Kỳ VIII: Phát triển công nghiệp ven sông

Không chỉ có những cánh đồng mênh mông bát ngát làm nên mùa vàng cho nông nghiệp, mà ven sông Vàm Cỏ Đông còn có những nhà máy, khu công nghiệp hiện đại đã trở thành 'đầu tàu' cho nền công nghiệp Tây Ninh.

Một góc Khu công nghiệp TTC nhìn từ trên cao.

Một góc Khu công nghiệp TTC nhìn từ trên cao.

Khu công nghiệp Thành Thành Công

Khu công nghiệp Thành Thành Công (TTC) rộng 1.020 ha, tọa lạc ở khu phố An Hội, phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng. Nhìn từ trên cao, khu công nghiệp như một ốc đảo giữa bốn bề sông nước. Một mặt giáp sông Vàm Cỏ Đông, một mặt giáp rạch Trảng Bàng và các mặt còn lại được kênh đào bao quanh. Khuôn viên khu công nghiệp rợp bóng cây xanh. Khu công nghiệp TTC được chia thành hai phân khu: phân khu một dành cho các nhà máy sản xuất các sản phẩm dệt may; phân khu hai dành cho các công ty sản xuất đa ngành.

Nổi bật tại phân khu dệt may là Công ty TNHH Zhengxing Việt Nam với tổng diện tích gần 80.000m2, mức đầu tư 25 triệu USD. Đây là nhà máy sản xuất và gia công các loại trang phục với công suất 10 triệu sản phẩm/năm; sản xuất bằng các công nghệ hiện đại và có nhiều khách hàng là các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như Calvin Klein, Seed, New Balance, GUESS, A/X…

Một nhà máy điển hình thuộc phân khu đa ngành là nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa của Công ty TNHH Ningbo Changya Plastic Việt Nam, có tổng diện tích khoảng 76.000m2 chuyên sản xuất các bộ dụng cụ ăn uống bằng nhựa dùng một lần như chén, dĩa, dao, muỗng, hộp, ống hút… công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm.

Ngoài các sản phẩm nhựa, công ty đang triển khai đầu tư sản xuất các sản phẩm sinh thái như bộ dụng cụ ăn uống bằng nhựa tự phân hủy PLA dùng một lần, quy mô sản xuất 18.000 tấn/năm; dụng cụ ăn uống làm bằng giấy dùng một lần quy mô 5.000 tấn/năm; các sản phẩm từ hỗn hợp sợi thực vật và giấy cuộn quy mô 15.000 tấn/năm, túi giấy 12.750 tấn/năm, ống hút giấy 21.600 tấn/năm…

Công nhân Công ty TNHH Zhengxing Việt Nam chăm chỉ lao động.

Công nhân Công ty TNHH Zhengxing Việt Nam chăm chỉ lao động.

Không chỉ xây dựng một khu công nghiệp sinh thái thông minh, Tập đoàn TTC cùng Tập đoàn Năng lượng Guf (Thái Lan) còn xây dựng hai nhà máy sản xuất năng lượng điện mặt trời TTC1 và TTC2 ngay cạnh Khu công nghiệp TTC, sát bờ sông Vàm Cỏ Đông.

Nhà máy TTC1 được xây dựng trên diện tích 69,5 ha với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, cung cấp sản lượng điện khoảng 106 triệu kWh/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tương đương cho 87.347 hộ dân và làm giảm thải ra môi trường 85,45 tấn khí CO2/năm.

Nhà máy TTC2 xây dựng trên diện tích 50,06 ha, mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 78 triệu kWh/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khoảng 63.669 hộ dân, làm giảm thải khí CO2 ra môi trường khoảng 69,29 tấn/năm.

Ông Nguyễn Thành Chương- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bất động sản Công nghiệp TTC cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy trong Khu công nghiệp TTC đạt trên 82%. Doanh nghiệp đầu tư vào đây được hỗ trợ thủ tục pháp lý. Trong Khu công nghiệp, điện, nước được cung cấp đầy đủ, phục vụ cho sản xuất. Nước thải ra môi trường được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm soát mỗi ngày. Khu công nghiệp TTC còn rất quan tâm đến vấn đề cảnh quan cây xanh. Đó cũng là điểm mạnh, niềm tự hào thu hút các nhà đầu tư”.

Khu công nghiệp Phước Đông

Khu công nghiệp Phước Đông thuộc Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông- Bời Lời, tọa lạc trên địa bàn huyện Gò Dầu và thị xã Trảng Bàng. Đây là khu công nghiệp rộng nhất Tây Ninh với tổng diện tích lên đến 2.838 ha.

