Lá thư ngày cuối năm
Giữ lời nguyện ước với đồng đội, sau 40 năm chia xa vùng chiến tuyến 'Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử', những ngày đầu xuân chúng tôi trở lại vùng biên giới Vị Xuyên - Hà Giang. Tết đến, ký ức binh nhì tuổi đôi mươi vẫn vẹn nguyên, những lá thư viết vội trên đường hành quân của đồng đội vẫn không phai mờ.
Ngày ấy, khi “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, cũng như những thanh niên tuổi đôi mươi ở mọi miền đất nước, chúng tôi ai ai cũng hăm hở lên đường bảo vệ Tổ quốc. Tháng 7/1984, chúng tôi nhập ngũ, ra nghỉ chân ở Thanh Hóa một tuần, rồi tiến thẳng đến nơi biên cương phía Bắc, có mặt tại mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang là nơi nóng bỏng nhất chống quân Trung Quốc xâm lược của đất nước ngày đó.
Một thanh niên làng biển Nam Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị lần đầu tiên xa cha mẹ, xa làng quê ngơ ngác lại đến nơi phên dậu của Tổ quốc điệp trùng những dãy núi đá tai mèo, cao dựng đứng, ngày đêm oằn mình trong bão đạn của kẻ thù mà không hề dao động. Chính nơi điểm tựa tiền tiêu này, mỗi tấc đất, hốc đá, ngọn cỏ vùng biên giới Vị Xuyên đều thấm đẫm máu xương của bao cán bộ, chiến sĩ. Tình yêu thương đồng đội như ngọn lửa nhen lên, rực cháy trong trái tim của bao tân binh lần đầu tiên cầm súng chiến đấu.
Vị Xuyên, ngày chúng tôi trở lại “tìm về ký ức tuổi đôi mươi”, khung cảnh và cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi quá nhiều. Ký ức “tân binh - thủa binh nhì” ùa về trong xúc động. Từng tên đất, tên làng cùng với những kỷ niệm một thời áo lính cứ hiện về trong tâm trí chúng tôi.
Vùng đất đồi núi bên con suối Bạc cách thị xã Tuyên Quang chừng 5 km, được đơn vị chúng tôi chọn làm nơi dừng chân để huấn luyện. Hai bên đường cỏ bông lau nở trắng, khi chiều về hoặc sáng sớm, những đám mây trắng sà xuống, neo đậu lưng chừng những đỉnh núi cao. Đêm tiếng rít, xoáy của những con gió “mồ côi”, tiếng vọng của suối đá, rồi mưa, rồi đói không ngủ được, đám tân binh nhớ nhà, ba mẹ, bạn bè...
Chưa hết 3 tháng huấn luyện, nhưng tiếng súng biên giới ngày càng nóng bỏng, đơn vị lại cơ động lên vùng rừng cọ thuộc Phương Thiện, tỉnh Hà Giang.
Ở đây, đường chim bay lên vùng biên giới chừng 13 - 15 km, ngày đêm nghe rõ từng tiếng pháo nổ. Thông tin về chiến trường, về sự ác liệt của cuộc chiến và tội ác của quân xâm lược chúng tôi được nghe từ cán bộ đại đội, cán bộ tuyên huấn truyền đạt lại, đi cùng là những buổi đăng ký thi đua “Quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Trong thời gian ngắn huấn luyện để thích nghi, ấn tượng nhất của cánh lính trẻ lúc đó là được xem “Tivi băng” (video) những bộ phim chiến đấu, nhất là bài hát “Bài ca không quên” do ca sĩ Cẩm Vân thể hiện.
Một đêm cuối năm trời mưa lạnh, tiếng nổ của đạn pháo, ánh sáng của hỏa châu miền sơn cước như chào đón một mùa xuân mới đến, cánh lính trẻ bắt đầu xôn xao “ Tết...Tết...Tết...đến rồi”. Đơn vị đang sinh hoạt thì nhận được hiệu lệnh báo động “cơ động chiến đấu”.
Ba hồi còi vang lên, chỉ sau 20 phút, đơn vị hàng ngũ chỉnh tề, súng ống, trang bị phương tiện đầy đủ. Mặc dù đã xác định nhiệm vụ, nhưng đến giờ phút hành quân lên biên giới đón Tết và trực tiếp chiến đấu, chúng tôi vẫn không khỏi hồi hộp, lo lắng và xúc động. Nhiều đứa đã tranh thủ viết vội lên tờ giấy: “Ba mẹ ơi, anh chị ơi! Con đã lên biên giới rồi, năm mới chúc gia đình bình an mạnh khỏe...”, để rồi khi đi qua những ngôi làng nhờ bà con gửi hộ thư về cho gia đình.
