Kỳ VII: Quỷ Cốc Tử mưu lược toàn thư – Ngỗ hợp
'Ngỗ hợp' là thuật dùng hành động trái ngược với dự đoán để xoay chuyển tình thế, không đối đầu trực diện mà khéo léo dẫn dắt đối phương theo ý muốn, biến bị động thành chủ động, có thể áp dụng linh hoạt trong nhiều lĩnh vực.



Không chỉ là một phương pháp giải quyết vấn đề, “Ngỗ hợp” trong “Quỷ Cốc Tử mưu lược toàn thư” còn thể hiện một tư duy chiến lược linh hoạt. Thuật này đề cao khả năng nhìn nhận vấn đề từ góc độ trái ngược với tư duy phổ quát một chiều, sử dụng những cách tiếp cận gián tiếp để đạt được mục đích thay vì đối đầu trực diện. Khi kết hợp với khả năng biện thuyết, “Ngỗ hợp” giúp người áp dụng thay đổi suy nghĩ của đối phương, khiến họ tự động đi theo hướng đã được sắp đặt mà không nhận ra mình đang bị dẫn dắt.
Quỷ Cốc Tử khái quát nguyên lý của “Ngỗ hợp”: “Phàm xu hợp bội phản, kế hữu thích hợp. Hóa chuyển hoàn thuộc, các hữu hình thế, phản phúc tương cầu, nhân sự vi chế”. Câu nói này nhấn mạnh rằng mọi sự vật, sự việc đều tồn tại hai mặt đối lập và có sự biến đổi liên tục. Bất kỳ tình huống nào, dù khó khăn đến đâu, đều có thể tìm ra phương án giải quyết nếu biết cách vận dụng linh hoạt và thích ứng với hoàn cảnh.
Người sử dụng “Ngỗ hợp” cần có sự nhạy bén trong việc điều chỉnh chiến lược, tận dụng thế mạnh của mình đồng thời khai thác điểm yếu và mâu thuẫn của đối phương để giành lợi thế. Quan trọng hơn, họ phải hiểu rằng không có giá trị nào là bất biến; mọi sự vật, hiện tượng đều có mặt thuận và nghịch, lợi và hại, phúc và họa. Bậc trí giả cần biết và dám làm những điều không ai làm, nghe những điều không ai nghe, để nắm bắt quy luật vận động của vạn vật. Họ cũng là người biết cách khai thác nghịch cảnh, chuyển hóa thách thức thành cơ hội, và biến khó khăn thành lợi thế.
Một trong những nguyên tắc then chốt của “Ngỗ hợp” là “Lấy phản cầu hợp” – muốn đạt được mục tiêu, không nhất thiết phải đi theo con đường thẳng mà có thể lựa chọn đường vòng, thậm chí đi ngược chiều để đạt kết quả mong muốn. Thay vì đối đầu trực diện, có thể “cho trước nhận sau” hoặc “lấy cái này đổi cái kia” để đạt lợi ích lớn hơn.

Một trong những ví dụ điển hình về việc ứng dụng thuật này là câu chuyện giữa hai học trò xuất sắc của Quỷ Cốc Tử: Tô Tần (382 TCN - 284 TCN) và Trương Nghi (373 TCN - 310 TCN). Sau khi rời thầy xuống núi lập nghiệp, Tô Tần du thuyết ở Yên, Triệu và được trọng dụng, trở thành tể tướng nước Triệu. Khi nước Tần có ý định thôn tính Triệu, ông cần tìm cách ngăn chặn nhưng không thể trực tiếp yêu cầu vua Tần từ bỏ ý định này. Tô Tần quyết định mời Trương Nghi đến nước Tần, với hy vọng người bạn cũ sẽ thuyết phục vua Tần từ bỏ kế hoạch xâm lược.
Tuy nhiên, thay vì mời Trương Nghi theo cách thông thường, Tô Tần đã vận dụng thuật “Ngỗ hợp” để khiến Trương Nghi phải tự giác hành động theo ý mình. Ông bí mật sai thân cận là Giả Xá Nhân mời Trương Nghi đến Hàm Đan, nhưng cố tình tạo ra nhiều khó khăn. Trương Nghi bị khước từ và không được tiếp đón chu đáo. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng Trương Nghi được gặp Tô Tần trong một buổi ăn, nhưng lại bị đối xử lạnh nhạt. Trong khi Tô Tần thưởng thức sơn hào hải vị, Trương Nghi chỉ có cơm canh đạm bạc.
Phẫn uất, Trương Nghi trách móc Tô Tần: “Ngày còn đi học thân nhau là thế, mà giờ đối xử lạnh nhạt như nước lã, mới có chút quyền lực mà đã huênh hoang, tự đắc”. Tuy nhiên, Tô Tần không nổi giận mà bình thản đáp: “Tôi từng nói chỉ có anh mới thắng được tôi, không ngờ hôm nay lại phải tới nhờ vả tôi, cần tôi tiến cử không phải chuyện khó, song chỉ sợ anh không làm nổi.”. Bị chạm vào lòng tự tôn, Trương Nghi tức giận tuyên bố: “Đại trượng phu cần gì người tiến cử, tôi có thể tự làm được mình”.
Sau khi rời đi, Trương Nghi gặp Giả Xá Nhân và quyết định theo ông đến nước Tần. Nhờ sự giúp đỡ của Giả Xá Nhân và bằng tài năng của mình, Trương Nghi đã có được vị trí ở nước Tần, trở thành khách khanh được trọng dụng. Chỉ khi Giả Xá Nhân tiết lộ toàn bộ kế hoạch, Trương Nghi mới nhận ra mình đã bị Tô Tần khéo léo dẫn dắt. Dù vậy, ông vẫn phải thừa nhận rằng chiến lược “Ngỗ hợp” của Tô Tần đã thành công trong việc bảo vệ nước Triệu thoát khỏi nguy cơ chiến tranh.

