Làm gì để bảo tàng và di tích lịch sử hấp dẫn công chúng trẻ?
Bảo tàng và di tích lịch sử là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa hồn cốt của dân tộc, là nơi chúng ta tìm đến để tìm hiểu về lịch sử của đất nước. Thế nhưng thực tế hiện nay các bảo tàng và di tích đã thực sự hấp dẫn công chúng trẻ và phát huy được ý nghĩa, vai trò của mình hay chưa là những câu hỏi cần được nghiêm túc nhìn nhận.
Bạn ĐINH GIA BẢO, Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Thật ra mình cũng chẳng mấy khi đi thăm quan bảo tàng đâu vì mình thấy những kiến thức lịch sử ở đó khá là khô khan.”
Bạn ĐÀO VĨNH LƯƠNG, Thanh Miện, Hải Dương:“Em thấy cách thể hiện ở các bảo tàng hơi tẻ nhạt. Những di vật, hiện vật mình có thể nhìn thấy được, chạm vào được nhưng nó vẫn như trên sách vở, không thân thiện với mình lắm".
Khô khan, thiếu hấp dẫn, không mấy khi ghé thăm là những ý kiến nhận định chung của một bộ phận công chúng trẻ khi được hỏi về các bảo tàng và di tích lịch sử ở nước mình. Những nơi vốn có vai trò giáo dục về truyền thống lịch sử của dân tộc thì nay lại kém hấp dẫn, thậm chí là không có sức hút đối với những người trẻ - một bộ công chúng rất cần được giáo dục về lịch sử.
PGS.TS TRẦN HỮU SƠN, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch: “Đi qua một số nước tôi thấy bao giờ người ta cũng gắn bảo tàng với du lịch. Bảo tàng là nơi thu vé phục vụ và vé vào xem rất đắt chứ không phải như Việt Nam. Người ta có bảo tàng chuyên đề, và mỗi bảo tàng đều có dịch vụ để làm sản phẩm du lịch, để thu được tiền. Người ta đi theo chuyên đề, theo đặc thù chứ không như bảo tàng nước ta là đến bảo tàng tỉnh nào cũng thấy nó giông giống nhau".
TS. VŨ ĐỨC LIÊM, Giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội: “Hiện nay chúng ta đang vận hành, duy trì, tư duy quản trị các di tích này theo tư duy cũ. Theo quan điểm người Việt, di sản là cái gì cực kỳ quý giá, đáng trân trọng, cực kỳ đáng lưu giữ. Và càng quý thì lại càng cất giữ nó thật sâu. Chúng ta phải chuyển từ xem di sản tới thực hành di sản, biến di sản thành một phần đời sống xã hội hiện đại. Chúng ta phải cập nhật, ứng dụng KHCN, phải có chính sách và biện pháp mới".
Sự phát triển không ngừng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang là thách thức và đồng thời cũng là cơ hội để các bảo tàng và di tích lịch sử chuyển mình, đáp ứng những yêu cầu về tiếp nhận của công chúng. Với số lượng di tích và bảo tàng lịch sử như hiện nay, việc khai thác đúng cách, cũng như có những đổi mới trong hoạt động của bảo tàng, di tích lịch sử là vô cùng cần thiết, và điều quan trọng hơn là nó cần phải được nghiêm túc nhìn nhận như một vấn đề quan trọng trong đời sống xã hội để những giá trị truyền thống, niềm tự hào dân tộc được tiếp nối.
Thực hiện : Linh Chi Hải Linh Văn Thắng