Làm đầy ký ức

Ký ức là một thứ cần làm đầy và nuôi dưỡng. Tôi đã được cha mẹ làm đầy và nuôi dưỡng ký ức bằng cách đơn sơ, mộc mạc. Để qua bao trong đục, buồn vui, tôi luôn được những đơn sơ, mộc mạc thiết thân ấy chắp cánh.

Đó có thể là tình yêu vô tận, có thể là vô vàn hy sinh thầm lặng của cha mẹ dành cho con cái, hay đơn giản nhất, đó chỉ là những món ăn từ sự tảo tần.

Nhớ hồi còn bao cấp, mỗi lần nhận tiêu chuẩn bột mì thay gạo, mẹ liền xách xô đi bắt cua. Trước khi đi mẹ còn ngoái cổ giao hai chị của tôi ở nhà nhào bột để nấu cháo. Mẹ thường rủ tôi đi cùng, đứa bé đen nhẻm là tôi hồi ấy chỉ cần nghe thế là tót lên gác ba ga xe đạp để được mẹ chở đi. Đồng Phú Vinh cách nhà non cây số, đi qua một con đê thoai thoải cạnh một rặng dương xanh rì. Đó là những buổi chiều muộn, nắng còn chênh chếch chiếu qua những vạt lúa sẫm màu bắt đầu trĩu xuống bởi những hạt vàng chắc mẩy. Mẹ nói, mùa này cua rất béo (vị béo của cua không thể hiểu theo nghĩa đơn thuần nếu chưa bao giờ tự tay chế biến).

Mẹ xách xô đi men bờ ruộng, tôi lúc cúc theo sau. Và nín thở mỗi khi mẹ cúi xuống thọc tay vào những lỗ hang be bé. Có hang cua nấp rất sâu, mẹ phải rất khó khăn mới tóm được. Có hang mẹ mới thò tay vào đã lôi ra được chú cua vàng ươm. Cũng có khi, mẹ vừa đưa tay vào đã vội rụt lại tức thì vì chạm phải đầu rắn trơn nhẫy. Thật may đó chỉ là những chú rắn nước hiền lành.

Tôi là đứa ham khám phá mà lại nhát gan, bao buổi theo mẹ đi bắt cua, nhưng chưa lần nào dám đặt chân xuống bùn, cũng chưa bao giờ dám thọc tay vào những cái hang đầy bí hiểm. Đỉa và rắn là hai con vật luôn khiến tôi mất kiểm soát. Mà cánh đồng này luôn sẵn hai sinh vật đáng sợ ấy. Mỗi người đều có những giới hạn nhất định. Người ta có thể trèo lên ngọn cây cao chót vót để hái quả, nhưng không thể can đảm thò tay vào một lỗ nhỏ dưới mặt đất. Hay một đấng nam nhi lừng lững có thể đội trời đạp đất không từ nan nhưng lại chết khiếp bởi chú chuột nhắt bé tí.

Mẹ hí húi một lúc thì được lưng lửng phần ba xô cua. Những chú cua bị nhấc ra khỏi chỗ trú ngụ cuống cuồng trèo lên nhau tạo ra âm thanh lào xào như thảm lá khô vào mùa gió chướng. Đó là thực phẩm giàu đạm và can xi mà mẹ thường xuyên kiếm cho đàn con vào những ngày thiếu thốn.

Riêu cua là một thức vị đòi hỏi sự chế biến thật tỉ mỉ và tinh tế. Trước khi tách phần mai cứng ra khỏi thân, phải bỏ toàn bộ những chú cua còn tươi, sống vào nước sạch pha muối, rửa nhiều lần cho đi hết bùn đất. Phần thân cua để ráo, rắc chút muối hột vào giã hoặc xay nhuyễn, sao cho ra được thành phẩm dẻo quánh, quyện vào nhau mời gọi. Thức ấy, pha thêm nước sạch, lọc đi lọc lại để lấy hết phần thịt cua. Phải thật khéo léo để phần bã cua không lẫn xuống phần đã lọc. Kỹ vậy, để khi thưởng thức phần thịt cua, ta sẽ cảm nhận trọn vẹn độ mướt mịn, ngọt béo, xứng với sự tỉ mỉ của người chế biến. Công đoạn lấy gạch cua cũng phải thật có tâm, bởi giữa mai có một bộ phận mà nhân gian đồ rằng đó là bọng chứa chất thải lỏng của cua. Nếu lỡ lẫn một bọng bất kỳ, nồi riêu cua tức khắc bị hỏng. Vì đó là thứ gây ra mùi khai rất khó ngửi cho món ăn vốn được chế biến rất cầu kỳ.

