Kỳ vọng gì trước thềm ĐHĐCĐ Vietnam Airlines?

Sau 4 năm chật vật vì Covid-19, đà phục hồi của Vietnam Airlines thể hiện rõ nét trong KQKD quý I/2024. Kịch bản tái cơ cấu được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều mảng sáng.

Sáng nay (ngày 21/6), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, MCK: HVN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2024, sẽ xem xét báo cáo tài chính năm 2023 và thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.

Thoát cái bóng "thua lỗ"

2023 là một năm đầy khó khăn của nền kinh tế thế giới do những xung đột địa chính trị và sự biến động của thị trường, với việc sụt giảm tổng cầu nghiêm trọng. Dù vậy, phục hồi và khởi sắc là xu thế chung của thị trường hàng không toàn cầu sau Covid-19.

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường vận tải khách quốc tế trong năm 2023 chiếm 60,1% tổng lượng khách luân chuyển (RPK) toàn cầu, cao hơn đáng kể so với mức đáy 37,6% của năm 2021 và gần với con số 63,8% của năm 2019.

Bức tranh về ngành hàng không tuy đã có khởi sắc song vẫn còn đầy rẫy khó khăn được phản ánh ngay trong kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán 2023, hãng bay quốc gia ghi nhận doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 92.231 tỷ đồng, tăng hơn 21.400 tỷ, tương ứng 30% so với năm 2022. Mức doanh thu này đã phục hồi đáng kể so với giai đoạn trước đại dịch (bằng 93% doanh thu năm 2019).

Trong năm 2023, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận gộp 3.885 tỷ đồng, đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng nổ, doanh nghiệp này có lợi nhuận gộp trong cả năm tài chính.

Kết quả, lũy kế cả năm 2023, Vietnam Airlines lỗ hợp nhất là 5.631 tỷ đồng, giảm lỗ 50% so với cùng kỳ năm trước.

Dù năm 2023 vẫn “ngụp lặn” trong “cơn bão” thua lỗ song điểm tích cực có thể nhìn thấy, Vietnam Airlines đã đưa mức lỗ về thấp nhất trong 4 năm qua. Điều này càng trở nên tích cực nếu nhìn vào bối cảnh hoạt động chứa đựng nhiều bất ổn của ngành hàng không.

Đà phục hồi của Vietnam Airlines tiếp tục được thể hiện rõ trong quý đầu tiên của năm 2024. Theo báo cáo tài chính, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của hãng bay này trong quý I đạt gần 28.268 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines cổ phần hóa vào năm 2015.

Trong đó, doanh thu vận tải hàng không quốc tế đạt hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 30,4% so sánh cùng kỳ 2023. Tỉ trọng đóng góp của mảng bay quốc tế vào doanh thu vận tải hàng không của Vietnam Airlines đã đạt 65%, tăng gấp 3 lần so với vùng đáy vào năm 2021. Tỉ trọng số chuyến bay và doanh thu vận tải quốc tế cũng đã tiệm cận mức trước đại dịch, đang rất gần với mức của quý I/2019.

Sau khi trừ giá vốn, Vietnam Airlines lãi gộp hợp nhất đạt gần 4.085 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ các chi phí, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2024 đạt hơn 4.528 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý I/2024 đạt 4.441 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi quý lớn nhất lịch sử của hãng bay này.

Trong quý đầu tiên của năm 2024, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế nhờ đẩy mạnh khai thác quốc tế, nỗ lực tái cơ cấu và yếu tố mùa vụ cao điểm.

Trong quý đầu tiên của năm 2024, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế nhờ đẩy mạnh khai thác quốc tế, nỗ lực tái cơ cấu và yếu tố mùa vụ cao điểm.

Với việc báo lãi trong quý I, hãng hàng không quốc gia đã chấm dứt chuỗi thua lỗ kéo dài 16 quý liên tiếp (từ quý I/2020 đến nay). Sau 4 năm, lần đầu tiên Vietnam Airlines đã biết đến niềm vui có lãi.

Tuy nhiên, sau 4 năm "vật lộn" với thua lỗ, tính đến ngày 31/3/2024, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vẫn âm hơn 12.556 tỷ đồng; lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính của Vietnam Airlines ở mức 24.401 tỷ đồng.

Cổ phiếu HVN “cất cánh” nhờ động lực tái cơ cấu

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN thời gian qua đã biến động tích cực tương ứng với hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vietnam Airlines. Trong những phiên trở lại đây, cổ phiếu này liên tục lập đỉnh mới, đạt giá trị cao nhất trong vòng 5 năm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/6, cổ phiếu HVN tăng trần 2,01% lên giá 35.450 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch bùng nổ khi hơn trên 7,7 triệu cổ phiếu được “sang tay”.

Đà tăng của cổ phiếu HVN bắt đầu từ cuối tháng 3 và hiện ở mức đỉnh trong vòng 5 năm qua, tính từ tháng 6/2019. Vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines theo đó cũng đạt mức 78.500 tỷ đồng, tương đương hơn 3 tỷ USD, tăng trưởng tới gần 160% chỉ sau chưa đầy 3 tháng.

Giá cổ phiếu HVN trong những tháng vừa qua.

Giá cổ phiếu HVN trong những tháng vừa qua.

Lý giải về độ "nóng" của cổ phiếu HVN, ngoài nguyên nhân trực tiếp từ việc cải thiện tình hình kinh doanh, một trong những động lực thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu Hãng hàng không quốc gia thời gian gần đây đến từ câu chuyện tái cơ cấu.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023 công bố hồi tháng 12 năm ngoái, Công ty Kiểm toán KPMG đã lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines vẫn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có đề án tái cơ cấu tổng thể hãng.

Hiện, chưa thông tin chi tiết về nội dung, song như Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa từng cho biết trọng tâm trong đề án là các giải pháp tự thân của Vietnam Airlines, sau đó mới đến hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ Chính phủ với vai trò là cổ đông lớn nhất.

Tính đến cuối năm ngoái, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án cơ cấu giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đề án xác định, trong các năm tiếp theo, hãng bay này sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Vietnam Airlines cũng kiến nghị Chính phủ sớm thông qua Đề án cơ cấu toàn diện của hãng cũng như chấp thuận về cơ chế giao hãng hàng không này là nhà đầu tư tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ chuyên ngành hàng không tại Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Đến tháng 2/2024, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ đạo, yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước trình Đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng Covid-19.

Thời điểm này, Bộ Tài chính đang sửa Nghị định về đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó đề xuất giải pháp để Vietnam Airlines có thể thoái vốn tại CTCP Hàng không Pacific Airlines. Đây cũng là một trong những nội dung nằm trong Đề án tổng thể gỡ khó khăn cho doanh nghiệp này.

Những tín hiệu tích cực đang cho thấy có cơ sở để tin rằng hãng hàng không quốc gia có thể thoát được tấm áo “tả tơi” đã mang trong suốt 4 năm vừa qua.

Lê Mạnh Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ky-vong-gi-truoc-them-dhdcd-vietnam-airlines-a669306.html