Ký ức Tết tuổi thơ

Quê tôi, vùng đất ngày xưa được gọi là 'tiểu Đồng Nai', thực ra là vùng đất nghèo. Ngày xưa, có ruộng cấy lúa nước, lại là ruộng nhất hay nhì đẳng điền, đã mặc nhiên được coi là 'trù phú'.

Trải bao cơn biến động, “vũng lên đồng”, quê tôi, từ “tiểu Đồng Nai” đã hóa thành “đại đài nông”- nghĩa là chỉ còn biết làm nông, không còn nghề phụ hay có khả năng “chuyển đổi ngành nghề” gì khác. Làm ruộng bây giờ thì ai cũng biết, chỉ đủ ăn là mừng lắm rồi. Thôi thì cũng từ từ.

Ngày tôi còn nhỏ, Tết quê tôi không có gì quá khác biệt với Tết của nhiều vùng quê khác trong nước, nhưng cũng không hẳn giống với vùng nào. Quê tôi, vốn xưa là nơi người Chăm cư ngụ, trải nhiều biến động lịch sử, người Chăm và người Việt đột nhiên khi gặp nhau lại hóa thành anh em “uống chung dòng nước Trà giang xanh”. Họ phát hiện ở nhau những nét tương đồng, và cuộc hòa huyết đầy cảm xúc, nhiều hứng khởi đã kết nối người Việt và người Chăm ở quê tôi thành anh em, thành ruột rà, hóa vợ chồng, thông làng nước.

Từ ngày đó, trong huyết quản “người Kinh” quê tôi đã có ít nhất 50% dòng máu người Chăm cổ. Và cũng ít nhất 50% số món ăn truyền thống ở quê tôi, nhất là những món ăn trong ngày Tết, có “lý lịch” từ những món ăn truyền thống của người Chăm. Như các món gỏi, các món thịt hay cá để chua, các món ram được gói bằng bánh tráng (bánh đa) và các món có ăn kèm với “nước lèo”.

Một vùng đất nghèo nhưng phong phú sản vật, dù là sản vật nghèo, luôn là cơ sở để cho “ra lò” nhiều món ăn mà với người địa phương thì hợp khẩu vị còn với du khách thì lạ miệng khiến ai cũng cảm thấy hài lòng và đều có thể tìm trong đó những lý do cho sự ưa thích riêng mình. Như món don. Đây không phải món trong cỗ bàn Tết, nhưng với người quê tôi, lại là món ăn tuyệt vời để hóa giải những ngán ngẩm của thức ăn nhiều thịt mỡ trong Tết.

Khoảng mùng 5 hay mùng 6 Tết, khi bắt đầu du Xuân, người quê tôi rất thích được ăn vài tô don, ngày xưa thì từ các gánh don lưu động do các cô hàng don gánh bán: “Nghèo nghèo nợ nợ cũng cố kiếm cho được con vợ bán don – Mai sau nó chết cũng còn cặp ui”. Ấy người quê tôi hay hài hước như thế, nhưng tịnh không một chút ác ý, chẳng qua là để tôn vinh món don truyền thống, xin nói ngay là món “truyền thống” của người Chăm.

“Cặp ui” theo nghĩa đen là một đôi vò bằng đất nung dùng để đựng nước don nóng. Còn theo nghĩa bóng của câu ca dao này thì… xin mách nhỏ với bạn, món don tuy rẻ tiền và rất dễ ăn nhưng lại là một món vừa bổ dương vừa bổ âm, có tác dụng không thua kém viagra nhưng lại đắc dụng cho cả chàng lẫn nàng.

Con don, cư ngụ dưới đáy sông Trà, là một loại ốc hến nhỏ. Nhỏ nhưng đặc biệt ở chất ngọt đậm đà sau khi được đãi vỏ và nấu lên. Nước don ăn với bánh tráng (bánh đa) bẻ vụn, cũng là món bánh của người Chăm cổ mà sau này Hoàng đế Quang Trung đã cho làm lương khô để đoàn quân Bắc tiến của mình no lòng khi hành quân xuyên rừng vượt truông tiến ra Bắc đại phá quân Thanh.

Nhưng ngày Tết quê tôi cũng còn khối món là lạ khác. Như bánh nổ. Tôi bảo đảm, ngoài Bắc không có món bánh này. Trong Nam bộ cũng không có. Chỉ quê tôi là có.

Bánh nổ, thì cũng chỉ làm từ nếp rang, nhưng không phải bánh cốm Bắc, cũng chẳng phải bánh phồng bánh dẹp Nam Bộ. Hay như món bánh mè. Ngoài Bắc có kẹo vừng. Bánh mè cũng làm từ vừng (mè), nhưng không phải kẹo vừng. Nó là sự kết hợp giòn giã giữa bột nếp chiên dòn và vừng (mè) thơm thảo. Cứ như cả cánh đồng nếp đang mùa gặt ùa hương thơm vào ta khi thưởng thức món bánh mè này. Nghe hát Tuồng, coi hát múa bả trạo đầu năm mà trong túi có mấy cái bánh mè, vừa thưởng thức nghệ thuật vừa nhai lai rai thì… đã lắm!