Vị Xuyên mãi mãi trường tồn
Đêm cheo leo, núi đá tai mèo dựng đứng. Đội hình đi qua Thanh Thủy rồi đến hang Dơi, tới làng Mè thì trời vừa sáng. Đại đội dừng lại ẩn trú.
Sau một tuần thực hiện nhiệm vụ vận chuyển đạn dược lên tuyến trên, vận chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau, đã quen với tiếng rít, tiếng nổ của đạn pháo, cuộc sống và không khí chiến đấu trên chiến trường, chúng tôi bắt đầu mang ba lô cơ động qua “Thác âm phủ”, “Thung lũng gọi hồn”, “Ngã ba cửa tử”, “Đồi đài quan sát” và cuối cùng là trèo lên ba cái thang dây, mỗi cái trung bình dài 20 - 40 m để lên chốt ở điểm cao núi đá 673 - Vị Xuyên.
Thời gian hình như không bao giờ lặng im, những đỉnh núi 1.509, 685, 673, 468 và bình độ 400... ngày đêm hứng chịu bom đạn, lửa khói. Trong cái tột cùng tội ác của kẻ thù, lửa không thể thiêu rụi mà ngược lại còn tiếp thêm ý chí cho đồng đội nơi đây. Sau ngọn lửa bom đạn của kẻ thù là tinh thần chiến đấu hết mình để giữ vững biên cương Tổ quốc, là tình yêu thương, tình đồng chí đồng đội và lòng thiết tha yêu quý hòa bình.
Khói lửa của chiến tranh trong những ngày Tết đã gợi lại ký ức về làng quê biển mặn, con sông nhỏ, con đường làng cát trắng, nước mắt và lời mẹ dặn lúc ra đi, và em, và bạn bè, và trường lớp... Tất cả là nỗi nhớ lung linh, đẹp và thánh thiện.
Suốt những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, các chiến sĩ ở Vị Xuyên nói chung, ở Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 881, Sư đoàn 314, Quân khu 2, nơi chúng tôi công tác nói riêng đã anh dũng, mưu trí, kiên cường chiến đấu, quyết tâm giữ gìn từng viên đá, mỏm đồi, vách núi, điểm cao với lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Làm sao quên được hình ảnh và tiếng gọi “Mẹ ơi!” của những đồng đội trước lúc ra đi, làm sao quên được những giọt nước mắt, cái bắt tay như nắm chặt lần cuối cùng của bạn.
Nắng mưa không dừng bước, mỗi cung đường đi qua, mỗi địa danh thôn xóm, núi cao, sông, suối, hình ảnh và tình cảm của bà con dành cho bộ đội ở mỗi nơi dừng lại huấn luyện bổ sung, nơi chốt giữ chiến đấu đều ghi dấu ấn đậm nét của chúng tôi, người lính Vị Xuyên, gắn với bao công sức, mồ hôi và xương máu đồng đội.
Thời gian trôi qua, thêm cái Tết cổ truyền của dân tộc đang tới, tôi cùng những người lính may mắn trở về với người thân gia đình, nhưng vẫn còn nhiều đồng đội hy sinh vì Tổ quốc mà giờ đây hài cốt của họ vẫn còn nằm lại ở chiến trường, ở vách núi, khe đá... Trên 1.860 liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, hàng thẳng hàng, lối thẳng lối “quân ngũ chỉnh tề, quân dung tươi tỉnh”, vẫn ngày đêm thao thức, trường tồn cùng với sự phát triển của dân tộc.
Nếu như trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đất nước ta viết nên trang sử về trận Điện Biên Phủ hào hùng, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thành Cổ Quảng Trị đã khắc ghi tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đến cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc, ý chí của quân dân cả nước lại được thể hiện “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”... Đây là những vùng đất thiêng, những địa danh lịch sử nổi tiếng được nhiều người biết và tìm về để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Thời gian trôi qua đã lâu, nhưng ký ức binh nhì tuổi đôi mươi của chúng tôi, những người lính Vị Xuyên đến nay đã U70 vẫn vẹn nguyên như buổi ban đầu. Cây lá ở Vị Xuyên đã xanh tươi trở lại, dòng sông Lô vẫn hiền hòa xuôi chảy, dấu tích của cuộc chiến bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và những hy sinh mất mát để giữ từng tấc đất, từng mỏm đá của hàng nghìn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến ác liệt vẫn còn đó.
Những chứng tích hào hùng và bi thương đó luôn nhắc nhở về chủ quyền biên giới, về cương vực lãnh thổ ngàn đời cha ông để lại; nhắc nhở mỗi người dân nước Việt về: Hòa bình, Độc lập, Tự do, Tự cường!
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/la-thu-ngay-cuoi-nam-191275.htm