'Lá cờ còn, Tổ quốc còn!'
Ấn tượng về lời thoại gắn với thông điệp quyết tâm gìn giữ để lá cờ Tổ quốc luôn tung bay của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân mặt trận Vĩnh Linh (Quảng Trị) trong vở kịch nói 'Vì Tổ quốc' (kịch gia Đào Hồng Cẩm viết chung với nhà văn Xuân Đức cách đây hơn nửa thế kỷ), được Nhà hát Kịch nói Quân đội dàn dựng và biểu diễn dịp chào mừng 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đã tìm về mảnh đất lịch sử...
Chúng tôi may mắn được sải bước bên những nhịp cầu Hiền Lương cùng đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Vịnh-người từng vinh dự được Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam tặng danh hiệu “Người làm phim chiến tranh nhiều nhất Việt Nam”. Người nghệ sĩ 82 tuổi bước chậm rãi qua nhịp cầu từ bờ Nam sang bờ Bắc, ánh mắt rực sáng khi ngước lên, chỉ tay và đọc lớn dòng chữ sơn đỏ trên chiếc cổng chào đầu bờ Bắc: “Việt Nam hòa bình, thống nhất/ Độc lập, dân chủ và giàu mạnh muôn năm”. Ông lại chỉ tay hướng chúng tôi vào lá cờ Tổ quốc trên Kỳ đài Hiền Lương, xúc động nói: “Lá cờ đỏ sao vàng bên bờ Bắc vĩ tuyến 17 như biểu tượng bất diệt của niềm tin, ý chí và sức mạnh cũng như khát vọng thống nhất non sông của toàn dân tộc Việt Nam”.
Đi bên nghệ sĩ, chúng tôi thấy giọng ông hào hứng khi ký ức ùa về: “Tôi vẫn nhớ như in thời khắc ngày 30-4-1975, anh em Đoàn Kịch nói TCCT (tên gọi ngày đó) đang tập vở kịch mới thì nhận được tin Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay chiều hôm đó, chúng tôi nhận lệnh lập tức lên đường vào các vùng giải phóng để biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Mảnh đất đầu tiên chúng tôi dừng lại và biểu diễn chính là Vĩnh Linh, rồi sau đó đến Huế, Quảng Nam... cho tới các tỉnh phía Nam và liên tục biểu diễn tại Sài Gòn cho đến tháng 6-1976”.
“Cuộc đời nghệ sĩ của tôi may mắn được hóa thân vào vai người lính, từ vai trong vở kịch “Chị Nhàn”, rồi Đại đội trưởng trong vở “Đại đội trưởng của tôi”, vai Thường-Chính ủy kiêm Tư lệnh Vĩnh Linh trong vở “Tổ quốc”, sau này đổi tên là “Vì Tổ quốc”... được trở về mảnh đất Vĩnh Linh lịch sử để biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân”, đạo diễn Trần Vịnh kể và không quên nhắc nhớ, bày tỏ tri ân đối với kịch gia, nhà văn Đào Hồng Cẩm.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị), trong đó có Kỳ đài Hiền Lương, luôn thu hút đông đảo du khách mỗi dịp kỷ niệm ngày thống nhất non sông. Ảnh: DUY NAM
Nhắc đến nhà viết kịch Quân đội Đào Hồng Cẩm, nhiều người nhớ tới những tác phẩm nổi tiếng của ông như: “Chị Nhàn”, “Nổi gió”, “Đại đội trưởng của tôi”, “Vì Tổ quốc”, “Tiếng hát”... Riêng vở kịch “Vì Tổ quốc” là cả một câu chuyện rất... Vĩnh Linh. Ông vào Vĩnh Linh từ năm 1962, khi dẫn Đoàn Kịch nói TCCT đi phục vụ bộ đội và nhân dân vùng giới tuyến. Năm 1967, lúc không quân, hải quân Mỹ đánh ra miền Bắc quyết liệt nhất, Đào Hồng Cẩm lại có mặt ở Vĩnh Linh. Ông chứng kiến nhiều lần hình ảnh lá cờ nơi đầu cầu giới tuyến bị bom đạn giặc Mỹ làm cho rách nát. Nhưng chỉ mấy phút sau, dưới làn bom đạn của kẻ thù, lá cờ Tổ quốc lại được các chiến sĩ ta kéo lên, bay cao ngạo nghễ, làm ấm lòng đồng bào và chiến sĩ, khiến kẻ thù tức tối. Ý định viết một vở kịch về Vĩnh Linh, về lá cờ Tổ quốc luôn thôi thúc trong ông. Đầu năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Tác giả Đào Hồng Cẩm trở về Hà Nội. Nhà văn Xuân Đức đến chơi, ông đề nghị hợp tác viết vở về Vĩnh Linh, trong đó lấy hình tượng lá cờ Tổ quốc là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt vở diễn. Đến năm 1976, vở kịch được dàn dựng, biểu diễn phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đặt tên là “Tổ quốc”. Vở diễn với các nhân vật hiện lên lấp lánh phẩm chất cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sau này, vở kịch nhiều lần được dựng lại, đổi tên là “Vì Tổ quốc”, kịch bản được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật cho hai tác giả Đào Hồng Cẩm và Xuân Đức.
