Kỳ vọng xuất khẩu đồ gỗ trở lại 'cuộc đua'

Năm 2024 chưa phải 'thời điểm vàng' của ngành gỗ. Tuy nhiên, cơ hội mở rộng, phát triển thị phần được cho là khá lớn.

5 tháng, xuất khẩu gỗ đạt hơn 4 tỷ USD

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Đại Đoàn Kết, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Việt Nam với vị thế thuộc nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến 170 quốc gia trên thế giới, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ... Ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp đang đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tính hiệu quả và năng suất hơn.

Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng; sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), giảm phát thải khí nhà kính, thiết kế sinh thái... đặt ra yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt với các nhà sản xuất, cung ứng đồ gỗ trong nước. Ngoài các yếu tố khách quan, năng lực nội tại của các doanh nghiệp cũng còn hạn chế khi phần lớn doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng nhiều năm liên tục nhưng dựa vào lao động và nguyên liệu giá rẻ, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường. Các sản phẩm ít được phân phối trực tiếp đến khách hàng mà phải thông qua các kênh phân phối, doanh nghiệp nước ngoài...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chủ động tìm kiếm đơn hàng, những cơ hội hợp tác mới

Các nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ đánh giá cao và xác định Việt Nam là thị trường cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ quan trọng trên thế giới. Minh chứng từ thực tế cho thấy, Hoa Kỳ đang là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ số 1 cho thị trường này.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIFOREST cho hay, do nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có dấu hiệu hồi phục ở nhiều thị trường, đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp (DN) đã có sự phục hồi đáng kể, bằng 80 - 90% so với năm 2022. Thời điểm này, nhiều DN đã có đơn hàng đến tháng 8, thậm chí có DN đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2024.

Cũng theo ông Hoài, để có được những tín hiệu tích cực như vậy, trước hết là nhờ sự nỗ lực của DN. Về phía Chính phủ đã có nhiều giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ... để các DN có thể yên tâm đầu tư và kinh doanh. Trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có những cuộc họp với các ngành hàng. Đặc biệt, đối với ngành hàng cá và ngành hàng gỗ đã có cuộc họp riêng.

Nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư cho ngành gỗ, Hội chợ quốc tế Đồ gỗ và Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN (VIFA ASEAN) sẽ diễn ra từ ngày 27 - 30/8 tới đây, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Đây sẽ là cơ hội để các DN tham gia tiếp cận, khám phá các nhu cầu và xu hướng tiêu dùng hiện đại của ngành, giúp DN có điều kiện nắm bắt và bắt kịp với thị trường quốc tế, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Từ đó, dễ dàng chủ động tìm kiếm đơn hàng, những cơ hội hợp tác mới, mở rộng kết nối với các nhà mua hàng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 2023, xuất khẩu gỗ, lâm sản chỉ đạt 14,47 tỷ USD, giảm 15,4% so với năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,113 tỷ USD, giảm 17,5%; gỗ 4,354 tỷ USD, giảm 12,4%; lâm sản ngoài gỗ 1,002 tỉ USD, giảm 7,7 %. Các thị trường lớn đều giảm mạnh. Xuất sang Hoa Kỳ 7,7 tỉ USD, giảm 14,67%; Trung Quốc 1,85 tỉ USD, giảm 14,5%; Nhật Bản 1,82 tỉ USD, giảm 7,5%; EU 0,45 tỉ USD, giảm 38,2%.

Đáng chú ý, năm 2024 chưa phải “thời điểm vàng” của ngành gỗ. Tuy nhiên, cơ hội mở rộng, phát triển thị phần được cho là khá lớn. Thị trường đồ nội thất thế giới ước tính khoảng 405 tỷ USD/năm; nhu cầu nhập khẩu gỗ, sản phẩm gỗ 230 tỷ USD trong khi kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam chỉ chiếm hơn 6%. Dư địa còn nhiều.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2024, mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng triển vọng của ngành gỗ đã có tín hiệu tích cực, dù chưa trở lại được như những năm trước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định và dự kiến giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 15 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023, theo Hải Quan.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ky-vong-xuat-khau-do-go-tro-lai-cuoc-dua-a665620.html