Ký ức người lính bắn rơi 'Thần sấm, con ma'
Những ngày tháng 8 lịch sử, chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện với những người lính pháo cao xạ đã lập nhiều chiến công trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, góp phần giành độc lập tự do cho quê hương.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những ngày chiến đấu oanh liệt trong “mưa bom, bão đạn” vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những cựu lính pháo cao xạ. Năm nay, dù đã bước sang tuổi 88, người chiến sĩ pháo cao xạ Nguyễn Văn Soài, tổ 9, phường Tô Hiệu vẫn còn minh mẫn, ông Soài kể: Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Năm 1962, nhập ngũ tại Tiểu đoàn pháo cao xạ Quân khu Tây Bắc, tôi làm giáo viên huấn luyện pháo cao xạ, trực tiếp chỉ huy chiến đấu trên nhiều trận địa, như Ngã ba Cò Nòi, cầu Tà Vài. Đặc biệt, Tiểu đoàn pháo cao xạ 24 đã cùng quân dân các dân tộc thị xã Sơn La chiến đấu bắn rơi máy bay Mỹ và bắt sống giặc lái ở thị xã Sơn La. Trận quyết liệt nhất là vào trung tuần tháng 6/1965, theo sự phán đoán của Quân khu Tây Bắc và Tỉnh ủy Sơn La, địch sẽ cho máy bay bắn phá tỉnh nhà. Tỉnh ta là cửa ngõ của Tây Bắc, có đường số 6 là tuyến độc đạo để xe vận chuyển vũ khí, đạn dược, hàng hóa lên phục vụ đồng bào Tây Bắc và phía Bắc nước bạn Lào. Từ sự phán đoán trên, mọi công việc chuẩn bị cho chiến đấu được tiến hành khẩn cấp. Tỉnh ta được điều thêm một Tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly của Quân khu Tây Bắc về Tiểu đoàn 14, đóng ở Mộc Châu; tại thị xã Sơn La có Tiểu đoàn pháo cao xạ 24- 37 ly, 1 đại đội cao xạ 14,5 ly, 1 trung đội 12,7 ly. Để phát hiện từ xa máy bay địch chiến đấu, quân và dân thị xã Sơn La đã huy động hàng ngàn người tham gia kéo pháo lên đồi cao ở bản Nà Coóng và đồi bản Chậu (cạnh Tỉnh ủy hiện nay) ngay trong đêm tối, pháo và đạn dược được vận chuyển lên đồi, tổ dân quân trực chiến trên đồi cao sẵn sàng báo động khi máy bay địch đến...
Đúng như dự đoán, ngày 14/6/1965, Mỹ cho nhiều tốp máy bay bắn phá Mộc Châu. Do có sự chuẩn bị tốt, quân và dân Mộc Châu đã bắn rơi 2 máy bay phản lực Mỹ, bắt sống giặc lái. Qua khai thác phi công Mỹ ta bắt được, ta nắm được thông tin ngày 20/6/1965, Mỹ cho nhiều tốp máy bay đến bắn phá cầu 308 (cầu Trắng hiện nay), thị xã Sơn La và nhiều địa điểm khác trong thị xã. Nhận được tin mật báo đó, Tiểu đoàn trưởng pháo cao xạ ở Sơn La đã triệu tập tất cả cán bộ các đại đội trong Tiểu đoàn về họp ở Tỉnh đội thị xã Sơn La vào tối 17/6/1965, bàn kế hoạch cụ thể và xây dựng kế hoạch chiến đấu bắn rơi máy bay địch bằng mọi giá. Ngay đêm đó, nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đã chuyển các đại đội pháo và súng máy 12 ly về gần cầu 308, bố trí trận địa dày đặc, trên các mỏm đồi, nóc nhà tạo thành lưới lửa phục kích “thần sấm, con ma” của địch. Toàn Tiểu đoàn từ đó thường trực ăn cơm, ngủ tại trận địa pháo, sẵn sàng chờ lệnh chiến đấu bất cứ lúc nào.
