Kỳ vọng nhà máy 'sáng đèn' trong năm 2024
Còn mấy ngày nữa năm 2023 – năm được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đánh giá là khó khăn chưa từng có, thiếu đơn hàng trầm trọng sẽ kết thúc. Bước sang năm 2024, các doanh nghiệp kỳ vọng thị trường xuất khẩu sẽ khả quan hơn, doanh số tăng trở lại. Đây là yếu tố then chốt để nhà máy sản xuất duy trì tình trạng 'sáng đèn' cả năm, thay vì phải đóng cửa như thời gian qua.
25 năm tham gia xuất khẩu gỗ, 2023 được đánh giá là năm đầu tiên mà ngành gỗ không có tăng trưởng. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đánh giá đây là năm mà xuất khẩu gỗ giảm sâu nhất. Ước tính, xuất khẩu gỗ cả năm 2023 đạt 13,5 tỷ USD, giảm 15,5% so với năm 2022.
Trải qua một năm khó khăn chưa từng có
Tổng kết năm 2023, Chủ tịch Viforest nhận định nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải đóng cửa.
Trong khi đó, với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dự kiến về đích với kim ngạch 40,3 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân là sức mua của thị trường lớn sụt giảm đáng kể do kinh tế thế giới trong năm nay phục hồi chậm, lạm phát gia tăng, thị trường tài chính toàn cầu mất ổn định. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị vẫn tồn tại, làm phân mảnh thương mại, ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Ông Giang chia sẻ, bản thân vào nghề 43 năm, nhưng 2023 là năm đầu tiên ông cảm thấy khó khăn, thách thức cực kỳ lớn với các doanh nghiệp dệt may. Đó là những áp lực về đơn hàng, giá, giao hàng, chi phí sản xuất, việc làm cho người lao động, cạnh tranh từ bên ngoài và nội bộ, cơ chế chính sách không theo kịp xu thế và thách thức…
Bộ Công Thương nhìn nhận, càng về cuối năm, xuất khẩu từ Việt Nam phục hồi càng rõ nét. Tuy chưa đạt được mức tăng trưởng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm tiếp tục được thu hẹp từ thực tế giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 4.6% trong cả năm 2023. Tuy vậy, quy mô xuất khẩu năm nay chưa thực sự phục hồi khi kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 ước chỉ đạt 354,5 tỷ USD, giảm khoảng 4,6% so với năm 2022.
Bước sang 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu phải đạt tăng trưởng 6% và cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD cho năm này.
Dự báo thị trường khởi sắc hơn
Với các doanh nghiệp, dù tình hình hiện nay đơn hàng đã có sự khởi sắc trở lại, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều sự lo lắng. Ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Công ty CP Gỗ Lâm Việt, cho biết tình hình khó đoán định, triển vọng chưa rõ ràng. Đơn hàng cho đầu năm 2024 đã có nhưng chưa hết công suất nhà máy.
Theo ông Liêm, quý III, quý IV năm nay, đơn hàng có tăng nhưng đây là đơn hàng bù vào giảm tồn kho của Mỹ, EU và phục vụ cho dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, chứ không phải đơn hàng bền vững. Tín hiệu này chưa thể đánh giá được triển vọng năm 2024.
Với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas, cho biết căn cứ triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cùng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, hiệp hội đưa ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023.
Theo ông Cẩm, tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, điều này kỳ vọng sẽ cải thiện nhu cầu tiêu dùng, đơn hàng của doanh nghiệp năm 2024 dồi dào hơn 2023.
Ở chiều ngược lại, nhiều thách thức cũng đang chờ đón doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới, đặc biệt là EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon); chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”; Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức; Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA) cho ngành sợi...
Với ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2024, tuy nhiên phải đối mặt với các thách thức như ngành gỗ đang đối diện một loạt vụ kiện về tranh chấp thương mại. Ngành gỗ cần tập trung phát triển bền vững, đang phát triển thị trường gỗ Việt Nam sử dụng gỗ rừng trồng có chứng chỉ.
Ông Lập nhận định, đẩy mạnh doanh số xuất khẩu, xây dựng thị trường là “1 trong 2 chân” của doanh nghiệp. Năm 2024, ngành gỗ sẽ tổ chức một loạt sự kiện hội chợ để thu hút nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam để tìm kiếm thị trường. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp mở văn phòng, kho hàng, công ty tại các trung tâm mua hàng ở các thị trường lớn.
“Trong bối cảnh thị trường yếu, đây là những nhiệm vụ cần phải đẩy mạnh để các nhà máy sản xuất có thể sáng đèn”, ông Lập nói. Thêm vào đó, doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh sản xuất giảm phát thải, trong đó có chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.