Kỳ vọng từ mô hình sản xuất lúa giảm phát thải tại vùng đất Sen Hồng

Việc đưa rơm rạ ra khỏi đồng ruộng hoặc cày vùi được xem là giải pháp hiệu quả trong sản xuất lúa, góp phần giảm phát thải, đồng thời không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người nông dân, chưa kể còn giúp nâng cao chất lượng lúa.

Đồng Tháp là 1 trong 5 tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL được Bộ NN&PTNT chọn thực hiện mô hình thí điểm thuộc Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Mặc dù các mô hình thực hiện theo Đề án 1 chỉ mới được triển khai thí điểm tại một số HTX trên địa bàn tỉnh, nhưng bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực.

Với mục tiêu phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tham gia Đề án của tỉnh Đồng Tháp trong năm nay đạt khoảng 20.000 ha, đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích lên 50.000 ha và đến năm 2030 là 161.000 ha, nhiều mô hình sản xuất lúa bảo vệ môi trường, giảm phát thải đã được triển khai. Trong đó phải kể đến quy trình sản xuất giảm phát thải đang được triển khai tại HTX dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, huyện Tháp Mười.

Ở khâu thu hoạch, hầu hết rơm rạ được đưa khỏi ruộng hoặc khi thời tiết bất lợi thì sử dụng phương pháp cày vùi

Ở khâu thu hoạch, hầu hết rơm rạ được đưa khỏi ruộng hoặc khi thời tiết bất lợi thì sử dụng phương pháp cày vùi

Sau hơn 3 tháng áp dụng quy trình sản xuất giảm phát thải, cánh đồng 1,6ha của HTX dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười đang bước vào vụ thu hoạch. Khác với cách làm theo kinh nghiệm từ trước đến nay, các thành viên của HTX đã áp dụng nhiều giải pháp canh tác tiên tiến tại hầu hết các khâu, như làm đất, sạ cụm, quản lí dịch hại, cung cấp dinh dưỡng và thu hoạch. Đặc biệt ở khâu thu hoạch, hầu hết rơm rạ được đưa khỏi ruộng hoặc khi thời tiết bất lợi thì sử dụng phương pháp cày vùi kết hợp Bio-Ca để giúp phân hủy rơm rạ.

Nếu như trước đây, sau khi thu hoạch, rơm rạ được xử lý chủ yếu bằng cách đốt, làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường thì việc đưa rơm rạ ra khỏi đồng ruộng hoặc cày vùi được xem là giải pháp hiệu quả, góp phần giảm phát thải, đồng thời không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người nông dân, chưa kể còn giúp nâng cao chất lượng lúa.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc HTX DVNN Thắng Lợi phấn khởi cho biết, sau thời gian áp dụng theo mô hình này, không chỉ năng suất đạt hiệu quả mà còn giúp giảm giá thành trong sản xuất, quan trọng nhất là chất lượng lúa cao so với ngoài mô hình. “Từ hiệu quả mang lại, HTX sẽ mạnh dạn đăng ký 150 ha lúa sản xuất theo hướng giảm phát thải, trong đó thực hiện đem rơm ra ngoài đồng ruộng chứ không đốt như phương pháp canh tác truyền thống”, ông Hùng cho biết.

Ngoài ra sự liên kết 4 nhà, mô hình sản xuất giảm phát thải này có sự đồng hành của rất nhiều doanh nghiệp trong việc hoàn thiện quy trình canh tác hạt gạo an toàn. Trong đó đáng chú ý về giống và cung cấp dinh dưỡng. Lượng giống gieo sạ chỉ còn khoảng 6kg/công. Mô hình này được Công ty CP Phân bón Bình Điền phát triển từ mô hình canh tác lúa thông minh và hiện đang được triển khai tại hầu hết các tỉnh thành khu vực ĐBSCL.

Ông Võ Trung Lập, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV máy nông nghiệp Phan Tấn cho rằng, thời tiết mưa gió người dân không lấy rơm rạ, DN xới vùi kết hợp với một số công ty khác để họ đưa ra giải pháp biocanxi để phân hủy rơm rạ, giảm phát thải.

Máy cày vùi rơm rạ

Máy cày vùi rơm rạ

Có thể thấy, việc liên kết với nhiều doanh nghiệp từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra đã giúp nông dân chủ động hoàn toàn trong việc sản xuất ra hạt gạo sạch, an toàn và giảm phát thải. Điều này phù hợp với chủ trương thực hiện Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải mà Bộ NN&PTNT đang triển khai. Từ thành công bước đầu, mô hình sẽ được nhân rộng ra diện tích lớn trong thời gian tới.

Ông Hồ Thế Huy, Phó Giám đốc marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết, từ năm 2022 đến nay, DN thực hiện trên 40 mô hình ở ĐBSCL, năng suất trung bình tăng 400 - 600 kg/ha, lợi nhuận tăng 4 – 6 triệu đồng/ha, đó là những con số cho thấy hiệu quả kinh tế khi áp dụng mô hình. Còn đối với giảm phát thải, DN cũng tiến hành đo đạc trong vụ lúa Đông Xuân và hiện nay đang triển khai mở rộng ra ở cả vùng ĐBSCL.

Cùng với nhiều giải pháp canh tác tiên tiến khác, đem rơm ra khỏi đồng ruộng là một yếu tố quan trọng trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Để đạt được các mục tiêu đề ra như kỳ vọng, nhiều giải pháp hiệu quả, khả thi sẽ được nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới và mô hình sản xuất tại HTX Thắng Lợi là một ví dụ điển hình.

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ky-vong-tu-mo-hinh-san-xuat-lua-giam-phat-thai-tai-vung-dat-sen-hong-post1101067.vov