Người quê tôi ít khi được chơi. Quanh năm làm lụng vất vả, đầu tắt mặt tối. Nên cái chơi trong Tết cũng không rườm rà. Ngày xưa, họ tập trung ra đình làng coi hát bội. Có những nghệ sĩ hát bội, nghệ sĩ Tuồng được người quê tôi nhớ tới từng động tác vũ đạo, từng câu hát nam hát khách, từng cú ra roi quất ngựa (vũ đạo Tuồng) sau khi họ chết đã nhiều năm. Vinh quang của người nghệ sĩ hồi xưa, khi chưa có truyền thông đại chúng, tưởng như hạn hẹp mà hóa lại sâu sắc. Nó đúng là thứ bánh nổ truyền thống, nén chặt lại chứ không nổ tùm lum toét loét như bây giờ.

Nói vậy chứ bây giờ cũng còn khối cái để chơi Tết. Mùng 5 Tết Hội Tây Sơn ở Bình Định, thì ở quê tôi người ta lên núi Thiên Ấn cầu may, hay xuống biển xin xăm ở Chùa Ông – Thu Xà. Cũng là một phong tục lạ, ở chỗ nó không rõ ra là lễ hội gì, nhưng vẫn thu hút rất đông, thậm chí quá đông người tham gia một cách hỉ hả. Đầu năm xin xăm, nhỡ bốc phải cây xăm “xấu” thì “dông” cả năm! Vậy mà vẫn chơi, chơi tới bến, không ngán ngại.

Mùng 6 thì có hội đua thuyền trên sông Trà, cũng là một lễ hội vừa vui vừa hay, vừa Tết nhất vừa thể thao nên được chính quyền khuyến khích. Đua thuyền một buổi một ngày, nhưng việc chuẩn bị lại âm thầm trong gần mấy tháng trước Tết.

Hồi xưa là từng làng, bây giờ là từng thôn đều có đội đua thuyền riêng của mình, có thuyền đua riêng của mình, cất ở đình làng. Trong năm, trai tráng đội đua đã phải tập luyện, lấy trong ngày làm ăn những khoảng thời gian giành cho việc tập luyện, và họ đều “ăn cơm nhà vác chèo ba hàng tổng” để sẵn sàng cho cuộc đua. Giải thưởng không lớn về tiền mặt, vì chẳng ai có tiền treo giải cao, nhưng đây là chuyện danh dự của làng, nhiều khi cái danh còn to và thực hơn cả cái thực. Vậy là đua.

Bây giờ, quê tôi còn có hòn đảo du lịch Lý Sơn rất thu hút khách thập phương vào dịp sau Tết. Đi du lịch Lý Sơn không đơn giản chỉ là đi du lịch biển đảo, mà còn thể hiện trong sâu thẳm tâm hồn tình yêu nước. Cái ngày tôi ra Lý Sơn lần đầu tiên, có lẽ đã ngót vài chục năm rồi.

Ngày ấy, Lý Sơn còn nhiều cái lạ hơn cả bây giờ. Đó là những cái lạ của một hòn đảo tuy không nhỏ nhưng còn nhiều hoang dã. Bây giờ đã khác, nhưng sắc thái hoang dã thì vẫn còn, tập trung ở đảo Bé. Và đó cũng là điểm thu hút du khách. Giống như nhiều người bây giờ thích ăn rau dại, ăn rau rừng, ra Lý Sơn mà ở nhà dân, gọi là homestay, và ăn những con ốc nhỏ, những con cá nhỏ kèm với rượu vú nàng, cũng là loại rượu ngâm một loại hải sản của đảo, thì tuyệt thú vị.

Quê tôi ăn Tết, hồi xưa cũng lai rai, bây giờ thì tốc độ có nhanh hơn, vì sau Tết còn nhiều việc phải làm. Nhưng Tết không chỉ là ăn nhiều hay ít, chậm hay nhanh, Tết là thời khắc của tốc độ cảm xúc. Đó là thời khắc của nhớ nhung, của ký ức, của những ấm áp đoàn tụ, đùm bọc, của tình yêu thương và san sẻ. Với tôi, Tết là khoảng thời gian đặc biệt để nhớ về cha mẹ mình. Thời bao cấp, dù sống ở Quy Nhơn xa xôi, nhưng khi đó còn cha mẹ, Tết nào gia đình tôi cũng về quê ăn tết với cha mẹ mình. Với tôi, đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất.

Thanh Thảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ky-uc-tet-tuoi-tho/