Cứ đầu tháng Ba, hoa sơn tra bung nở khoe sắc trắng tinh khôi trên khắp các triền đồi ngọn núi, đông đảo du khách lại đổ về chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ đến mê mẩn ở nơi núi rừng Tây Bắc.
Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La nằm ở độ cao trung bình 2.200m so với mực nước biển. Nơi đây khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, là nơi sinh sống của 4 dân tộc anh em với truyền thống văn hóa lâu đời và bản sắc văn hóa độc đáo.
Hoa sơn tra (tên gọi khác hoa táo mèo) có 5 cánh nhụy vàng, màu không trắng muốt như hoa mận, mơ hay lê mà hơi trắng ngà. Loài cây này không chỉ là đặc sản của vùng cao Tây Bắc mà còn là một nét đẹp mùa xuân níu chân du khách phương xa bởi vẻ đẹp hồn hậu, kiên cường như những người dân nơi đây. Sinh trưởng trên nền đất cằn cỗi, cây sơn tra không chỉ mang đến vẻ đẹp cuốn hút mà quả và các sản phẩm chế biến từ quả còn giúp cho người dân vùng cao phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Cứ mỗi độ tháng 3 về, khi mùa xuân vừa thức giấc sau một mùa giá lạnh, thời tiết cũng ấm dần lên cùng với vũ điệu của hoa mơ, hoa mận, hoa ban, thì hoa sơn tra lại bung nở trắng rừng và trên các cung đường khiến các bản mường bình yên trở nên thơ mộng, xao xuyến lòng người. Đây cũng là mùa hẹn du khách đến với Mường La, miền quê của hoa sơn tra để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khôi, thuần khiết của loài hoa mang trong mình sức sống mãnh liệt, hội tụ nét đẹp tinh túy của đất trời của tâm hồn con người kiên cường, dũng cảm, vẻ đẹp riêng của núi rừng Tây Bắc.
Chị Nguyễn Thu Hương (du khách từ Hà Nội) cho biết: "Tôi vượt gần 400km lên đến đây thỏa sức ngắm nhìn những bông hoa sơn tra trắng tinh khôi thuần khiết. Đối diện những cánh rừng sơn tra trắng trải dài đem lại cho tôi cảm xúc thích thú và vô cùng ấn tượng. Rừng hoa sơn tra mang vẻ đẹp độc đáo tô điểm thêm sự hùng vĩ, nên thơ của núi rừng được kiến tạo bởi bàn tay khéo léo, đa tài và tấm lòng hào phóng, rộng lượng của mẹ thiên nhiên".
Đối với nhiều du khách, Nậm Nghẹp vẫn còn là một cái tên khá mới mẻ. Đây cũng là cung đường mới để chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, ngọn núi cao thứ 7 tại Việt Nam. Cung đường tới Nậm Nghẹp vẫn còn khá hoang sơ, từ Ngọc Chiến lên đến bản chủ yếu là đường đất đá, dốc ngoằn ngoèo, thẳng đứng. Tại đây người dân có dịch vụ đưa đón bằng xe máy giúp cho chuyến tham quan của du khách thuận tiện, an toàn hơn.
Du khách Vũ Ngọc Anh (đến từ Yên Bái) chia sẻ: “Lần đầu được nhóm bạn rủ đi ngắm hoa sơn tra tại Nậm Nghẹp tôi rất háo hức mặc dù đường đi khó. Khi đến đây được hòa mình vào cảnh thiên nhiên hùng vĩ, sắc trắng của hoa sơn tra tạo nên khung cảnh nên thơ, tôi cảm thấy rất xứng đáng với quãng đường đã trải qua. Tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè đến và trải nghiệm cảnh đẹp nơi này”.
Ông Lò Văn Sây, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: “Ngày hội hoa sơn tra được tổ chức lần đầu tại xã Ngọc Chiến, trong đó có chuỗi hoạt động diễn ra tại bản Nậm Nghẹp là cơ hội thuận lợi để quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên cũng như con người nơi đây, đồng thời bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc, tạo ra cơ hội và điều kiện tốt nhất giúp kết nối mọi người, kết nối cộng đồng, kết nối các công ty, du khách cùng trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội đầu tư khai thác các tài nguyên du lịch tại địa phương. Riêng vụ sơn tra năm 2023 trên địa bàn xã Ngọc Chiến thu hoạch khoảng 3.000 tấn, giá bán trung bình 3.000 đồng/kg”.
Cây sơn tra không chỉ giữ rừng, phủ xanh đất trống mà còn có giá trị kinh tế, giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Nơi đây có 100 hộ đồng bào dân tộc Mông đen chung sống lâu đời với hàng ngàn cây sơn tra cổ thụ.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng công nhận xã Ngọc Chiến là “xã có rừng hoa sơn tra lớn nhất Việt Nam” với diện tích 2.565ha. Đây cũng là dịp để du khách gần xa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa mang tên sơn tra, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, góp phần quảng bá du lịch.
Ông Kháng A Sáy - Bí thư Chi bộ bản Nậm Nghẹp (xã Ngọc Chiến) cho biết: “Nậm Nghẹp là một trong những bản có diện tích trồng sơn tra lớn. Đây là cây trồng đã mang lại thu nhập chính cho toàn bộ các gia đình đồng bào Mông suốt những năm qua. Như gia đình tôi, với 5ha cũng thu về 150 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 120 triệu đồng”.
"Sơn Tra - mùa hoa gọi" là thông điệp, lời mời gọi đặc biệt du khách gần xa đến với miền cổ tích của núi rừng Tây Bắc.
Nhờ có sơn tra, mỗi dịp hoa nở tháng 3, tháng 4 hàng năm hay mỗi mùa quả chín vào khoảng tháng 6, tháng 10, bản nhỏ lại tấp nập du khách đến trải nghiệm và khám phá. Cây sơn tra đã mang lại nguồn lợi lớn, trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Hoa sơn tra nở rộ tạo nên khung cảnh thơ mộng, yên bình. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch, chính quyền địa phương đã vận động bà con trong bản bảo vệ tốt diện tích cây sơn tra hiện còn. Đồng thời hướng dẫn bà con phát triển dịch vụ du lịch để tăng thu nhập, nhiều hộ dân trong bản cũng chủ động đầu tư homestay, trang phục quần áo dân tộc để du khách chụp ảnh.
Cây sơn tra đã gắn bó với nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Mông tại bản Nậm Nghẹp.
Du khách chụp ảnh lưu niệm vườn hoa sơn tra.
Bên cạnh rừng hoa sơn tra khoe sắc, những bông hoa cải cũng bung lụa vàng óng ả dưới tán rừng xanh mướt mắt.
Lễ hội hoa sơn tra năm 2024 cùng nhiều hoạt động thi văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc dân tộc địa phương.
Đông đảo du khách được hòa chung niềm vui với người đồng bào khi tham gia các trò chơi dân gian tại lễ hội.