Hành trình xây dựng khu nghỉ dưỡng suối khoáng của thầy giáo dạy Văn

Một thầy giáo dạy Văn tự tay xây dựng khu nghỉ dưỡng suối khoáng, góp phần biến xã Hạnh Phúc, tỉnh Lào Cai thành điểm đến du lịch thu hút du khách.

Tự vác xi măng, vớt cát, dựng đá

Giữa vùng núi Trạm Tấu (Yên Bái cũ), nay là xã Hạnh Phúc, tỉnh Lào cai heo hút, nơi sáng sớm mây phủ kín triền núi, chiều xuống sương giăng lối mòn, ít ai nghĩ sẽ có khu nghỉ dưỡng suối khoáng quy mô về phòng nghỉ, bốn hồ tắm, mỗi cuối tuần đón hàng trăm lượt khách từ khắp nơi đổ về. Vậy mà điều đó đã thành hiện thực, bắt đầu từ quyết định tưởng như không bình thường của thầy giáo dạy Văn tên Vũ Mạnh Cường.

Anh Cường tự lên ý tưởng xây khu nghỉ dưỡng suối khoáng quy mô hàng chục phòng, bốn hồ tắm.

Anh Cường tự lên ý tưởng xây khu nghỉ dưỡng suối khoáng quy mô hàng chục phòng, bốn hồ tắm.

Khoảng gần 10 năm trước, anh Cường khi ấy là giáo viên Văn, giảng dạy tại Trường THCS thị trấn Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cũ). Những ngày rảnh rỗi, anh thường lang thang qua các bản làng tìm cảm hứng dạy học. Một lần, khi tới bản Huổi Co Sẩu, đứng từ nhà ông Lò Văn Tiên nhìn ra cánh đồng Na Thẳm ngập trong sương sớm, anh Cường bỗng có cảm giác lạ.

Phía sau ngôi nhà tựa núi, phía trước là dòng suối nhỏ nước nóng phun trào quanh năm, buổi sớm hơi nước bốc lên nghi ngút.

“Tôi như bị thôi miên, chẳng hiểu sao lại mạnh dạn hỏi mua luôn căn nhà đó với giá hơn 100 triệu đồng, dù trong túi không có nổi vài chục triệu”, anh Cường kể.

Gia đình ông Tiên đồng ý. Cơ duyên với du lịch suối khoáng bắt đầu từ cái bắt tay giữa thầy giáo với người dân vùng cao.

Thực ra, trước đó, anh Cường đã trăn trở nhiều về tương lai của mình, của nghề dạy học giữa vùng cao nghèo kh, và cả về khả năng phát triển của Trạm Tấu. Anh từng sống và học tập ở Hà Nội, chứng kiến dòng người chen chúc trong các khu phố ngột ngạt, cảm nhận sự tù túng từ bầu không khí đặc quánh ô nhiễm ven sông Tô Lịch.

“Tôi hiểu Trạm Tấu, nơi khí hậu mát lành, thiên nhiên còn nguyên sơ và đặc biệt có mạch suối khoáng ngầm quý giá sẽ rất hấp dẫn với người Hà Nội, nếu biết khai thác đúng cách”, anh Cường chia sẻ.

Anh bắt đầu “vẽ” giấc mơ về nơi nghỉ dưỡng thư giãn, gắn với suối khoáng, thiên nhiên, nơi người ta chỉ cần đặt chân tới là muốn ở lại lâu hơn. Anh đi khắp bản, xin lại những bao xi măng thừa của bà con được Nhà nước hỗ trợ xây chuồng trại.

Có bao đã vón cục, anh đập nhỏ ra, gạn lấy phần còn dùng được. Không có xe chở vật liệu, anh gùi từng bao từ dưới đường lớn vào nhà, đoạn đường gập ghềnh, trơn trượt dài hàng cây số.

Ban ngày, thầy giáo vẫn đi dạy học như bao đồng nghiệp khác. Hết giờ lên lớp, anh vội vã trở về nhà mới. Cơm nước qua loa, anh lại cắm cúi bên bờ suối. Những đêm rét cắt da thịt, đèn pin gắn trên trán, tay mài đá, nắn chỉnh từng viên gạch. Có đêm ướt sũng dưới suối, bàn tay tê dại, anh vẫn không bỏ cuộc.