Dừng câu chuyện, nhấp ngụm nước chè, ông Soài tiếp tục kể: Khoảng 8 giờ, ngày 20/6/1965, Mỹ cho nhiều tốp máy bay với loại phản lực F4H mà Mỹ gọi là “con ma” và “thần sấm” F105 xối xả thả bom, bắn rốc két xuống một số khu vực thị xã và cầu 308 nhằm chia cắt giao thông. Lệnh của Tiểu đoàn trưởng qua máy điện thoại vang lên: “Bắn!”. Khói đạn của pháo và bom đạn của địch mịt mù bao trùm cả khu vực cầu 308, chiến sỹ trinh sát báo cáo địch nhảy dù ra khỏi máy bay rất nhiều, dân quân và nhân dân thị xã thừa thắng xông lên, bắt sống phi công Mỹ.
Bị thất bại ở cầu 308, Mỹ đã cho máy bay cùng các phương tiện hiện đại đánh thẳng vào trận địa pháo cao xạ của ta, do đó, gây cho ta nhiều thiệt hại cả về người và vũ khí, nhất là ở đồi bản Chậu, đồi Nà Coóng. Bộ đội cao xạ, dân quân tự vệ thị xã lúc này phối hợp với các binh chủng bắn rơi 16 máy bay Mỹ các loại và bắn hỏng nhiều chiếc khác, bắt sống, tiêu diệt 5 giặc lái, góp phần tiêu diệt sinh lực địch và làm thất bại kế hoạch leo thang, mở rộng chiến tranh xâm lược miền Bắc của đế quốc Mỹ.
Là một trong những người lính pháo may mắn sống sót sau hơn 4 tháng chiến đấu, thương binh Lò Văn Ánh, dân tộc Thái, ở tổ 1 phường Quyết Thắng (Thành phố Sơn La) năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông là chiến sỹ Tiểu đoàn 24 pháo cao xạ ngày ấy. Đối với ông Ánh, được huấn luyện và tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời quê hương là một vinh dự và tự hào lớn. Nhớ lại trận đánh ác liệt nhất, ông kể: Vào thời điểm đó, cầu 308 là điểm mà không quân Mỹ tập trung bắn phá ác liệt nhất và cũng là trận địa gay go, nguy hiểm nhất. Xác định được nhiệm vụ của mình, với cương vị là Trung đội trưởng tôi luôn quan tâm, động viên, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, tạo sự đồng lòng, ý chí quyết tâm cao chiến đấu vì sự bình yên của quê hương. Sau những trận mưa bom của không quân Mỹ, nhiều đồng chí, đồng đội bị đất đá vùi lấp, hy sinh, nén đau thương, chúng tôi càng quyết tâm chiến đấu, không hề nao núng, chùn bước.
Ông Ánh cho biết: Trong chiến công đánh thắng cuộc chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ, bên cạnh các đơn vị bộ đội chủ lực, còn có đóng góp không nhỏ của các đơn vị tự vệ, tổ đội dân quân của các xã, bản, cơ quan, đơn vị đã tạo thành một lưới lửa phòng không dày đặc, ngăn chặn, đẩy lùi và tiêu diệt máy bay địch; không để chúng thực hiện được mưu đồ bắn phá các cơ quan đầu não của Đảng, chính quyền cũng như các cơ sở hạ tầng của ta. Đồng thời, còn đóng vai trò tiếp tế, tải thương, phục vụ chiến đấu.
Giờ đây, chiến tranh đã đi qua, những người lính trẻ pháo cao xạ năm xưa đều đã vào cái tuổi xưa nay hiếm, mắt đã mờ, chân tay đã chậm. Nhưng những ký ức hào hùng vẫn còn vẹn nguyên, họ mãi là tấm gương sáng cho con cháu, các thế hệ trẻ noi theo, góp phần xây dựng xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.
Lam Giang (Ghi theo lời kể của nhân vật)
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ky-uc-nguoi-linh-ban-roi-than-sam-con-ma-52858