Khu công nghiệp Phước Đông hoạt động từ năm 2009, đến nay cơ bản hoàn thành giai đoạn một. Trong khu công nghiệp đã xây dựng hạ tầng công nghiệp đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư. Khu công nghiệp Phước Đông được thiết kế như một đô thị sinh thái với những con đường nhựa phẳng lì, thoáng đãng, có công viên xanh mát bóng cây. Những nhà máy đều có khuôn viên rộng rãi, ngăn nắp, xinh đẹp. Đó là ý muốn xây dựng một khu phức hợp sản xuất thương mại thân thiện với môi trường cùng một môi trường sống hiện đại của nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn VRG (Sài Gòn VRG).

Khu công nghiệp Phước Đông, hiện có 42 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động. Đa số các doanh nghiệp đầu tư là các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn quốc tế, với quy mô đầu tư rất lớn. Đơn cử như Công ty TNHH Sailun (Việt Nam), là một công ty con của Tập đoàn Sailun Trung Quốc- tập đoàn sản xuất lốp ô tô đứng thứ ba của Trung Quốc và đứng thứ 17 trên thế giới. Năm 2012, Sailun đã đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất lốp xe ô tô lớn nhất Việt Nam, rộng đến 40 ha ở Khu công nghiệp Phước Đông, với tổng vốn đầu tư đến nay hơn 1 tỷ USD. Hiện tại, Công ty TNHH Sailun có 6.000 cán bộ, công nhân viên đang làm việc, góp phần đáng kể trong giải quyết nhu cầu lao động của tỉnh.

Công ty TNHH Sailun (Việt Nam) đầu tư nhà máy sản xuất lốp ô tô với công nghệ hiện đại.

Ông Lý Khải Thụy- Chủ nhiệm Văn phòng hành chính tổng hợp Công ty TNHH Sailun Việt Nam chia sẻ: “Khu công nghiệp Phước Đông có vị trí thuận lợi, rất gần với TP. Hồ Chí Minh, cũng là nơi có trồng nhiều cao su. Đó là nguồn nguyên liệu tốt cho nhà máy của chúng tôi. Nguồn nhân lực ở đây khá dồi giàu. Khi đầu tư ở đây, chúng tôi được sự ủng hộ của chính quyền Tây Ninh, đặc biệt là Sài Gòn VRG- đơn vị đầu tư của khu công nghiệp này”.

Công ty TNHH Gain Lucky Việt Nam thuộc Tập đoàn quốc tế Shenzhou, có 100% vốn đầu tư từ Anh quốc, chuyên ngành dệt, nhuộm, in hoa, thêu, may mặc. Tập đoàn Shenzhou hiện là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt kim của Trung Quốc. Ông Wang Jinwu- Phó tổng Giám đốc hành chính Công ty TNHH Gain Lucky (Việt Nam) cho hay: “Năm 2015, Công ty TNHH Gain Lucky Việt Nam chính thức bắt đầu sản xuất tại đây. Từ năm 2020 đến nay, tổng giá trị sản phẩm hằng năm của Công ty đều vượt 800 triệu USD. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số lao động của Công ty hơn 17 ngàn người. Nhìn chung, lao động làm việc tại Công ty đa số là người dân Tây Ninh. Khách hàng chủ yếu của công ty gồm những thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike, Puma… Sản lượng của Công ty hiện chiếm khoảng 50% tổng sản lượng của Tập đoàn.

Công ty TNHH Gain Lucky Việt Nam có 100% vốn đầu tư từ Anh quốc, chuyên về dệt, nhuộm, in hoa, thêu, may mặc ở Khu công nghiệp Phước Đông.

Công ty TNHH Gain Lucky Việt Nam có 100% vốn đầu tư từ Anh quốc, chuyên về dệt, nhuộm, in hoa, thêu, may mặc ở Khu công nghiệp Phước Đông.

Hiện tại, Khu liên hợp Công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời chỉ mới hoàn thành giai đoạn một với khu A, diện tích 1.023 ha, tỷ lệ lấp đầy là 97,58%. Khu công nghiệp đã thu hút được 42 nhà đầu tư với tổng vốn đã ký thỏa thuận là gần 6 tỷ USD. Hiện có 35 nhà đầu tư đang hoạt động với tổng số lao động trong khu khoảng 55.000 người, trong đó lao động nước ngoài chiếm 2.028 người.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khu công nghiệp là 7,82 tỷ USD, đạt 125% so với năm trước. Toàn khu công nghiệp đóng góp trên 1.000 tỷ đồng tiền thuế các loại cho tỉnh Tây Ninh. Khu B thuộc Khu công nghiệp Phước Đông với diện tích 1.167 ha đang được triển khai cho thuê hạ tầng, thu hút các ngành nghề kỹ thuật cao, ít thâm dụng lao động và thân thiện với môi trường.

Có dịp di chuyển bằng thuyền dọc dòng sông Vàm Cỏ Đông mới thấy, ngày nay, hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, đô thị hiện đại mọc lên. Dòng chảy con sông ngàn năm khai cơ mở cõi tiếp tục cùng người Tây Ninh đi tới một tương lai tươi sáng với nền kinh tế nông- công nghiệp hiện đại.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-viii-phat-trien-cong-nghiep-ven-song-a174554.html