Bài học từ “Ngỗ hợp” cho thấy, trong lãnh đạo, quản lý hay đàm phán, đôi khi cách tiếp cận gián tiếp lại mang hiệu quả lớn hơn so với đối đầu trực diện. Quỷ Cốc Tử nhấn mạnh rằng mọi sự việc đều có mặt đối lập, có thuận thì có nghịch, có lợi thì có hại, có thẳng thì có cong. Tư tưởng này phản ánh một sự linh hoạt trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề. Vì vậy, người sở hữu trí tuệ mưu lược phải biết quan sát, thích ứng và biến đổi tình thế để đạt được mục tiêu.
Một nguyên lý quan trọng khác của"Ngỗ hợp" là khả năng “chuyển bị động thành chủ động”. Bằng cách dựa vào hoàn cảnh cụ thể và dựa vào mưu kế của đối phương, người áp dụng “Ngỗ hợp” có thể vạch ra biện pháp khống chế đối phương, từ đó làm thay đổi tình thế, chuyển bị động thành chủ động. Đây không chỉ là bài học giá trị trong thời kỳ cổ đại mà còn có ý nghĩa quan trọng trong kinh doanh và quản trị hiện đại.
Một ví dụ rõ ràng về việc vận dụng chiến thuật này là Tổng thống Franklin D. Roosevelt (1882 - 1945) trong cuộc họp năm 1934. Khi bị nhà văn, nhà báo và nhà phê bình văn học nổi tiếng người Mỹ Henry Louis Mencken (1880 - 1956) chỉ trích chính sách mới, Roosevelt không phản bác trực diện mà khéo léo trích dẫn lại chính lời của Mencken trong cuốn “Giới báo chí Mỹ” để công kích ngược giới báo chí là “ngu si” và “kiêu ngạo”, khiến họ nghi ngờ tính xác đáng trong lời chỉ trích của Mencken. Roosevelt không chỉ giành lại thế chủ động mà còn biến tình huống bất lợi thành cơ hội củng cố vị thế.
Trong thương trường, Ray Kroc (1902 - 1984) - người đưa McDonald’s trở thành thương hiệu toàn cầu - cũng là minh chứng tiêu biểu về việc áp dụng “Ngỗ hợp”. Ban đầu, ông hợp tác với anh em McDonald’s, tận dụng nguồn lực của họ để mở rộng hệ thống cửa hàng. Khi đã đủ thực lực, Kroc khéo léo thương lượng để giành quyền sở hữu thương hiệu này, biến McDonald’s thành đế chế đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới.

“Ngỗ hợp” trong “Quỷ Cốc Tử mưu lược toàn thư” không chỉ là một nguyên lý mưu lược mang giá trị lịch sử mà còn là bài học sâu sắc, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Hiểu và vận dụng linh hoạt thuật này sẽ giúp cá nhân và tổ chức không chỉ thích ứng với sự thay đổi mà còn nắm bắt cơ hội để bứt phá. Trong một thế giới đầy biến động, biết cách đi đường vòng, chuyển nghịch cảnh thành lợi thế chính là nền tảng để đạt được thành công.
“Ngỗ hợp” thuộc thiên thứ 6 trong 12 thiên mưu lược của cuốn sách “Quỷ Cốc Tử mưu lược toàn thư” được Nhà sáng lập - Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Chính trị – Ngoại giao – Quân sự trong "Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời".


Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ky-vii-quy-coc-tu-muu-luoc-toan-thu-ngo-hop-post1731009.tpo