Ký ức nơi phát thanh Bản Tuyên ngôn Độc lập và Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến
Căn biệt thự số 128C Đại La (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - nơi từng phát thanh bản tin đặc biệt về Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến đang đối diện với nguy cơ bị tháo dỡ do vướng hành lang thi công, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy.
Ký ức về những ngày hào hùng của dân tộc
Căn biệt thự tại số 128C Đại La được xây dựng theo kiến trúc Pháp năm 1912, nơi đặt trạm phát sóng Bạch Mai và cũng chính nơi này đã phát thanh Bản Tuyên ngôn Độc Lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào hồi 11h30 ngày 7/9/1945 (sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình 5 ngày). Đến 20h ngày 19/12/1946, từ hiệu lệnh phát đi từ trạm phát thanh Bạch Mai, toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời Kêu gọi đó đã được phát sóng vào đầu buổi sáng 20/12/1946 trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trong căn biệt thự này, buổi phát thanh bằng tiếng Việt đầu tiên do bà Dương Thị Ngân (bút danh Ngân Thanh) phát thanh viên nữ đầu tiên của Việt Nam thực hiện. Buổi phát thanh ấy cũng mang ý nghĩa quan trọng đối với non sông, đất nước khi bà Ngân Thanh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ít lâu sau, ông Nguyễn Văn Nhất – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Việt Nam xướng lên một lần nữa Bản Tuyên ngôn Độc lập hào hùng của dân tộc. Cũng trong căn biệt thự này, khoảng 20h ngày 19/12/1946, phát thanh viên Ngân Thanh đọc bản tin đặc biệt phát đi Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên thực trạng: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực phân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa". Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu lên ý chí: "Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Đặc biệt, trong Lời kêu gọi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu rõ: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước". Kết thúc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Người khẳng định: "Kháng chiến thắng lợi muôn năm!".
Dấu ấn lịch sử của căn biệt thự cổ này đã được khẳng định qua bao thời gian. Cũng vì lẽ đó nên trước thông tin căn biệt thự có thể sẽ bị tháo dỡ, không ít người dân cũng như những người có liên quan không khỏi tiếc nuối, xót xa. Cải tạo, mở rộng đường là một trong những chủ trương mới giúp Thủ đô thêm hiện đại, phục vụ đời sống của người dân nhưng bên cạnh đó, cũng cần có phương án ứng xử với căn biệt thự sao cho hài hòa, hợp lòng người, đã và đang khiến nhiều cơ quan chức năng tìm phương hướng giải quyết.
Nặng lòng với dấu tích lịch sử
Năm 1976 – 1977, căn biệt thự được phân cho hai gia đình cán bộ cấp cao của Đài Tiếng nói Việt Nam, họ cũng là những nhân chứng lịch sử, đó là vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhất - bà Dương Thi Ngân và ông Lý Văn Sáu. Từ khi được phân về căn biệt thự này, các gia đình không được phép sửa chữa, cải tạo và đã hơn 1 thế kỷ trôi qua, căn biệt thự vẫn giữ nguyên nét cổ kính, trầm mặc vốn có.
Việc căn biệt thự nằm trong diện có khả năng bị tháo dỡ thì với những người trong cuộc cũng như các nhà sử học, kiến trúc sư, người dân đều tỏ ra nuối tiếc. Một trong những người hiện đang sống trong căn biệt thự là bà Nguyễn Khánh An (64 tuổi - con gái nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Bá Đoàn) khi trò chuyện cùng chúng tôi vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động. "Bác Nguyễn Văn Nhất và Dương Thị Ngân đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang khắp năm châu bốn biển. Đây là một ngôi nhà không chỉ có kiến trúc đẹp mà còn ghi dấu thời khắc lịch sử của dân tộc".
Trước nguy cơ căn biệt thự bị phá dỡ do ảnh hưởng đến hành lang mở rộng, cải tạo đường Vành đai 2, bà Khánh An không khỏi ngậm ngùi: "Cảm giác buồn và tiếc nuối. Không phải vì tiếc của cải, mà tiếc vẻ đẹp của một công trình kiến trúc lịch sử". Bà Khánh An cũng cho biết, để thành phố đẹp hơn, bà không có ý kiến gì. Nhưng giá như trước khi thành phố làm quy hoạch, cần có biện pháp hợp lý hơn để giữ lại căn biệt thự này - một công trình trong ký ức đẹp mãi với thời gian.
Rất nhiều chuyên gia, nhà sử học, kiến trúc sư cũng cho ý kiến về việc nên bảo tồn căn biệt thự số 128C Đại La. Ngày 17/12, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ đã ký công văn gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị xem xét bảo tồn ngôi biệt thự thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai, mong muốn phối hợp cùng thành phố tìm giải pháp. Với một công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử quốc gia như Trạm phát sóng Bạch Mai, Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị UBND TP Hà Nội quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện một số phương án bảo tồn như ý kiến của một số chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch: giữ lại tòa nhà ở vị trí hiện tại, hoặc di chuyển tòa nhà sang một vị trí khác, hoặc giữ lại một phần của tòa nhà, chỉnh trang thành địa chỉ lịch sử về Trạm phát sóng Bạch Mai…
Trả lời báo chí, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Những nhân chứng lịch sử rồi sẽ chết đi theo quy luật, còn lại sẽ là những giá trị vật thể mà bao năm chúng ta đã có. Trong khi đó, nhu cầu phát triển của Hà Nội có nhiều phương án khác nhau. Nếu không xây chỗ này, có thể xây chỗ khác. Không có phương án này thì có phương án khác. Một khi đã phá bỏ đi một di tích rồi sẽ không bao giờ làm lại được, kể cả đầu tư cho nó rất nhiều tiền”.