Để doanh nghiệp được hoàn thuế nhanh chóng
Việc hoàn thuế, đặc biệt là hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), không chỉ là quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, mà còn có ý nghĩa lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hoàn thuế GTGT là hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp bổ sung năng lực tài chính trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức.
6 trường hợp doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT
- Doanh nghiệp tư nhân nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng.
- Dự án đầu tư.
- Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
- Doanh nghiệp tư nhân nộp thuế theo phương pháp khấu trừ chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động.
- Các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo.
- Doanh nghiệp tư nhân có quyết định xử lý hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền.
(Theo Luật Thuế GTGT, Luật Quản lý thuế và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn).
Tuy nhiên trên thực tế, không ít doanh nghiệp phàn nàn về việc hoàn thuế chậm, ngay cả khi trong Luật Quản lý thuế đã có quy định rõ về việc hoàn thuế trước, kiểm tra sau, doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ trong vòng 6 ngày sẽ phải được hoàn thuế. Trừ một số trường hợp đặc biệt, Luật quy định phải kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì cũng có một khoảng thời gian để xác minh là 40 ngày, còn nếu hoàn thuế chậm sẽ phải tính lãi.
Theo chia sẻ của ông Tô Vĩnh Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam (VNSTEEL) có trụ sở tại Bà Rịa - Vũng Tàu, công ty gặp vướng mắc trong việc hoàn thuế GTGT gần 200 tỉ đồng tại Cục Thuế tỉnh (nay là Chi cục Thuế) từ tháng 8/2022.
Ông Hưng cho biết, nguyên nhân chính là nguyên liệu đầu vào của công ty là phế liệu, thuộc diện rủi ro nên bị kiểm tra trước khi hoàn thuế.
Hay một trường hợp khác, trong bối cảnh các doanh nghiệp FDI đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền, việc Công ty Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) chờ hoàn thuế GTGT 582,1 tỷ đồng suốt 3 năm qua đang thu hút sự quan tâm đặc biệt. Theo ông Kwon Choon Ki - Tổng Giám đốc SEHC, từ tháng 6/2021 đến tháng 9/2024, doanh nghiệp này vẫn chưa được hoàn số thuế GTGT trên.

Để giải đáp vấn đề này, tại buổi họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài chính, ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết, mấu chốt của những vướng mắc trong hoàn thuế đối với doanh nghiệp này là có sự hiện diện của hoạt động xuất khẩu tại chỗ. Hiện nay, Cục Thuế và Cục Hải quan đang tích cực phối hợp để tháo gỡ khó khăn về mặt chính sách. Cục Thuế khu vực II đã được giao nhiệm vụ trực tiếp xử lý hồ sơ này.
Theo thông tin mới nhất, tại cuộc làm việc ngày 23/3 giữa cơ quan thuế, hải quan và SEHC, phía doanh nghiệp cam kết sẽ cung cấp đầy đủ hồ sơ bổ sung trước ngày 10/4/2024.
Ông Mai Sơn khẳng định: "Nếu công ty cung cấp đầy đủ hồ sơ vào đúng ngày 10/4 thì sau 5 ngày làm việc, cơ quan thuế sẽ hoàn thành thủ tục hoàn thuế cho doanh nghiệp".
PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, việc dồn toàn bộ các hồ sơ giải quyết hoàn thuế lên Cục Thuế dẫn đến áp lực về thời gian giải quyết rất lớn. Trong khi đó, bên cạnh yêu cầu phải giải quyết đúng thời hạn và hoàn thiện nhanh chóng hồ sơ hoàn thuế, cơ quan thuế còn phải kiểm soát rủi ro, ngăn ngừa gian lận hoàn thuế, chống thất thoát ngân sách nhà nước nên trong thực tế, có một tỷ lệ nhất định hồ sơ hoàn thuế được giải quyết không kịp thời.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng việc chậm hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Việc kiểm tra, xác minh hồ sơ hoàn thuế nên được đẩy sớm hơn theo tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Với sự phát triển của công nghệ, ngành thuế có thể sàng lọc, nếu phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ thì mới kiểm tra kỹ.
Bộ Tài chính cho biết, gần 80% hồ sơ hoàn thuế được xử lý nhanh chóng theo cơ chế "hoàn trước, kiểm tra sau", áp dụng cho các doanh nghiệp có lịch sử tuân thủ thuế tốt. Chỉ khoảng 20% hồ sơ thuộc diện "kiểm tra trước, hoàn sau", chủ yếu là các doanh nghiệp lần đầu hoàn thuế hoặc có yếu tố rủi ro. Đáng chú ý, số trường hợp vướng mắc về chính sách hoặc có rủi ro cao chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, cho thấy sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, khi sửa đổi Luật Quản lý thuế, Cục Thuế sẽ tập trung phân loại doanh nghiệp theo mức độ tuân thủ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tự động hóa quy trình. Đồng thời, ông Mai Sơn nhấn mạnh, Cục Thuế sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp nhằm hoàn thiện chính sách, đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/de-doanh-nghiep-duoc-hoan-thue-nhanh-chong-162440.html