'Ký ức xưa' níu chân du khách giữa Chợ hoa xuân Buôn Ma Thuột
Giữa muôn vàn kỳ hoa dị thảo hay những món đồ đắt giá, gian hàng bán đồ xưa cũ của anh Sơn khiến bao bước chân du xuân hối hả bỗng chậm rãi lạ thường. Nhiều người ghé vào thăm vì tò mò, có người đăm chiêu như thể cả ký ức tuổi thơ ùa về.
Gian hàng bán đồ xưa cũ của anh Lê Đắc Sơn (SN 1976, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) nằm ngay bên đường Trường Chinh- nơi đang diễn ra Chợ hoa Xuân Nhâm Dần 2022. Giữa muôn vàn kỳ hoa dị thảo, gian hàng nhuốm màu thời gian của anh thu hút nhiều ánh nhìn.
Gian hàng chỉ có vài mét vuông nhưng chứa đựng cả một bầu ký ức xưa cũ với đủ món đồ như: Đồng hồ, quẹt lửa, bàn là, lư đồng, xoong nồi, chén bát, bản đồ lãnh thổ Việt Nam, những tờ tiền thời xưa…
Mân mê chiếc bàn là hình con gà, ông Phan Văn Hay (phường Tân Lập) chia sẻ, trước đây, gia đình ông cũng có 1 cái nhưng đã thất lạc. Thời đó, bàn là này cũng hiếm, nhà ông cho cả xóm mượn dùng. Bàn là dùng bằng than củi, nếu người dùng không cẩn thận ủi trước qua chăn, gối để điều chỉnh lượng than rất dễ cháy quần áo. Ông từng không cẩn thận nên làm cháy chiếc áo mới mẹ mua dịp Tết. Nhìn chiếc bàn là này, ông lại nhớ thời cơ hàn.
Anh Sơn chia sẻ: “Tôi bắt đầu sưu tập đồ xưa cũ từ khi học cấp 2. Thời đó, gia đình tôi sống ở Huế và trong nhà có những chiếc mâm đồng do ông bà để lại. Thấy những đồ vật cũ bền theo thời gian, lại là kỷ niệm của ông bà nên trân quý, gìn giữ và đi mua thêm cho phong phú. Tôi thường đến các đại lý ve chai tìm mua, cứ thế bộ sưu tập của tôi càng nhiều thêm”, anh Sơn nhớ lại những ngày đầu sưu tầm.
Để có tiền theo đuổi đam mê, anh Sơn vét hết đồng lương của mình. Với anh, mỗi món đồ vật xưa cũ đều có giá trị riêng của nó. Và để hiểu hết giá trị của chúng, anh Sơn lại ngược nguồn tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ. Cứ thế, kiến thức văn hóa lịch sử của anh lại “dày” lên cùng với bộ sưu tập đồ vật xưa cũ.
Vào Tây Nguyên lập nghiệp, anh Sơn tiếp tục theo đuổi đam mê sưu tập đồ vật xưa cũ. Bộ sưu tập thêm phong phú khi có các món đồ của các dân tộc anh em như chóe, nồi đồng… của đồng bào bản địa Tây Nguyên.
Các món đồ của anh Sơn sưu tập có tuổi đời từ 30-70 năm, thậm chí cả 100 năm. Ngoài sưu tầm từ khu phế liệu, anh Sơn còn trao đổi với những người bạn cùng chung sở thích.