Lãi suất thấp để kinh tế phục hồi

Mặt bằng lãi suất huy động tăng trở lại nhưng lãi suất cho vay được dự báo vẫn duy trì mức thấp từ nay đến cuối năm. Trên thực tế, các ngân hàng không chỉ giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, mà còn đưa ra nhiều gói vay ưu đãi đối với nhiều nhóm doanh nghiệp.

Lãi suất ổn định, giao dịch ngân hàng tích cực hơn. Ảnh: Ng.Anh.

Lãi suất ổn định, giao dịch ngân hàng tích cực hơn. Ảnh: Ng.Anh.

Lãi suất đầu ra có thể không tăng theo lãi suất tiền gửi

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm tới ngày 24/6/2024, tín dụng tăng tới 4,45% so với cuối năm 2023. Còn theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đã đạt tới 6% so với cuối năm 2023.

Cũng trong thời gian gần đây, lãi suất huy động đã bắt đầu nhích tăng, chỉ trong vòng hơn 10 ngày đầu tháng 7/2024, thị trường đã chứng kiến thêm gần chục ngân hàng tăng lãi suất huy động. Có thể kể đến những cái tên như: MB, Eximbank, NCB, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank… Nhiều lo ngại được đặt ra khi lãi suất huy động tăng cùng với bối cảnh tín dụng tăng mạnh, liệu lãi suất cho vay có điều chỉnh tăng?

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trong quý III hoặc quý IV/2024 nhưng lãi suất cho vay sẽ cố gắng giữ ở mức hiện tại.

Lãnh đạo Vietinbank cho biết, hiện các ngân hàng đang nỗ lực tiết kiệm chi phí kinh doanh, đồng thời đã chủ động giảm lợi nhuận… nên lãi suất đầu ra có thể không tăng theo lãi suất tiền gửi. Bởi lẽ, nếu tăng lãi suất cho vay, khách hàng không tiếp cận được vốn thì ngân hàng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Nhiều chuyên gia đánh giá điều kiện để dòng vốn ra thị trường đó là phía cầu ấm lên, lãi suất cho vay phải duy trì ở mức thấp trong thời gian đủ lâu để doanh nghiệp (DN) có thể tính kế hoạch làm ăn và chính sách cơ cấu giãn hoãn nợ cho DN.

Từ đầu năm 2024 đến nay, các ngân hàng thương mại liên tục triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN. Hiện nay, lãi suất cho vay của một số gói tín dụng ưu đãi chỉ từ 2,5 - 3%/năm với khoản vay ngắn và 5 - 6%/năm cho vay trung - dài hạn, thấp hơn so với chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng thương mại.

Giới chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Bởi NHNN đang kiểm soát chặt chẽ lãi vay, cùng với đó là áp lực cạnh tranh cho vay giữa các ngân hàng rất lớn.

TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá, việc giữ mặt bằng lãi suất thấp nhằm ổn định để phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất quan trọng, vì thế lãi suất cho vay sẽ vẫn tiếp tục ở mức thấp và lãi suất tiết kiệm sẽ điều chỉnh tăng nhẹ.

Nhìn tổng thể bối cảnh chung của nền kinh tế, giới chuyên gia cho rằng trong vài tháng tới, lãi suất cho vay sẽ không tăng, bởi phía DN, đặc biệt DN tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn, thể hiện qua số liệu DN rút khỏi thị trường. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 60.200 DN, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% và 8.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Tổng số DN rút khỏi thị trường là 100.000, tăng 19,7%.

Ngân hàng mạnh tay cơ cấu dòng vốn

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của NHNN vừa được công bố cho biết các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể cải thiện tốt hơn trong quý III/2024 so với quý II/2024 và trong năm 2024 so với năm 2023 khi nền kinh tế có nhiều diễn biến tích cực và phục hồi, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,7% trong quý III/2024 và tăng 14,1% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,47% so với mức dự báo 13,6% tại kỳ điều tra trước.

Và để chuẩn bị nguồn tiền lãi suất ổn định bơm ra nền kinh tế, thời gian gần đây ngân hàng mạnh tay cơ cấu dòng vốn bằng việc tăng lãi suất và đẩy mạnh phát hành trái phiếu.

Giải pháp phát hành trái phiếu, theo thống kê của VIS Rating, các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 196 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023, cao hơn đáng kể mức 104 nghìn tỷ đồng của năm 2019 và trái phiếu tăng vốn cấp 2 đóng góp 35% tổng giá trị phát hành.

Tính đến cuối năm 2023, 72% trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh, trong khi 98% trái phiếu thường không có tài sản đảm bảo được phát hành bởi các ngân hàng cổ phần tư nhân. Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã phát gần 80.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 64% tổng giá trị trái phiếu phát hành.

Theo các chuyên gia phân tích của FiinRatings, nhu cầu tín dụng trong nửa cuối năm nay sẽ tăng, để đáp ứng nhu cầu vay của DN, các tổ chức tín dụng sẽ cần củng cố nguồn vốn trung và dài hạn, trong đó bao gồm hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Do đó, hoạt động phát hành trái phiếu DN của các tổ chức tín dụng sẽ bận rộn hơn trong thời gian tới.

VIS Ratings cũng dự báo, khối ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh phát hành trái phiếu trong năm 2024. Quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn. Đồng thời, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn.

Để có nguồn vốn dài hạn, một số ngân hàng cũng tìm cách huy động từ các tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, VIB huy động thành công khoản vay hợp vốn trung - dài hạn trị giá 280 triệu USD từ 13 định chế tài chính hàng đầu khu vực và thế giới... VPBank cũng tìm kiếm vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, thời gian cho vay trung bình từ 3 - 5 năm; gần đây nhất đã huy động được nguồn tài trợ lên tới 7 năm.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lai-suat-thap-de-kinh-te-phuc-hoi-10286012.html