Ký ức tháng Bảy: Sinh viên Báo chí trở về Thành cổ Quảng Trị – nơi ghi dấu lịch sử hào hùng dân tộc
Trong những ngày tháng Bảy tri ân, Thành cổ Quảng Trị đón đoàn sinh viên chuyên ngành Báo chí, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), đến thăm viếng, học tập và tìm hiểu về lịch sử dân tộc tại một trong những địa danh thiêng liêng bậc nhất của Tổ quốc.
>

Giữa không gian trầm mặc của Thành cổ Quảng Trị, từng ánh mắt, từng gương mặt đều hướng về người thuyết minh - người kể chuyện của quá khứ. Không còn sự ồn ào, chỉ còn lại sự tập trung, trân trọng và những rung động lặng lẽ. Ảnh: Gia Bảo
Thành cổ Quảng Trị - Bi tráng và bất khuất
Được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn, Thành cổ Quảng Trị ban đầu là trung tâm hành chính, quân sự của trấn Quảng Trị. Nhưng lịch sử đã lựa chọn nơi này làm điểm tựa cho một trong những trận đánh khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - trận chiến 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972.
Từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, quân và dân ta đã kiên cường bám trụ giữa mưa bom, bão đạn của quân đội Mỹ - Ngụy. Trung bình mỗi ngày, Thành cổ và khu vực lân cận hứng chịu khoảng 20.000 quả đạn pháo, hàng trăm lượt không kích. Đất đá tan hoang, dòng Thạch Hãn nhuộm đỏ máu nhưng ý chí người lính không lùi bước.
Có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây, nhiều người trong số họ còn rất trẻ - chỉ mới mười tám, đôi mươi - nhưng đã chọn “lấy thân mình chặn lửa đạn”, giữ lấy từng tấc thành, từng ngọn cờ.
Tri ân quá khứ – Giáo dục thế hệ hôm nay
Hành trình về nguồn của đoàn sinh viên diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), mang theo trong mình tâm nguyện tri ân sâu sắc và khát vọng được “lắng nghe” lịch sử từ chính những chứng tích nơi đây.
Thành cổ Quảng Trị - nơi ghi dấu trận chiến 81 ngày đêm khốc liệt mùa hè năm 1972 - không chỉ là biểu tượng bất khuất của tinh thần chiến đấu và hy sinh mà còn là nơi kết tinh tình yêu Tổ quốc, lòng quả cảm và ý chí sắt đá của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Tại Đài tưởng niệm trung tâm, các sinh viên dành phút mặc niệm và thắp hương tưởng nhớ hàng vạn anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Giữa không gian tĩnh lặng, lời dẫn chương trình vang lên: “Xin hãy cúi đầu trước vong linh các anh, những người đã hóa thân thành đất để đất nước nở hoa độc lập...”
Bằng giọng kể trầm lắng, giàu cảm xúc, cán bộ thuyết minh đã đưa người nghe trở lại mùa hè đỏ lửa năm 1972 - nơi hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong suốt 81 ngày đêm giữ vững Thành cổ. Những chi tiết chân thực về cuộc sống trong chiến hào, về tinh thần “còn người, còn Thành cổ”, về những lá thư cuối cùng gửi người thân… khiến nhiều sinh viên không giấu nổi sự xúc động.
Không khí buổi tham quan lắng đọng, trang nghiêm. Nhiều sinh viên tranh thủ ghi chép, chụp hình các tư liệu và lặng lẽ đặt tay lên bức tường đá phủ đầy rêu xanh như để cảm nhận rõ hơn hơi thở của lịch sử.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) ghi lại hình ảnh tại Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, mùa hè đỏ lửa 1972. Ảnh: Vũ Hà
Từ bài học lịch sử đến bài học làm người
Chuyến đi không chỉ là hoạt động tri ân mà còn là chương trình học tập thực tế quan trọng trong chương trình đào tạo của Viện. Sinh viên được giao nhiệm vụ ghi chép, phỏng vấn, viết phóng sự, thực hành tác nghiệp báo chí ngay tại thực địa - một “lớp học không vở” giữa lòng di tích lịch sử.
Nhiều sinh viên xúc động khi lần đầu tiên được nghe câu chuyện về những người lính trẻ xung phong chiến đấu khi tuổi đời còn chưa tròn đôi mươi hay gặp gỡ các cựu chiến binh từng cầm súng bảo vệ Thành cổ.

Các sinh viên chăm chú theo dõi tư liệu lịch sử về cuộc chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972, trong hành trình học tập thực tế tại Quảng Trị. Ảnh: Vũ Hà
Lan tỏa giá trị lịch sử - vun bồi lý tưởng cách mạng
Đối với những sinh viên trẻ đang theo học ngành Báo chí - những người sẽ trở thành chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa trong tương lai - việc được tiếp cận lịch sử bằng sự trân trọng, xúc động và nghiêm cẩn là bước khởi đầu quan trọng trong hành trình làm nghề.
Từ dấu chân Thành cổ, những người làm báo tương lai sẽ bước tiếp con đường của sự thật, nhân văn và trách nhiệm, mang theo tinh thần của những người đi trước - viết để bảo vệ lẽ phải, giữ gìn ký ức dân tộc và truyền lửa yêu nước đến thế hệ mai sau.

Cổng chính Thành cổ Quảng Trị - chứng nhân lịch sử ghi dấu những trận chiến ác liệt mùa hè đỏ lửa năm 1972. Ảnh: Vũ Hà
Chuyến tham quan Thành cổ Quảng Trị khép lại nhưng hành trình nhận thức của những sinh viên trẻ chắc chắn sẽ còn tiếp tục. Những bài học từ lịch sử, từ lòng đất nhuốm máu, từ ánh mắt người cựu binh hay lời thì thầm bên bia mộ... sẽ là chất liệu quý giá để các sinh viên Báo chí viết nên những trang báo tử tế - trang báo mang hồn cốt dân tộc.
Sinh viên tổ chức đêm nhạc phục vụ công chúng nhằm gây quỹ thiện nguyện
Chuyên gia nói gì về phổ điểm môn Toán kì thi THPT 2025?
Trường đại học đầu tiên công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào