Kỳ vọng kinh tế có thể phục hồi rõ nét những tháng cuối năm
Theo một số chuyên gia, để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng những tháng cuối năm, bên cạnh việc tiếp tục có các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì việc giải ngân vốn đầu tư công cũng cần phải tăng tốc trong tháng 8 và 9/2023, để có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực.
Xu thế kinh tế dần khả quan hơn
''Trong các tháng cuối năm, tiêu dùng trong nước phải tăng trưởng khoảng 20%; xuất khẩu, đặc biệt hàng công nghệ chế biến, chế tạo phải hồi phục và mức tăng trưởng phải 18 - 20%'', chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương nhận định: Các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung đang trong dòng xoáy khó khăn. Tuy nhiên, điểm tích cực là xu thế kinh tế dần khả quan hơn. Trong 7 tháng năm nay, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lần đầu tiên tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 195,4 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng ước tính xuất siêu trên 16,5 tỷ USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 tăng 3,9% so với tháng 6/2023 và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước…
“Dự báo những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những khó khăn trong nội tại nền kinh tế. Để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng, để khu vực doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn, sự vững mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có ý nghĩa rất quan trọng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: Một số chuyên gia, tổ chức kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam thấp hơn so với dự kiến trước đó, nhưng xu hướng kinh tế đang tốt lên. Khó khăn của Việt Nam không phải xuất hiện ở thời điểm bây giờ, mà xuất hiện từ quý IV/2022, cụ thể từ tháng 10/2022. Ngay thời điểm đó, các đơn hàng xuất nhập khẩu đã giảm; hoạt động tiêu dùng trong nước có chiều hướng đi ngang.
''Những đơn hàng xuất khẩu đã phục hồi trở lại từ tháng 4/2023 và tăng dần, dù chỉ là những đơn hàng nhỏ. Hoạt động xuất nhập khẩu đã hồi phục. Hy vọng với sự phục hồi mạnh mẽ từ nay đến cuối năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 có thể bằng hoặc thậm chí có thể tăng trưởng nhẹ so với năm ngoái'', PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Trụ cột thứ hai là tiêu dùng trong nước, chỉ số hàng hóa tiêu dùng và sản phẩm dịch vụ cuối cùng có mức 10,4% so với cùng kỳ năm trước, trừ đi lạm phát thì còn khoảng 8,8%, tương đương với 6 tháng của năm 2022. Tiêu dùng trong nước có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhưng tốc độ đang giảm đi đáng kể. Từ tháng 7/2023, chỉ số tiêu dùng đã tăng trở lại. Thời gian qua, Việt Nam có rất nhiều các biện pháp kích cầu như: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm phí, lệ phí cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, giảm lãi suất… giúp giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng lên và doanh nghiệp có điều kiện hạ giá thành cũng như triển khai các chương trình khuyến mại, hậu mãi…’.
Kinh tế sẽ phục hồi, nhưng chưa nhanh được
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia: Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo đáy hình chữ U, không thể phục hồi nhanh được.
''Thứ nhất, kinh tế thế giới cũng đang phục hồi từ từ, vừa phục hồi vừa phải cảnh giác với lạm phát (rủi ro từ xung đột, giá nhiên liệu, giá lương thực); xuất khẩu và nhập khẩu 6 tháng của Việt Nam giảm, song tốc độ giảm đã chậm dần. Đáng lưu ý, một số ngành xuất khẩu như: Điện tử, nông sản có tốc độ phục hồi tốt. Về thị trường hiện nay, phần lớn đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu phục hồi rất chậm do đòi hỏi tín chỉ carbon, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đều chưa có sự chuẩn bị. Việc xuất khẩu chỉ còn trông cậy vào các thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; thứ ba, lĩnh vực dịch vụ (du lịch, ăn uống, đi lại) cũng đang phục hồi khá tốt'', TS Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Vấn đề đáng ngại nhất hiện nay theo TS Lê Xuân Nghĩa là cầu tiêu dùng nội địa vẫn yếu, phục hồi chậm. Tuy nhiên, dự báo của chuyên gia này, khoảng quý IV/2023, nền kinh tế sẽ phục hồi rõ nét hơn, chỉ số quản lý thu mua (PMI) có thể đạt 50 điểm hoặc hơn.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đưa ra hai phương án tăng trưởng kinh tế GDP đặt trong năm.
Phương án thứ nhất là trong bối cảnh bình thường, GDP dự báo vẫn có thể đạt được từ 6,3 - 6,7%.
