'Làm điện hạt nhân sau năm 2040 là có khả thi'
Ông Hà Sỹ Đồng nhìn nhận, việc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất làm điện hạt nhân sau năm 2040 là có tính khả thi và phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước.
Đề xuất xem xét phát triển điện hạt nhân
Ủy ban Kinh tế mới có báo cáo giám sát việc thực hiện nghị quyết 31 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2021.
Ủy ban này đánh giá, mặc dù tỉnh Ninh Thuận đã có phát triển vượt bậc, nhưng một bộ phận đời sống người dân vùng dự án vẫn gặp khó khăn, chưa an tâm ổn định sản xuất, dẫn tới lãng phí nguồn lực đất đai.
Kết quả giám sát cũng chỉ ra, có khó khăn vướng mắc do cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân, đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thuế, hạch toán chi phí, đền bù giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, phát triển điện hạt nhân hiện chưa có chủ trương chính thức, các quy hoạch liên quan đến khu vực dự kiến xây dựng các nhà máy điện hạt nhân cũng chưa rõ định hướng, nên chưa có căn cứ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Trong bối cảnh ngành điện ngày càng tăng về tỉ trọng năng lượng tái tạo, nhưng theo Ủy ban Kinh tế, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức thiếu điện giai đoạn 2021 - 2025.
Thị trường điện cạnh tranh cũng chưa xây dựng được một cách đồng bộ; cơ chế giá điện còn chậm thay đổi, chưa vận hành giá điện theo cơ chế thị trường. Nguồn điện được xây dựng cũng chưa đảm bảo khả năng phát triển bền vững, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Đặt trong bối cảnh xu hướng phát triển ngành năng lượng thế giới là xanh, sạch, cam kết của Việt Nam tại COP26, đòi hỏi Việt Nam phải có định hướng chiến lược để vừa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, vừa hạn chế phát thải carbon trong dài hạn, trong khi điện hạt nhân là nguồn điện ít phát thải.
Do đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai.
Đồng thời ảnh hưởng đến quan hệ với các nước đối tác, nên đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định chính thức về vấn đề này.
Vì thế, Ủy ban Kinh tế cho rằng tiếp tục phát triển điện hạt nhân hay không thì Chính phủ cần sớm có phương án giải quyết thỏa đáng, kịp thời để tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống, quyền lợi cho người dân vùng dự án chịu ảnh hưởng.
Nguồn vốn triển khai, Chính phủ có thể xem xét bố trí từ vốn trung ương còn lại chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hoặc nguồn tăng thu ngân sách trung ương 2021, sau đó trình Ủy ban Thường vụ xem xét.
Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân; có phương án bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ nhân lực đã được đào tạo về điện hạt nhân. Chính phủ nên nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử...
Có khả thi và phù hợp xu hướng
Về vấn đề này, bên hành lang Quốc hội sáng 27/5, ĐBQH Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho hay, để đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng, cần xem xét nhiều yếu tố và phải phù hợp với lộ trình phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Để phù hợp với lộ trình này, ông Đồng cho rằng, hiện Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Nhưng các loại năng lượng mới này có một vấn đề là giá cao, phải bỏ ra ngân sách rất lớn để đầu tư hệ thống truyền tải.
Còn về điện hạt nhân, Quốc hội khóa VIII đã quyết định dừng thực hiện loại năng lượng này ở Ninh Thuận. Việc dừng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, theo ông Đồng "rất phù hợp, bởi để dồn lực cho các dự án trọng điểm khác, đồng thời phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, không an toàn thì không làm".
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, việc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa đề xuất làm điện hạt nhân sau năm 2040, điều này có tính khả thi và phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước.
“Khả thi là bởi nước ta có tốc độ phát triển và nhu cầu sử dụng điện ngày càng lớn, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tốt, học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia đầu tư điện hạt nhân. Tôi đồng tình, ủng hộ thực hiện dự án điện hạt nhân sau năm 2040", ông Đồng nói.
Khi được hỏi về công suất cho nhà máy điện hạt nhân bao nhiêu là phù hợp, ông Đồng cho rằng, thời điểm này, chưa thể nói về công suất của nhà máy điện hạt nhân.
"Phải có tính toán về nhu cầu, cũng như địa hình, địa lý. Đảm bảo các điều kiện phù hợp về môi trường và an toàn cuộc sống lâu dài cho người dân, bền vững cả 3 mặt kinh tế - xã hội - môi trường”, ông nhấn mạnh.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Phó Trưởng đoàn đại biểu Đồng Tháp) cũng đánh giá rằng, lúc này Việt Nam chưa nên phát triển điện hạt nhân, nhưng dài hạn cần nghiên cứu loại năng lượng này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu điện ngày càng hiện hữu.
Ông cũng lưu ý tính an toàn và công nghệ phải ưu tiên cao nhất khi nghiên cứu, phát triển loại năng lượng này.