Lâm Đồng có Cảng hàng không quốc tế đầu tiên ở Tây Nguyên

Sáng 23/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và đoàn công tác của Chính phủ, Bộ GTVT có chuyến công tác tại Lâm Đồng, dự lễ công bố quyết định Cảng hàng không Liên Khương (tại huyện Đức Trọng - Lâm Đồng) trở thành Cảng hàng không quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên.

Lãnh đạo Cục Hàng không Quốc gia trao quyết định cho lãnh đạo Cảng Hàng không Liên Khương chuyển Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng Hàng không Quốc tế, từ ngày 23/6/2024

Lãnh đạo Cục Hàng không Quốc gia trao quyết định cho lãnh đạo Cảng Hàng không Liên Khương chuyển Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng Hàng không Quốc tế, từ ngày 23/6/2024

Cảng hàng không Liên Khương thuộc thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 30km. Nằm ngay bên cạnh quốc lộ 20, tuyến giao thông huyết mạch nối TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh Đông Nam Bộ, Bắc Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum), đặc biệt là TP Hồ Chí Minh.

Từ sân bay Liên Khương đến Đà Lạt là quãng đường khoảng 40 phút, ngoài tuyến xe bus của Cảng hàng không, có rất nhiều các phương tiện phổ biến khác, như: taxi, xe bus và xe hợp đồng văn phòng du lịch Đà Lạt, giá vé giao động từ 50.000 đồng/người hoặc 135.000 đồng/xe bao chyến để về đến nội ô Đà Lạt. Sân bay hiện đạt cấp 4D, công suất thiết kế 2 triệu hành khách mỗi năm, đảm bảo phục vụ hơn 830 hành khách/giờ cao điểm.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giao thông Vận tải, cảng hàng không Liên Khương là Cảng quốc tế, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Từ nay đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch là sân bay cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn quốc tế ICAO) và là sân bay quân sự cấp 2.

Công suất phục vụ 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Sân bay có thể tiếp nhận các loại tàu bay khác code C như A320/A321, code E như B747/B787/A350 và tương đương.

Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Liên Khương vẫn giữ nguyên cấp sân bay nhưng được nâng công suất phục vụ lên 7 triệu hành khách và 30.000 tấn hàng hóa mỗi năm.

Thiết kế độc đáo đặc trưng của nhà ga sân bay Liên Khương

Thiết kế độc đáo đặc trưng của nhà ga sân bay Liên Khương

Đối với hệ thống đường cất hạ cánh, giai đoạn đến năm 2030, sân bay được quy hoạch giữ nguyên cấu hình đường cất hạ cánh hiện hữu với kích thước dài 3.250m, rộng 45m. Đến năm 2050, đường cất hạ cánh hiện hữu được kéo dài về phía tây thêm 350m lên thành 3.600m, rộng 45m.

Theo Cục Hàng không nhận định, đây sẽ là một dấu mốc đặc biệt, không chỉ với hoạt động khai thác hàng không, với ngành giao thông vận tải, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực Tây Nguyên.

Việc được nâng cấp trở thành cảng hàng không quốc tế sẽ giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục, tạo thuận lợi và hành lang pháp lý cho hoạt động khai thác quốc tế tại Cảng hàng không quốc tế Liên Khương.

TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung hiện là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu tại Việt Nam. Đối với những du khách chọn di chuyển bằng máy bay đến thăm thành phố hoa, sân bay Liên Khương chính là nơi đầu tiên chào đón khách.

Với những tiềm năng, lợi thế của địa phương và khu vực hiện có, cùng nhịp độ khai thác hàng không đang trên đà tăng trưởng, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần quan trọng trong việc thu hút, thúc đẩy và tăng cường hơn nữa các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bãi đậu của sân bay Liên Khương

Bãi đậu của sân bay Liên Khương

Cảng hàng không Liên Khương được xây dựng vào năm 1961. Hiện nay là sân bay quốc tế duy nhất và lớn nhất vùng Tây Nguyên Việt Nam.

Vào các năm 2003, 2009, 2019 sân bay được tu sửa, nâng cấp; hiện trở thành sân bay Quốc tế duy nhất và lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Khu vực nhà ga của sân bay Liên Khương có diện tích 12.400m2 với thiết kế lấy độc đáo, đặc trưng lấy cảm hứng từ hoa dã quỳ - loài hoa đặc trưng của vùng Tây Nguyên và Đà Lạt, mái vòm khu vực nhà ga được thiết kế uốn cong mềm mại như cánh hoa, được sơn một màu vàng rực của loài dã quỳ mạnh mẽ.

Hiện nay, Cảng hàng không Liên Khương khai thác 9 đường bay nội địa, 2 đường bay quốc tế, cùng một số chuyến bay quốc tế charter (thuê chuyến). Tần suất chuyến bay tại sân bay Liên Khương trung bình khoảng 30 chuyến/ngày, vào mùa cao điểm lên đến 50 chuyến/ngày.

Ngọc Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/lam-dong-co-cang-hang-khong-quoc-te-dau-tien-o-tay-nguyen_163842.html