''Phương án thứ hai, nếu mọi yếu tố thuận lợi, chúng ta mở rộng được các thị trường cũng như gia tăng được các hoạt động xuất khẩu, cùng với việc thực hiện được khoảng 95% đầu tư công; tiêu dùng trong nước được kích cầu phù hợp do sản xuất kinh doanh đang phục hồi, thu nhập tăng lên cùng với hàng hóa hạ giá, chương trình khuyến mại… dẫn đến tiêu dùng tăng. Với những trụ cột này cùng được triển khai song song, tận dụng được các cơ hội từ các Hiệp định Hiệp định thương mại tự do (FTA), GDP năm 2023 có thể đạt được 6,8 - 7,4%. Tuy nhiên, phương án này là hơi khó'', PGS TS Đinh Trọng Thịnh dự báo.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm lại thị trường truyền thống để từ đó tự điều chỉnh mình và có thể tận dụng được cơ hội; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Hiện Bộ Công Thương, các Tham tán thương mại, các Đại sứ quán đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhưng tốc độ có vẻ không được như mong muốn. Do đó, Bộ Công Thương cần phối hợp với các Hiệp hội ngành nghề xem xét lại việc mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các thị trường đã ký FTA, tận dụng cơ hội bỏ hàng rào phi thuế quan, hàng rào thuế quan hạ thấp.
Bên cạnh đó, cần mở rộng sang cả các thị trường khác nữa. Nhất là các mặt hàng chủ lực như: Công nghiệp chế biến chế tạo, máy tính, điện tử... Đây là các mặt hàng có giá trị cao, mang lại kim ngạch và giá trị lớn.
'Vốn đầu tư công của Việt Nam hiện rất lớn, nếu thực hiện được tốt giải ngân những tháng cuối năm sẽ kích thích các ngành nghề sản xuất kinh doanh trong nước phục vụ cho các công trình dự án đầu tư công. Từ đó, thúc đẩy hoạt động kinh tế trong nước tăng trưởng lên. Hiện kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu rất nhiều. Đẩy mạnh xuất khẩu từ đó đẩy mạnh nhập khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với các thị trường truyền thống đã bị mất đơn hàng, việc quay lại ngay là khó nhưng chúng ta hoàn toàn có thể có những đơn hàng ngắn hạn ở một số ngành nghề, lĩnh vực. Chúng ta đã ký 17 FTA nhưng việc tận dụng còn rất khiêm tốn, khoảng 30%.
Liên quan đến thị trường trong nước, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước chúng ta đã có. Nếu con số này đạt được từ nay đến cuối năm và cộng hưởng của tất cả các yếu tố nêu trên, con số dự báo GDP năm 2023 đạt khoảng từ 6,8 - 7,4%. Dư địa của chúng ta vẫn còn rất lớn’, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
Nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn quan trọng, song cũng cần lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, cần cải thiện tiếp cận vốn và cả khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng suất lao động; mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới (Fintech, kinh tế tuần hoàn). Thứ hai, cần thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP... và nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN.
Cụ thể, cần đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt, cần thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới, trong đó cân nhắc tăng độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số lĩnh vực, liên kết vùng trong thu hút FDI, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI…
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:
Muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm thì cải cách bên trong là yếu tố quyết định. Chúng ta đang sử dụng quá ít chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí đang tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đạt thấp. Việt Nam cần thực hiện quyết liệt chính sách hoàn thuế GTGT) cho doanh nghiệp, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế GTGT. Dự báo khó khăn còn đến 2024, tôi mong Chính phủ duy trì việc giảm, miễn thuế GTGT đến hết năm 2025 để kích cầu.
Đặc biệt phải cải cách môi trường kinh doanh. Bởi lẽ, trong bối cảnh khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tạo nên sự an toàn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Thời gian gần đây không có những thứ như thế, thậm chí có những thứ tạo nên nhiều rủi ro, chi phí, bất định hơn. Đơn cử, các quy định về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) động chạm đến tất cả các ngành trong nền kinh tế, làm tăng chi phí tuân thủ cực kỳ cao và mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã lên tiếng nhưng vẫn không thay đổi. Thực trạng này gây bức xúc không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận công chức khiến thủ tục hành chính kéo dài, làm tăng thêm chi phí.
Nếu chúng không thể giải quyết ngay được tất cả mọi vấn đề, có thể chọn ngay 2 vấn đề để thực hiện ngay, đó là 2 điểm nóng cần gỡ ngay, đó là hoàn thuế GTGT và vấn đề PCCC.