút lấy sức. Nhiều đồng đội đã ngã xuống ngay trên đôi tay gầy guộc, xạm đen khói bom của bà. Sự hy sinh là không thể đo đếm. Lớp này ra đi, lớp khác lại thế chân, miệt mài lao vào trận chiến. Với sự quả cảm, gan dạ và trách nhiệm của mình, chỉ một năm sau khi tham gia vào đội du kích, bà được bầu làm Trung đội trưởng trung đội tự vệ, phụ trách khẩu đội 12 ly 7, trực tiếp bảo vệ Đại đội pháo 36, mặt trận đồi Quyết Thắng và được kết nạp Đảng.
Ngày ấy, giữa lúc bom đạn ngút trời, bà cũng yêu - thứ tình cảm giản dị, trong sáng của cô gái tuổi mới lớn. Người yêu của bà là chàng thanh niên trong đội dân quân cùng làng, hơn bà 2 tuổi. Sau loạt bom đêm, giữa những chớp giật từ pháo phòng không, anh nắm lấy đôi bàn tay ấm nóng của cô gái trẻ Lê Thị Thiết, nói trong hơi thở “Mình cưới nhau nhé!”. Bà vui lắm nhưng có thể hạnh phúc sao được khi quê hương còn chìm trong lửa đạn. Bà gật đầu đồng ý nhưng đưa ra một điều kiện: Phải sau khi Bắc Nam liền một dải, đất nước hoàn toàn độc lập... Anh không nói thêm gì, chỉ nhìn thật lâu vào mắt người yêu rồi gật nhẹ. Ngay trong sáng hôm sau, anh nhập ngũ, theo những đoàn quân hối hả vào Nam.
“Sau này, khi đất nước đã hoàn toàn độc lập, nhiều đêm nằm ngẫm lại, thấy thương anh ấy quá. Thương cho một mối tình đẹp. Nhưng chỉ thương thôi chứ chưa bao giờ tôi hối hận vì những điều đã qua” - giọng bà trầm xuống, xa xăm.
2. Sau thời kỳ đình chiến từ 1968-1970, giặc Mỹ lại tiếp tục leo thang trở lại, bắn phá miền Bắc. Cầu Hàm Rồng một lần nữa trở thành mục tiêu của máy bay Mỹ. Bà lại tiếp tục cùng đồng đội quả cảm lao vào trận chiến, với khí thế “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Với những chiến công oanh liệt, năm 1972, Chi bộ Đảng của bà được phong tặng danh hiệu “Chi bộ Thép”...
“Thôi đừng nhắc nhiều đến những ký ức, tất cả đã thuộc về ngày hôm qua. Quê hương, đất nước mình đang bước sang một trang sử mới, thời kỳ của thái hòa thịnh vượng. Giờ đây, mỗi lần có dịp đi qua vùng chiến địa xưa, ngắm cây cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang như cánh tay thép vươn nối đôi bờ sông, tấp nập xe cộ vào ra, xa hơn là bờ bãi xanh ngút ngàn thấy rõ nét xứ Thanh mình đang “thay da, đổi thịt” từng ngày” - bà Thiết rưng rưng nói trong niềm xúc động.
Vâng! Thanh Hóa và cầu Hàm Rồng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Hãy để cho cho các thế hệ hôm nay được ngắm nhìn cầu Hàm Rồng như một biểu tượng quật khởi trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
3. Cuộc kháng chiến vệ quốc ca khúc khải hoàn, Lê Thị Thiết được cấp trên cử đi học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng rồi được trường giữ lại công tác cho đến khi về nghỉ hưu. Trở lại làng Hạc Oa, cha mẹ già đã khuất bóng, anh chị em trong gia đình mỗi người một cuộc sống riêng. Bà gom chút vốn liếng dành dụm được, cất lại căn nhà của bố mẹ trên nền đất xưa, chăm chút cho đứa con nuôi.
Bà luôn tâm niệm rằng: Còn sống đến hôm nay cũng đã là may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã ngã xuống. Được thấy quê hương, đất nước đổi mới, đấy là một hạnh phúc lớn lao không gì đong đếm được.
“Điều mà những người đã đi qua cuộc chiến, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Hàm Rồng như chúng tôi vẫn luôn mong mỏi là có một tượng đài được dựng ngay bên bờ sông Mã - để tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì dân tộc. Đây không chỉ là sự tri ân cao cả mà nó còn góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam” - bà Thiết bày tỏ.
Thanh Hóa và cầu Hàm Rồng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Hãy để cho cho các thế hệ hôm nay được ngắm nhìn cầu Hàm Rồng như một biểu tượng quật khởi trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ky-uc-mot-thoi-bi-trang-5716494.html