Kỳ vọng gì ở thị trường trong 'bình thường mới'

Trải qua cơn đại dịch với nhiều khó khăn, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, TPHCM đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế trong bối cảnh bình thường mới. Mọi hoạt động dần mở cửa trở lại, trong đó thị trường bất động sản cũng dần phục hồi với nhiều định hướng phát triển mới.

Talkshow tiêu điểm với chủ đề “Nhu cầu và triển vọng thị trường bất động sản sau đại dịch” với sự tham gia của ông Ngô Quang Phúc – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông và ông Trương Trần Thế Vinh -Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Winhouse.

Trông chờ sự hồi phục của thị trường

Tại chương trình Talkshow tiêu điểm với chủ đề “Nhu cầu và triển vọng thị trường bất động sản sau đại dịch” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức nối đầu tháng 11-2021, ông Ngô Quang Phúc – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group) cho biết các hoạt động của doanh nghiệp đang được khởi động lại một cách nhịp nhàng. “Tôi tin rằng trong thời gian tới số lượng giao dịch bất động sản cũng như các hoạt động kinh doanh khác bắt đầu khởi động lại thì thị trường bất động sản sẽ được ấm lên”, ông nói.

Qua khảo sát thực tế, ông Trương Trần Thế Vinh – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Winhouse, ghi nhận lượng khách hàng đi tham quan dự án thực tế vẫn khá ổn và sau giãn cách xã hội, số lượng giao dịch vẫn ở mức tích cực. Theo ông Vinh, đây là thời điểm lãi suất cho vay của các ngân hàng đang giảm, cùng với đó lượng kiều hối đổ về Việt Nam dịp cuối năm sẽ nhiều hơn bình thường, cộng với các gói hỗ trợ từ Chính phủ sẽ giúp kích thích kinh tế. Điều này sẽ dẫn đến thị trường bất động sản khởi sắc trở lại, ít nhất là từ quí 4 trở đi.

Hiện thị trường bất động sản đang dần hồi phục và đi vào quỹ đạo ổn định. Các doanh nghiệp đang có sự chuyển đổi trong việc đưa ra các sản phẩm của mình với một chiến lược mới phù hợp với giai đoạn mới. Từ cách thức bán hàng đến cơ cấu giá thành để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Điển hình là hoạt động kinh doanh bất động sản qua kênh trực tuyến đang dần trở nên phổ biến và mang lại hiệu quả, giúp tiết giảm được nhiều loại chi phí cho doanh nghiệp.

Các diễn giả cũng cho rằng để khởi động lại thị trường bất động sản thì cần khởi động lại các công trình xây dựng, các dịch vụ liên quan. Bởi thị trường bất động sản kéo theo hàng chục ngành nghề đi kèm chứ không chỉ có người mua và người bán. Khi thị trường bất động sản phát triển cũng sẽ kéo theo đà tăng trưởng của các ngành nghề có liên quan, từ đó tạo ra sự cộng hưởng đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.

Cơ hội từ nhu cầu ở thực

Nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, nhiều đơn vị đang chọn hướng phát triển dự án bất động sản tại khu vực vùng ven và lân cận TPHCM, hay còn gọi là bất động sản vệ tinh. Một trong những nguyên nhân chính là do quỹ đất trung tâm TPHCM dần bị thu hẹp, chi phí cao nên các khu vực lân cận TPHCM đang trở thành vị trí tiềm năng để phát triển dự án nhà ở phục vụ nhóm khách hàng là những người có thu nhập trung bình trong xã hội.

Ông Ngô Quang Phúc chia sẻ kế hoạch xây dựng một triệu ngôi nhà cho công nhân, người nhập cư mà TP. HCM hướng tới là thuộc về nhóm sản phẩm nhà ở xã hội, và bên cạnh nhóm sản phẩm này cần có thêm nhóm nhà ở thương mại giá thấp, bởi phân khúc thị trường này có tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư. “Đây là một phân khúc thị trường đặc biệt và tôi tin rằng các chủ đầu tư rất quan tâm và nếu chính quyền có những giải pháp kích thích thị trường nhà ở thương mại giá thấp sẽ tạo ra nguồn cung lớn trên thị trường, và người có nhu cầu thực có thêm cơ hội để sở hữu nhà ở”.

Nhà ở thương mại giá thấp, dành cho những người có thu nhập trung bình, không đồng nghĩa với việc chất lượng nhà sẽ thấp. “Đối với Phú Đông thì dự án nào cũng phải đảm bảo chất lượng tốt. Giá thấp ở đây là do diện tích nhỏ và vị trí nằm xa khu vực trung tâm một chút nhưng mà vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại làm việc của người dân”, ông Phúc chia sẻ.
Theo ông Vinh, việc phát triển đô thị vệ tinh xung quanh TPHCM kết hợp với chiến lược phát triển về phía Đông của thành phố sẽ giúp cho không chỉ TPHCM và các vùng lân cận sẽ có được một sự phát triển mạnh mẽ và bền vững. Chính sách này cũng tạo ra sợi dây liên kết giữa TPHCM và các vùng lân cận, để trở thành một sự phát triển cộng hưởng tốt đẹp.
“Khi đời sống được cải thiện, nhu cầu về nơi ở của người dân sẽ tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu đó, trong thời gian tới Winhouse sẽ triển khai những khu dân cư đáng để sống. Điều đó sẽ phù hợp với những đô thị vệ tinh vì tại khu vực đó còn quỹ đất để triển khai những khu như vậy. Chiến lược này sẽ giúp cho TPHCM và rộng hơn là khu vực phía Nam phát triển bền vững. Tôi kỳ vọng đến năm 2030 khu vực phía Nam sẽ trở thành một đại đô thị mới đáng để sống”, ông Vinh lạc quan.

Kỳ vọng giá thành bất động sản sẽ giảm xuống phù hợp với túi tiền của số đông người đang cần nhà là khó, vì vậy cần có một chính sách thông thoáng của các chủ đầu tư hoặc chính sách về liên kết với ngân hàng để người tiêu dùng có thể tiếp cận nhà ở thương mại giá thấp.
Nhiều đơn vị cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho người tiêu dùng, “đơn vị chúng tôi đang triển khai một dự án có chính sách vay đến 30 năm để sở hữu bất động sản có thể xây nhà an cư lạc nghiệp. Mỗi tháng, trung bình khách hàng chỉ trả khoảng 5,5 triệu đồng”, ông Vinh nói.

Trong quá trình điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới sau dịch bệnh, doanh nghiệp phải tìm cho mình nhiều hướng đi, chọn những khu vực tiềm năng cho việc phát triển các khu đô thị vệ tinh của TPHCM. “Tôi nghĩ việc này là tất yếu vì các doanh nghiệp bất động sản đều nhìn thấy cơ hội. Hiện tại, chính sách dường như đang tập trung vào các đô thị vệ tinh và đó là cơ hội cho những người có thu nhập trung bình có thể sở hữu nhà ở ổn định cuộc sống”, ông Vinh nói thêm.

Ngân Phương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ky-vong-gi-o-thi-truong-trong-binh-thuong-moi/