Kỳ vọng trong quan hệ giữa Mỹ và 'lục địa già'
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã thăm Mỹ với sự đón tiếp trọng thể đặc biệt. Song, giới chuyên gia chỉ ra rằng, nếu Mỹ không có những cam kết cụ thể đáp ứng được nguyện vọng của Pháp và Liên minh châu Âu (EU) thì sự đón tiếp này sẽ chỉ là hào nhoáng.
Truyền thông quốc tế miêu tả, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lần đầu tiên đón tiếp một nguyên thủ nước ngoài với lễ tân ở mức độ cao nhất, cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm này. Ông Macron cũng là một trong số rất ít nhà lãnh đạo nước ngoài có tới 2 lần được hưởng nghi thức trọng thể của Mỹ.
Theo giới học giả chính trị quốc tế, khác biệt so với các chuyến thăm Mỹ trước đây của Tổng thống Pháp, chuyến thăm lần này diễn ra khi tình hình thế giới và châu Âu rất phức tạp, điển hình như: Bất ổn an ninh châu Âu; trọng tâm chiến lược châu Âu chuyển dịch từ Tây Âu sang Đông Âu; Mỹ đang gia tăng vị thế đối với an ninh “lục địa già”; vị thế của Pháp trong EU suy yếu… Cùng với đó, cả Mỹ và Pháp đang đối diện với suy thoái kinh tế; cạnh tranh giữa cường quốc ngày càng khốc liệt…
Mong muốn của Pháp lúc này là tránh bị kéo vào một cuộc Chiến tranh lạnh mới và tìm được lối đi an toàn ở giữa hai bên căng thẳng. Phân tích về mối quan hệ Pháp - Mỹ, giới chuyên gia cho rằng, trọng tâm xuyên suốt trong các cuộc thảo luận của hai tổng thống là vượt qua cuộc khủng hoảng niềm tin. Bởi, việc Mỹ, Anh, Australia công bố thỏa thuận AUKUS vào tháng 9/2020 đã gây ra cú sốc rất lớn đối với Pháp khi mất đi hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho Australia trị giá hàng chục tỷ USD. Những người đồng minh thân cận sau đó tiếp tục một giai đoạn quan hệ khó khăn khi AUKUS phần nào phơi bày thực trạng nghi kỵ lẫn nhau.
Cũng theo giới chuyên gia, sau khi công bố AUKUS gây ra những căng thẳng, chính quyền của ông Joe Biden đã có nhiều nỗ lực giúp Mỹ và Pháp từng bước cải thiện quan hệ. Song, thực tế vẫn không thể phủ nhận những hệ lụy mà AUKUS gây ra. Thậm chí, bất ổn giữa những người đồng minh còn ngày càng phức tạp khi Mỹ ban hành Đạo luật giảm lạm phát (IRA). Đạo luật này bị EU chỉ trích là ẩn chứa hành vi bảo hộ mậu dịch, ảnh hưởng đến thương mại song phương. Vấn đề bất ổn này cũng được Tổng thống Pháp nêu ra ngay khi đặt chân đến Mỹ. Trong bài phát biểu trước cộng đồng người Pháp ở Mỹ, ông Macron cho biết, IRA có thể chia cắt phương Tây, biến Pháp và châu Âu thành nhân tố phụ trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường của Mỹ.
Bất ổn trong quan hệ đồng minh giữa Pháp và Mỹ thực chất đã tồn tại từ lâu, trước khi ông Joe Biden nắm quyền. Trong thời kỳ ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ, dù hai bên tạo ra cảm giác quan hệ Mỹ - Pháp phát triển sâu đậm, nhưng thực chất, ông Macron không thể xoay chuyển cách tiếp cận đơn phương trong mối quan hệ với đồng minh của ông Donald Trump.
Truyền thông quốc tế đưa tin về chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Macron cho hay, hai bên đã đạt được nhiều sự đồng thuận, nhất là Mỹ đã có những cam kết thỏa mãn hàng loạt mong muốn của Pháp trên nhiều phương diện. Đặc biệt, vấn đề gai góc nhất là IRA, trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Biden cho biết, Mỹ có thể xem xét miễn trừ áp dụng điều khoản của IRA cho một số đồng minh và đối tác có hiệp định tự do thương mại với nước này.
Các nhà phân tích chính trị phương Tây cho hay, dù những ẩn khuất trong mối quan hệ Pháp - Mỹ chắc chắn chưa thể được đẩy lùi, nhưng ở góc độ tổng thể, kết quả của chuyến thăm là tích cực, phần nào đáp ứng được nguyện vọng của hai bên. Dẫu vậy, giới chuyên gia khẳng định, cam kết của Mỹ đối với Pháp cần phải được cụ thể hóa bằng những hành động thực tế để minh chứng rằng, Mỹ sẽ có những nhượng bộ đối với châu Âu.
Đối với Pháp và EU, dù nhấn mạnh mối quan hệ đồng minh, ca tụng mối quan hệ Mỹ - Pháp có bề dày 200 năm, song, thực tế cho thấy, “lục địa già” không còn muốn theo Mỹ, đặc biệt là phải tham gia vào cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.