Kỳ vọng tháo gỡ nút thắt trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học

Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH-CN và ĐMST) đề cập việc khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Điều này mang đến hy vọng sẽ thúc đẩy được hoạt động KH-CN và ĐMST trong mọi lĩnh vực.

Các nhà khoa học Việt Nam có hàng nghìn công trình nghiên cứu khoa học, song chỉ một phần rất nhỏ được ứng dụng vào thực tế sản xuất, đời sống. Việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu vẫn là một "nút thắt" của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Dự thảo Luật KH-CN và ĐMST đã đề cập việc Nhà nước khuyến khích hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Điều này mang đến hy vọng sẽ thúc đẩy được hoạt động KH-CN và ĐMST trong mọi lĩnh vực.

Đánh giá cao điều này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí cho rằng kết quả nghiên cứu KH-CN và ĐMST sẽ được ứng dụng rồi đưa vào phục vụ xã hội nhiều hơn, đời sống của các nhà khoa học thực sự được cải thiện, hoạt động nghiên cứu khoa học có ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, ông Trí cho hay ở Điều 27 là thương mại hóa kế toán, nhiệm vụ KH-CN và ĐMST, về đối tượng ở khoản 1 có ghi rằng “tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH-CN và ĐMST sử dụng ngân sách nhà nước”. Quy định như vậy là đúng nhưng chưa đủ, vì đó có thể không phải là thực hiện nhiệm vụ của các chương trình KH-CN của Nhà nước mà ngẫu nhiên các nhà khoa học nghiên cứu được, sáng tạo được cũng rất nhiều.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP.Hà Nội)

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP.Hà Nội)

Ông Trí dẫn ví dụ, hiện nay có rất nhiều các ứng dụng, nhiều phương pháp điều trị, rất nhiều loại giống cây, con… các nhà khoa học đã chủ động để tìm nghiên cứu. Gần đây, có 2 nhà khoa học là Kariko và Weissman đã phát triển công nghệ ARN thông tin làm nền tảng cho vắc xin COVID-19, tạo ra một nguyên lý để làm vắc xin hoàn toàn mới mẻ; hoặc như Viện Huyết học và truyền máu Trung ương chủ động nghiên cứu ra Panen hồng cầu, vì nếu mua của nước ngoài thì đắt mà không đủ các kháng nguyên...

Do đó, ông Trí đề nghị sửa khoản 1, Điều 27 Dự thảo Luật. Cụ thể là tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động KH-CN và ĐMST được tự chủ, tự quyết định lựa chọn hình thức, phương án và giá trong việc thương mại hóa kết quả hoạt động KH-CN và ĐMST.

Cũng trong Dự thảo Luật, Điều 28 đã phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nhiệm vụ KH-CN và ĐMST. Ông Trí đánh giá đây là nội dung rất hay đã được quy định thành luật nhưng chưa đầy đủ. Theo đó, cần sửa lại nội dung ở điểm a khoản 1 là thưởng cho tác giả thực hiện các nhiệm vụ KH-CN và ĐMST có sử dụng ngân sách nhà nước 30% lợi nhuận thu được.

“Tôi cũng là nhà khoa học tôi biết, lợi nhuận chia cho nhà khoa học 30% là đủ. Ở đây nên bỏ chữ "tối thiểu" đi, vì 30% là hợp lý và để tránh phải bàn bạc gì thêm. Nếu sau đó còn họp để sửa sang xem tối thiểu 30% là bao nhiêu thì cực kỳ gay go”, ông Trí góp ý.

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) góp ý cần khuyến khích sáng kiến cải tiến kỹ thuật quy định tại khoản 1 Điều 18. Theo khoản 1 thì Nhà nước hỗ trợ tài chính cho hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thông qua việc giao hoặc tài trợ các nhiệm vụ theo cơ chế phù hợp.

“Nếu theo quy định này thì có thể được hiểu là Nhà nước chỉ hỗ trợ tài chính khi được giao nhiệm vụ và nếu như vậy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các cá nhân có được hỗ trợ tài chính không?”, ông Tám nói.

Kỳ vọng tháo gỡ nút thắt trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học

Kỳ vọng tháo gỡ nút thắt trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học

Đại biểu Tám dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng ''quần chúng là người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo''. Trong thực tế người dân nhất là những người nông dân đã sáng chế ra được rất nhiều máy móc, thiết bị như máy gieo hạt ngô, hạt lúa đa năng, tự chế tạo máy phun thuốc trừ sâu có điều khiển từ xa, các sinh viên đã sáng tạo ra thiết bị cảnh báo lũ lụt, sạt lở đất…

“Các phương tiện thông tin đại chúng thường gọi họ là “những nhà khoa học hai lúa”. Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người dân được phổ biến rộng rãi, rất phù hợp với điều kiện thực tiễn và đem lại hiệu quả rất tốt. Do vậy, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho cá nhân có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật như vậy”, ông Tám nêu.

Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho hay, hiện nay nhiều ý tưởng, sáng kiến từ đội ngũ trí thức và doanh nghiệp vẫn chưa có "kênh pháp lý" để triển khai vào thực tiễn, do thiếu những cơ chế linh hoạt, thí điểm.

“Khi hành lang pháp lý được thông thoáng và cơ chế vận hành tốt, đội ngũ trí thức mới có thể đóng góp hiệu quả, sáng tạo, góp phần chuyển hóa KH-CN thành động lực phát triển đất nước. Số lượng sản phẩm KHCN được ứng dụng thành công và thương mại hóa sẽ là thước đo cụ thể cho hiệu quả thực hiện nghị quyết”, ông Đông nói.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ky-vong-thao-go-nut-that-trong-thuong-mai-hoa-ket-qua-nghien-cuu-khoa-hoc-232566.html