Kỳ vọng đổi thay từ 88 dự án giao thông

Người dân sinh sống hoặc qua lại các tuyến đường thường xuyên ùn tắc, tai nạn giao thông... đặt kỳ vọng vào nhiều dự án vừa được Sở GTVT TP HCM trình lên UBND thành phố

Ngày 11-7, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại đường Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức, TP HCM.

Thường trực nỗi bất an

Ghi nhận cho thấy đường Nguyễn Duy Trinh có bề rộng chừng 7 m, một số chỗ không có dải phân cách và hai bên nhiều chợ truyền thống, cửa hàng vật liệu xây dựng. Hình ảnh nhà nằm sát mặt đường, xe tải, xe container, xe máy chen nhau tạo cảm giác nguy hiểm luôn chực chờ.

Bà Lê Ngọc Loan (44 tuổi) cho biết nhà bà 3 thế hệ sinh sống tại đây và thường xuyên chứng kiến ùn ứ. Bà nhận xét đường sá nhỏ hẹp, xe cộ như mắc cửi, chỉ nhìn ra cũng đủ sợ. "Nhà tôi có trẻ con, lo nhất là khi các cháu vui chơi rồi bất cẩn. Tôi mong chính quyền nhanh có giải pháp để giao thông trôi chảy, người dân an tâm sinh sống" - bà Loan nói.

Chiều rộng đường Nguyễn Duy Trinh hiện tại chỉ đủ để 2 xe buýt tránh nhau

Chiều rộng đường Nguyễn Duy Trinh hiện tại chỉ đủ để 2 xe buýt tránh nhau

Bày tỏ nỗi bất an, anh Võ Thành Phát (29 tuổi) kể đủ loại phương tiện nối đuôi, luồn lách trên tuyến đường này nhất là cao điểm sáng sớm và xế chiều. Nhiều tình huống anh chạy xe nép sát lề mà vừa lái vừa lo ngay ngáy. Theo anh Phát, người dân rất mong tuyến đường sớm mở rộng để ai cũng có thêm không gian an toàn.

Tương tự, ở cửa ngõ phía Đông dẫn vào trung tâm thành phố, 2 đường Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) chịu cảnh kẹt xe triền miên. Hiện nay, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh rộng khoảng 16-22 m và đường Đinh Bộ Lĩnh sát Bến xe Miền Đông trên 20 m, vì mỗi ngày cõng hàng vạn lượt phương tiện nên gây cảnh quá tải.

Ở cửa ngõ Tây Bắc, địa bàn quận Tân Phú, trục đường Trường Chinh (từ vòng xoay An Sương đến đường Cộng Hòa) ùn ứ giao thông là thực trạng diễn ra mỗi ngày.

Cách đó không xa, do là tuyến kết nối giữa TP HCM với tỉnh Long An nên đường Phan Văn Hớn (từ ngã tư Bà Điểm đến cầu Lớn, huyện Hóc Môn) chịu đựng lượng phương tiện quá lớn. Đây là "tuyến đường đen" về số vụ tai nạn, được đề xuất tập trung xử lý trong năm 2024.

Gỡ dần nút thắt

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa trình UBND TP HCM về ban hành kế hoạch đầu tư các dự án, công trình GTVT trọng điểm thực hiện trong giai đoạn 2024-2030.

Theo đó, có 88 dự án giao thông được đề xuất triển khai, trong đó ưu tiên nâng cấp, mở rộng những tuyến đường thường xuyên ùn tắc, từ đó giúp tăng tính liên kết vùng, kết nối nội đô. Dự kiến nhu cầu vốn để hoàn thành 88 dự án trên 272.310 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách thành phố hơn 198.690 tỉ đồng, vốn huy động theo phương thức đối tác công tư PPP hơn 69.250 tỉ đồng.

