Ký ức những cánh hoa 'trong lửa'!

Trong chiến dịch mùa xuân 1975 lịch sử cách đây 50 năm, Dầu Tiếng (Bến Cát, Bình Dương) là cứ điểm phòng thủ kiên cố của địch và được ví như vùng 'đất lửa'. Nơi đây đã ghi chiến công về một đơn vị đặc biệt - Đội nữ pháo binh Dầu Tiếng (B4). Đó là những cánh hoa trong vùng đất lửa, mà những ký ức một thời hào hùng về họ như vẫn còn đây!

Trung đội nữ pháo binh Dầu Tiếng (B4) - Ảnh: tư liệu

Trong chiến dịch mùa xuân 1975 của quân và dân ta, Dầu Tiếng là một cứ điểm phòng thủ kiên cố của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, được ví như “bức tường thép” ngăn bước tiến của quân giải phóng tiến về Sài Gòn. Chiến thắng Dầu Tiếng năm xưa, đến nay vẫn còn vang vọng như một bản hùng ca hòa trong khúc hát khải hoàn của đất nước ta... Đó còn là niềm tự hào của những nữ pháo binh Dầu Tiếng - một đội quân “con gái” tuổi đôi mươi như những bông hoa trong vùng lửa đạn, đã chiến đấu kiên cường, góp phần vào chiến công năm nào.

Ký ức hào hùng

Ở tuổi mười tám đôi mươi, những cô gái vốn là con của các công nhân “công tra” (contrat, tiếng Pháp) ở Dầu Tiếng đã rời gia đình, bỏ lại cày, cuốc, dùi, đục, gác lại công việc thường nhật để cầm súng đánh giặc.

Khi thành lập đội nữ pháo binh, có rất nhiều ý kiến khác nhau, có phần chưa tin tưởng vì cho rằng chị em chân yếu tay mềm không thể sử dụng được súng cối. Vậy nhưng cấp ủy vẫn quyết tâm xây dựng đơn vị nữ pháo binh và cử những cán bộ có uy tín của Đại đội 64, Đội Biệt động của huyện trực tiếp xây dựng, huấn luyện đơn vị. Bà Huỳnh Kim Oanh lúc ấy là Thường vụ Huyện ủy, là một trong những nữ pháo binh Dầu Tiếng nhớ lại: Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, ta đẩy mạnh chuẩn bị phát triển lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị, phân công bố trí cán bộ quân sự chính trị, binh vận trên các hướng. Ngày 20-12-1967, tại lô 21, làng 6, Huyện ủy đã quyết định thành lập Trung đội Nữ pháo binh lấy phiên hiệu là B4, lấy bìa rừng lô cao su 21 làm căn cứ đầu tiên. Ngày ra mắt chỉ mới tập hợp được 2 tiểu đội, với 12 chị nòng cốt. Vũ khí trang bị gồm 1 khẩu cối 60 ly, 1 khẩu B40, 8 khẩu AK, 3 khẩu CKC, 2 khẩu M1 Carbine.

Bà Huỳnh Kim Oanh (đứng giữa) và đồng đội nữ pháo binh Dầu Tiếng thăm lại nơi thành lập Trung đội Nữ pháo binh (B4) tại lô cao su 21, làng 6 - Ảnh: Hoàng Sơn

Đến tháng 1-1968, B4 đã có 22 chị em. Được học tập và rèn luyện chỉ trong thời gian ngắn, nhưng chị em đã quản lý, sử dụng thành thạo vũ khí được trang bị, kể cả súng cối 60 ly. Đồng thời, các chị ý thức rõ trách nhiệm của mình, sát cánh cùng đội biệt động địa phương dũng cảm chiến đấu, lập nhiều thành tích.

Ra quân trận đầu, toàn đội quyết tâm lập chiến công. Trận xuất quân đầu tiên của B4 vào tháng 3-1968. Khi đó, Mỹ dùng máy bay lên thẳng đổ 1 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 25 xuống cánh đồng lô 35, làng 6 để mở cuộc càn quét vào các làng giải phóng của ta. Được sự chỉ đạo của Huyện đội, B4 đem cối 60 ly đặt tại cổng lô 34 bắn vào bãi đổ quân của địch. Kết quả, ta đã bắn cháy 3 máy bay trực thăng, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 30 tên Mỹ - ngụy. Trong trận này, 3 đồng chí trong B4 được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay.

Bà Bùi Thị Đây là một trong những người vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý ấy. Giờ đây, về thăm lại chiến trường xưa, bà bồi hồi, xúc động khi được gặp mặt những người đồng đội năm xưa và cùng xem lại những hình ảnh, kỷ vật về một thời hoa lửa nhưng rất đỗi tự hào.

Bà Bùi Thị Đây - Dũng sỹ diệt máy bay (bìa phải) cùng đồng đội (bà Huỳnh Kim Oanh) xem lại những kỷ vật xưa - Ảnh: Hoàng Sơn

Không thể nào quên!