Mỗi viên đá đặt xuống là một phần mồ hôi, có khi cả máu vì tay trầy xước. Những hồ tắm đầu tiên được đắp thủ công bằng đá cuội, cát suối, vữa xi măng "tái chế". Mọi thứ được làm bằng đôi bàn tay và trái tim không đầu hàng số phận.

Từ ba vị khách đầu tiên

Ngày đầu tiên mở cửa, anh Cường chỉ đặt ra mục tiêu duy trì hoạt động, “5.000 đồng/lượt tắm nước nóng, trẻ con miễn phí”, anh rao. Cả ngày hôm đó, chỉ có 3 khách. Họ tắm xong, ra về mà không hứa sẽ quay lại. Nhưng vài hôm sau, họ dẫn thêm bạn bè. Người này rủ người kia, có người bị bệnh ngoài da, tắm vài lần thì đỡ, sau lan truyền miệng nhau.

Những đoạn video anh Cường tự quay rồi đăng lên Facebook cảnh sương mù bảng lảng trên hồ khoáng, cảnh đàn vịt đứng co ro vì nước quá nóng dần thu hút sự chú ý. Những tin nhắn hỏi chỗ, hỏi đường, hỏi giá nghỉ dưỡng bắt đầu đổ về. Anh học cách làm du lịch qua mạng, kết bạn với người ở Hà Nội, Hải Phòng, thậm chí cả khách Tây.

Đến nay, khu nghỉ dưỡng của anh Cường có hơn 25 phòng nghỉ, 13 nhà Bungalow bằng gỗ đá tự nhiên, 4 hồ nước khoáng với nhiệt độ từ 25 đến 42 độ C. Mỗi cuối tuần, nơi đây đón từ 200 đến 250 lượt khách. Khách cũ quay lại, khách mới do người quen giới thiệu, cứ thế kéo về Trạm Tấu.

Đến nay, khu nghỉ dưỡng của anh Cường đón nhiều khách, nhất là cuối tuần.

Đến nay, khu nghỉ dưỡng của anh Cường đón nhiều khách, nhất là cuối tuần.

“Giờ muốn có phòng ở cuối tuần, khách phải đặt trước cả tháng. Tôi không ngờ giấc mơ mình ‘vẽ’ lại có ngày trở thành hiện thực thế này”, anh Cường chia sẻ, mắt ánh lên sự tự hào.

Anh còn xây cầu, ghế tắm, chậu rửa mặt khoét từ đá cuội, mái nhà lợp bằng gỗ thông cũ người dân bỏ đi. Từng chi tiết đều do anh thiết kế, đặt tay chỉnh sửa như cách người ta chăm chút cho một đứa con tinh thần.

Vũ Mạnh Cường từng là “kẻ lãng tử” của Trạm Tấu xưa kia, nhưng sau cú sốc mất cha, người thầy đầu tiên của anh, Cường quyết tâm đứng dậy, làm lại cuộc đời bằng chính đôi tay. Giấc mơ của anh không dừng ở khu nghỉ dưỡng, mà còn là mong muốn giúp bà con người Mông phát triển bản du lịch cộng đồng, cải thiện sinh kế, lan tỏa những giá trị đẹp của vùng đất còn nhiều gian khó.

“Người Mông không biết phong thủy, nhưng nơi họ ở luôn là thiên đường của du lịch. Cái tiếc là họ chưa biết khai thác. Tôi muốn làm điều đó, nhưng không phải một mình”, anh Cường trăn trở.

Khu nghỉ dưỡng suối khoáng của anh Cường hôm nay là điểm đến lý tưởng với hàng nghìn du khách mỗi năm. Nhưng hơn tất cả, đó là biểu tượng cho ý chí vượt lên của một con người từng gục ngã, viết lại đời mình bằng chính những viên đá, bao xi măng xin lại và cả những đêm trắng giữa núi rừng Lào Cai.

Hà Thắng

Anh Đức

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/hanh-trinh-xay-dung-khu-nghi-duong-suoi-khoang-cua-thay-giao-day-van-192250715224217427.htm