Cảnh thường ngày ở đường Đinh Bộ Lĩnh. Ảnh: ÁI MY

Cảnh thường ngày ở đường Đinh Bộ Lĩnh. Ảnh: ÁI MY

Ông Trần Chí Trung, Trưởng Phòng Kế hoạch và Đầu tư Sở GTVT TP HCM, thông tin công tác lập danh mục 88 dự án căn cứ theo quy hoạch của thành phố nhằm xác định công trình giao thông trọng điểm để có kế hoạch ưu tiên bố trí vốn ngân sách. Đây cũng là cơ sở để kêu gọi đầu tư, huy động, thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện dự án.

Bán nước giải khát trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nhiều năm, ông Cao Văn Hảo (51 tuổi) cho biết tình trạng kẹt xe diễn ra hằng ngày. Cũng như người dân trên đường Nguyễn Duy Trinh, ông Hảo mong cơ quan chức năng sớm mở rộng đường bởi không chỉ xóa cảnh kẹt xe mà còn giảm ô nhiễm môi trường quanh khu vực.

Sau khi UBND TP HCM thông qua danh mục, Sở GTVT sẽ được giao nhiệm vụ nghiên cứu tiền khả thi dự án, phối hợp các đơn vị liên quan khảo sát, thống kê số hộ bị ảnh hưởng và lên phương án kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, trên cơ sở danh mục dự án chuẩn bị đầu tư, các địa phương chuẩn bị phương án bồi thường khi giải phóng mặt bẳng.

Đại diện Sở GTVT nói trong 88 dự án có 6 dự án xây dựng đường cao tốc, đường kết nối với cao tốc. Ngoài ra, đầu tư nút giao Gò Công và làm nhánh nối xa lộ Hà Nội đến nút giao Gò Công.

Có 4 dự án triển khai trên quốc lộ gồm nâng cấp mở rộng quốc lộ 1, 13, 22 và đầu tư quốc lộ 50B; 12 dự án xây dựng nút giao và cầu lớn như cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Cát Lái, Rạch Dơi, Rạch Tôm, Phú Xuân 2B; các nút giao tại ngã tư Bốn Xã, nút giao đường Rừng Sác, hoàn chỉnh nút giao Quốc lộ 50 với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ngoài ra, 7 dự án nhằm khép kín đường Vành đai 2 và xây dựng đường Vành đai 4; 19 dự án đường đô thị, 9 dự án đường liên khu vực...

"Những dự án giao thông khi hoàn thành sẽ giúp tăng năng lực giao thông cho khu vực, kết nối nội đô, kết nối vùng. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn hình thành những đô thị mới quanh các trục vành đai…" - ông Trần Chí Trung nhận định.

Đáp số cho Tân Sơn Nhất

Trong 88 dự án có 20 dự án được đề xuất giao nhiệm vụ thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2024. Cụ thể như nâng cấp mở rộng đường Võ Chí Công (đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến cầu Phú Hữu, TP Thủ Đức); xây dựng cầu Rạch Dơi, cầu Phú Xuân 2B (huyện Nhà Bè); xây dựng nút giao thông ngã tư Bốn Xã và nâng cấp các cây cầu trên đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ); nâng cấp, mở rộng đường Đinh Bộ Lĩnh, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh; nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh. Ở phía Tây Bắc có các dự án xây dựng đường song hành Phan Văn Hớn, nâng cấp mở rộng đường Tô Ký; làm đường mở mới phía Tây Bắc...

Gần Tân Sơn Nhất, đường Cộng Hòa giờ cao điểm luôn chật ních xe. Ảnh: THU HỒNG

Đáng chú ý là dự án xây dựng đường trên cao dẫn tới sân bay Tân Sơn Nhất dài 11,2 km, quy mô 4 làn xe, đi dọc trục đường Trường Chinh - Cộng Hòa, qua các quận 12, Tân Phú và Tân Bình. Với tổng vốn đầu tư khoảng 11.906 tỉ đồng, công trình được tin tưởng giảm ùn tắc giao thông cho cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất và cửa ngõ Tây Bắc TP HCM.

THU HỒNG - ÁI MY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ky-vong-doi-thay-tu-88-du-an-giao-thong-196240712212417952.htm