Gạch cua là một thứ tạo màu rất thần diệu, nó không vàng như màu nghệ, không đỏ rực như màu gấc. Nó được kết lại từ những gam màu nóng lạnh, để khi phi thơm lừng cùng hành, hoặc nén, thứ nổi lên mặt nước dùng có một sắc màu sóng sánh tự nhiên cực đẹp.

Tại sao khi giã/xay phần thân cua phải cho muối hột? Đó là bí quyết có từ thời ông cha. Sự kết hợp giữa vị mặn của muối, tanh ngọt của cua, khi đun lên phần thịt cua sẽ đông kết rất đẹp. Người nội trợ chu đáo và cầu toàn sẽ không bao giờ để nước riêu trào ra. Quá trình nồi nước nóng dần và chuyển sang sôi, phải luôn tay khuấy nhẹ để tránh phần thịt cua dính vào đáy nồi. Đó là thời khắc mà tôi ví như vũ trụ đang xoay vần, những phân tử nước chuyển động đẩy phần thịt cua nổi dần lên mặt nước, lúc hỗn hợp sôi dào dạt, người nội trợ cầu toàn sẽ lấy cái vá thủng vớt phần thịt cua cho riêng vào một cái tô để bảo toàn sự đông kết. Cốt để khi cho các thứ khác vào nồi nước dùng sẽ không làm phần thịt cua vữa ra. Một tô bún riêu, một bát cháo bánh canh, hay tô canh riêu cua nấu mồng tơi… sẽ đạt đến độ hoàn hảo cả về hương vị lẫn thẩm mỹ nếu trên cùng có những mảng thịt cua đậm đà dư vị mùa màng đồng bãi.

Ai từng tự tay chế biến ra nước riêu cua, người đó sẽ không bao giờ nỡ để uổng phí một giọt nào. Bởi nó không còn là món nước dùng đơn thuần, nó được người nội trợ gửi gắm tâm hồn vào đó như cái cách một nghệ nhân tạo ra tác phẩm nghệ thuật.

Ngày ấy, cua đồng nấu với bột mì được nhào dẻo, cán mỏng, thái sợi là món cháo ngon, vị ngọt thanh mát, đậm đà mà mẹ đưa chúng tôi vượt qua những ngày đói kém bằng những lần bì bõm lội đồng như thế. Cánh đồng Phú Vinh ngày ấy là vựa thức ăn dồi dào, nâng đỡ thể trạng cho bao con dân sống quanh đó. Tất cả đã trở thành phần ký ức thẳm sâu đẹp đẽ. Để đến bây giờ, mỗi lần đi qua đó, cảm giác ấm áp, ngọt ngào luôn quấn quýt trong mỗi hơi thở đang ngày một đi về phía hoàng hôn của tôi.

Ký ức ấy là mẹ. Để thỉnh thoảng mỗi lần đi ngang cánh đồng, thấy bà cụ tóc trắng như cước, da mặt hồng hào, môi đỏ au ngồi nhai trầu bỏm bẻm bên thau cua đồng lạo xạo, tôi cảm thấy thương quý vô cùng. Đến mức, cảm giác nó đánh lừa tôi, rằng, phải mua cua của bà, từ chính đôi chân bì bõm của bà trên cánh đồng ấy, món cua tôi nấu mới tròn vị. Trong những buổi chiều nắng xế, bà mừng rỡ khi thấy tôi dừng lại, tặng cho tôi nụ cười rất ấm và duyên, già rồi mà nụ cười của bà rất duyên dáng. Tôi vui. Ngỡ như đang trò chuyện cùng mẹ, được cùng mẹ trở về những năm tháng cũ.

Trải qua bao đắng cay ngọt bùi, càng trưởng thành, con người sẽ càng nhận ra thứ làm đầy tâm hồn mình là những điều rất giản dị mà cha mẹ trao cho. Ngày nay, chuyện miếng cơm manh áo không còn là vấn đề bức bách như xưa nữa, khi các nhà hàng mọc lên như nấm cùng những sơn hào hải vị theo mùa, thì những món ăn từ cua đồng của mẹ tôi vẫn luôn hiển hiện trong tâm trí. Để mỗi khi hồi tưởng về cha mẹ, nó trỗi dậy đầy thiêng liêng, ấm cúng.

Những ngày cuối năm xa mẹ, tôi thường ngang qua đoạn đường quen thuộc. Gặp hôm bà cụ tóc trắng bắt được mẻ cua, hồ hởi ngồi đó chờ những tín đồ đồng ruộng như tôi, mua được hay không lòng tôi cũng ấm, thấy bà như thấy mẹ, đỡ nhớ hơn, lại như được chở che, vỗ về…

NGUYỄN HƯƠNG DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/270381/lam-day-ky-uc.html