“Mỗi lần trở lại mảnh đất này, tôi xúc động lắm, những kỷ niệm lại ùa về. Nhiều nhân vật, câu chuyện nơi đây tôi đã đưa lên phim!”, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Vịnh kể. Ông cũng nhớ câu chuyện về những nhân chứng quả cảm bên đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải đã bền bỉ giữ gìn, giương cao ngọn cờ như Đại tá Nguyễn Thanh Hà, nguyên Phân đội trưởng Phân đội 1, Công an giới tuyến, người nhận lệnh dựng cột cờ để bà con qua lại hai miền “cùng nhìn thấy Tổ quốc” trong lễ Quốc khánh sáng 2-9-1954. Lá cờ đỏ sao vàng khổ 3,2x4,8m đón gió tung bay như biểu tượng của hy vọng đoàn viên, thống nhất. Người dân náo nức tràn qua cầu Hiền Lương để đón Tết Độc lập. Từng tham gia chiến đấu nơi đây, cựu chiến binh Trần Quốc Đúng vẫn chưa quên được những cuộc “đấu cờ” diễn ra suốt nhiều năm: “Cờ đỏ sao vàng trên bầu trời Vĩnh Linh là điểm mốc để đồng bào miền Nam trông về, đồng thời cũng là biểu tượng cho khát vọng hòa bình, thống nhất non sông của toàn dân tộc. Lá cờ còn thì Tổ quốc còn”. Trong ký ức của những chiến sĩ bảo vệ giới tuyến, sự kiện đáng nhớ nhất là vào ngày 2-8-1967, khi máy bay Mỹ bắn phá, đánh sập một nhịp cầu Hiền Lương cùng với cột cờ bên bờ Bắc. Hiền Lương không thể vắng bóng cờ. Bằng mọi giá phải dựng lại kỳ đài! Lời hiệu triệu của non sông khiến tất cả sục sôi. Ngay trong đêm hôm đó, dân quân vùng Bắc vĩ tuyến 17 đã dùng cột điện, nối gỗ để dựng lên một cột cờ mới. Sáng hôm sau, cờ đỏ sao vàng đã lại phần phật tung bay.
Theo ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị, trong suốt những năm chia cắt hai miền, quốc kỳ Việt Nam chưa từng ngừng bay bên bờ sông Bến Hải. Cột gãy thì thay mới. Cờ rách thì đã có những người mẹ, người chị anh hùng tình nguyện ngày đêm vá lại. Tính từ năm 1956 đến 1967, chúng ta đã treo 267 lá cờ các cỡ. Quân và dân Vĩnh Linh trải qua hơn 300 trận chiến đấu lớn nhỏ để giữ Kỳ đài Hiền Lương. Riêng trong năm 1967, đã có 11 lần cột cờ được thay, 42 lần thay quốc kỳ vì bom và pháo Mỹ-ngụy phá hỏng. 2 chiến sĩ công an, 11 dân quân Hiền Lương đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu giữ cho lá cờ thiêng liêng không ngừng tung bay...
Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức dựng lại cột cờ Hiền Lương đúng theo nguyên mẫu tại bờ Bắc sông Bến Hải với chiều cao 38m, trong đó phần đài cao 11,5m.
Hằng năm, vào ngày 30-4 lịch sử, Quảng Trị lại tổ chức Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông”. Giữa tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng, lá cờ Tổ quốc được kéo lên trong niềm xúc động rưng rưng, như để nhắc nhớ các thế hệ hôm nay thấm thía hơn về khát vọng thống nhất và giá trị của hòa bình. Tại cụm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải ngày nay, bên cạnh những chứng tích chiến tranh, nhiều công trình gắn liền với lịch sử đã được phục dựng; các hiện vật, hình ảnh được trưng bày để người dân và du khách tham quan. Và bao năm qua, lá cờ Tổ quốc đã luôn tung bay trong nắng gió, trong niềm tự hào dân tộc bên ven bờ Hiền Lương. Lá cờ ấy sẽ còn tung bay như thế đến muôn đời sau, như là minh chứng cho lòng yêu nước nồng nàn của quân và dân miền “đất lửa” Quảng Trị.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/la-co-con-to-quoc-con-826119