“...Khi thành lập Trung đội Nữ pháo binh huyện Dầu Tiếng, quân số có 2 tiểu đội, gồm 24 chị em. Chị Ba Ánh (Ba Nự) được phân công làm trung đội trưởng và các chị: Ngọc, Hoa, Út Đẹt, Tám, Kim Lưu, Thủy, Lập, Sang...” (trích tự truyện “Sáng ngời chất ngọc” của tác giả Huỳnh Kim Oanh). Vào thời kỳ này, quân đội và nhân dân miền Nam nói chung đã phát huy tinh thần chiến đấu bền bỉ và sáng tạo để đối phó với đông đảo lực lượng địch cùng trang thiết bị hiện đại. Những nữ pháo binh Dầu Tiếng là hình ảnh đầy tự hào mà những người đồng đội bấy giờ và thế hệ hôm nay không thể nào quên.

Họ đã tham gia những nhiệm vụ đầy thách thức và mạo hiểm, có người đã hy sinh, nằm xuống trên mảnh đất này... Trong tự truyện “Sáng ngời chất ngọc”, tác giả Huỳnh Kim Oanh đã viết: “Tinh thần quyết tâm của chị em “Thà hy sinh chứ không cho chúng bắt sống” đã trở nên bất hủ, trở thành biểu tượng của những cô gái mười tám đôi mươi trong Trung đội Nữ pháo binh Dầu Tiếng. Trong 9 năm tồn tại, trận địa pháo của các chị đã giáng cho địch nhiều đòn chí tử, hồn bay phách lạc”.

Câu nói: “Thà hy sinh chứ không cho chúng bắt sống!” chính là tinh thần bất hủ của những nữ pháo binh Dầu Tiếng lúc bấy giờ. Họ không chỉ chiến đấu bằng sức mạnh mà còn bằng lòng dũng cảm, sự đoàn kết và tinh thần yêu nước mãnh liệt. Chính tinh thần đó đã góp phần vào sự thành công của nhiều chiến dịch quan trọng; đóng góp trực tiếp vào các trận đánh lớn và phá vỡ nhiều phòng tuyến của địch.

Trang mở đầu tập tự truyện của tác giả Huỳnh Kim Oanh - Ảnh: Hoàng Sơn

Cứ vào ngày truyền thống thành lập đơn vị B4 (20-12) hay dịp kỷ niệm Ngày truyền thống chiến thắng Dầu Tiếng (13-3) tiến tới kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) hằng năm, các chị em trong Đội Nữ pháo binh Dầu Tiếng năm xưa lại gặp nhau. Với họ, đây không chỉ là những phút giây hiếm hoi, quý giá để được bên nhau thăm hỏi, sẻ chia về bản thân và gia đình mà hơn cả là được cùng nhau hàn huyên, tìm về những ký ức hào hùng, quý giá năm xưa...

“Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, một số chị em đã không trở về nữa, họ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ... xương máu của các chị đã hòa vào đất mẹ Dầu Tiếng thân yêu... (trích tự truyện “Sáng ngời chất ngọc” của tác giả Huỳnh Kim Oanh).

Những nữ pháo binh Dầu Tiếng năm xưa tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh - Ảnh: Hoàng Sơn

Vâng, nhiều chị em trong đội nữ pháo binh năm ấy đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường khi còn rất trẻ - mười tám đôi mươi - cái tuổi đẹp nhất của đời người. Máu của các chị đã thấm vào đất mẹ Dầu Tiếng, thành hoa đỏ giữa lòng đất thiêng, để lại những tiếc thương khôn nguôi cho gia đình, người thân và bao đồng chí, đồng đội.

50 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất (30-4-1975), những người nữ pháo binh năm xưa vẫn còn đây... Nhưng trong số những người trở về, có người hy sinh một phần thân thể, có người mang trong mình bệnh hiểm nghèo do di chứng chiến tranh. Song, vượt lên trên tất cả là sự mạnh mẽ, là nghị lực kiên cường của những người đã từng đi qua lửa đạn... Đó là những ký ức hào hùng không thể nào quên!

Biểu tượng anh hùng!

Đội nữ pháo binh Dầu Tiếng là một biểu tượng anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam nói chung và vùng đất Đông Nam Bộ nói riêng. Họ là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam dịu dàng nhưng rất đỗi hiên ngang và dám đấu tranh trước kẻ thù. Những nữ pháo binh Dầu Tiếng được ví như những cánh hoa xinh đẹp, mong manh của tuổi mười tám đôi mươi, nhưng cũng đầy oai hùng, dũng cảm! Gan cường đấu tranh trong vùng “đất lửa” Dầu Tiếng năm xưa - chính họ đã có những đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Họ vẫn siết chặt tay nhau như thuở nào bên chiến trường xưa - Ảnh: Hoàng Sơn

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời oanh liệt vẫn cháy rực trong tim họ. Mỗi lần gặp lại, với họ không chỉ là nụ cười xen lẫn nước mắt hạnh phúc của những người chiến thắng, mà đó còn là phút giây chạnh lòng về những hy sinh, mất mát mà họ đã trải qua. Những bàn tay từng siết chặt trong chiến hào giờ lại nắm lấy nhau run run nhưng đầy ấm áp. Những mái đầu bạc chụm vào nhau, cùng kể lại những câu chuyện tưởng như đã lùi xa nhưng vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Chuyện của một thời - chuyện của những người con gái tuổi đôi mươi đã sống và chiến đấu như những huyền thoại giữa đời thường…

Tác giả (bìa phải) và những nữ pháo binh Dầu Tiếng năm xưa dự họp mặt kỷ niệm - Ảnh: Hoàng Huy

Hoàng Sơn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/171850/ky-uc-nhung-canh-hoa-trong-lua