Làm gì để có một Hà Nội xanh?
Hà Nội có tốc độ dân số tăng nhanh với hơn 8 triệu dân, trong khi đó quỹ không gian xanh phát triển chưa ngang tầm với phát triển dân số. Điều này đã tạo ra những tác động và áp lực không nhỏ đối với sự phát triển bền vững và mục tiêu xây dựng đô thị Hà Nội xanh.
Do đó, trong các quy hoạch lớn mà Hà Nội đang thiết lập cần phải hoạch định và có cơ chế, chính sách nhất định giúp cho việc bảo tồn không gian xanh sẵn có trong đô thị và phát triển được hành lang xanh, các không gian xanh trong cấu trúc đô thị.
Không gian xanh còn rời rạc
Đánh giá về thực trạng cấu trúc hệ thống không gian xanh (không gian cây xanh, mặt nước) trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện nay, GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp thẳng thắn chỉ ra, công tác quy hoạch, bảo vệ, cải tạo hệ thống không gian xanh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội chủ yếu vẫn theo cách làm cũ, chưa ứng dụng những cơ sở khoa học liên quan đến sinh thái và cấu trúc không gian sinh thái, chưa bảo đảm tính đồng bộ. Có tiêu chuẩn về diện tích không gian xanh theo quy định nhưng lại thiếu cơ chế giám sát trong xây dựng dẫn đến chỉ tiêu diện tích không gian xanh vẫn luôn ở mức rất thấp so với yêu cầu. Do sự thiếu thống nhất trong quy hoạch và quản lý, nên xuất hiện tình trạng phải chặt bỏ hoặc di dời những dải cây lớn khi xây dựng, cải tạo các tuyến giao thông; việc cải tạo hệ thống công trình ngầm, vỉa hè đã làm hư hại gốc rễ cây trồng ven đường.
Đối với không gian mặt nước sông, hồ đa số đang bị ô nhiễm nặng bởi nước thải sinh hoạt, rác thải từ các khu vực dân cư lân cận. Trong quy hoạch còn thiếu những quy định cụ thể về khoảng lùi và chiều cao của các công trình xây dựng ở xung quanh. Trong công tác cải tạo, xây dựng bờ kè ao, hồ, kênh, mương mới chỉ chú ý đến tính chất kỹ thuật công trình, chưa chú ý đến sự liên tục giữa hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái dưới nước, dẫn đến làm giảm khả năng tự làm sạch của hệ sinh thái mặt nước.
Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các mảng xanh, vành đai xanh, hành lang xanh (giữa ao, hồ với sông và kênh, mương; giữa vườn hoa - công viên với các hành lang, vành đai cây xanh) và đặc biệt với diện tích rừng còn rời rạc; chưa có sự kết nối giữa các mảng xanh, hành lang xanh trong đô thị với vùng nông thôn ngoại ô.
Hà Nội đang lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065. Để tạo nên một kỳ tích, sự thay đổi căn bản về cảnh quan không gian đô thị, tạo lập môi trường sống bền vững, nâng cao chất lượng môi trường, phải có định hướng phát triển, cải tạo và tái thiết các không gian xanh, không gian công cộng, công viên, vườn hoa đô thị trung tâm, đặc biệt là các khu vực phát triển dày đặc, khu vực làng xóm đô thị hóa.
GS.TS Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
GS.TS Phạm Văn Điển cho hay, các dữ liệu hiện tại ở Hà Nội về quản lý không gian xanh đô thị mới chỉ có cây xanh công cộng trong đô thị như cây xanh trong các công viên, vườn hoa, cây xanh đường phố tại các quận nội thành. Trong khi đó, thiếu các dữ liệu về vấn đề này tại các thị xã, thị trấn ngoại thành là nơi sẽ có tốc độ phát triển rất mạnh trong thời gian tới. Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho công tác quản lý như xác định độ che phủ xanh đô thị, là cơ sở cho việc xác định vai trò giảm phát thải khí nhà kính cũng như việc sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý từ cá thể cây xanh đến tổng thể các không gian xanh cũng chưa được áp dụng.
Còn Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn cho hay, để đảm bảo cho phát triển cân bằng và bền vững, Quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt năm 2011 đã đề ra chiến lược khống chế phát triển đô thị lan tỏa bằng giải pháp thiết lập hành lang xanh chiếm tỷ lệ 70% tổng diện tích đất tự nhiên của TP. Tuy nhiên, đến nay cho thấy lý thuyết hành lang xanh phát triển không hiệu quả, không phục vụ mô hình đô thị xanh, hiện khu vực này đang dần chuyển thành xám khi phát triển nhiều dự án nhà ở tại đây. Cùng đó, mật độ cây xanh trên đầu người khu vực nội đô còn rất thấp so với mục tiêu của quy hoạch.
Ứng dụng công nghệ và huy động cộng đồng vào quản lý
Từ các vấn đề còn tồn tại, với mong muốn xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một TP phát triển bền vững, TP xanh, GS.TS Phạm Văn Điển đề xuất cần thiết phải xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về không gian xanh để quản lý, giám sát phát triển không gian xanh trên địa bàn Thủ đô.
Cụ thể, đối với không gian cây xanh và mặt nước, việc quy hoạch, bảo vệ, cải tạo cần dựa trên cơ sở nguyên lý của sinh thái cảnh quan. Đồng thời ứng dụng công nghệ viễn thám, GIS để phân tích, định lượng hóa mô hình cấu trúc không gian cảnh quan phù hợp với đặc điểm phát triển của đô thị và yêu cầu nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan đô thị. Quy hoạch, thiết kế không gian xanh đô thị cần được tiến hành đồng bộ với các hạng mục quy hoạch xây dựng khác của đô thị.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, quy hoạch không gian xanh phải được xem là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các giải pháp quy hoạch không gian xanh cần được xem xét kỹ hơn về các yếu tố thiên nhiên và làm rõ vai trò điểm nhấn để tạo bản sắc trong đô thị. Đặc biệt, công tác quy hoạch, bảo vệ và bảo tồn cây xanh, mặt nước cần có sự tham gia của cộng đồng.
Trong khi đó, GS.TS Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc
Hà Nội nhấn mạnh, các giải pháp cần được thực hiện từ góc độ vĩ mô đến vi mô, như từ giữ lại các cấu trúc của các không gian xanh, hành lang xanh, vành đai xanh đến gìn giữ, phát triển, kết nối các không gian mặt nước, cây xanh trong đô thị. Tiếp tục cụ thể hóa chiến lược Hà Nội xanh gồm: chiến lược hành lang xanh 60 - 40; trục không gian xanh sông Hồng; vành đai xanh sông Nhuệ; mạng lưới nêm xanh, vành đai xanh; phát triển đặc trưng sông hồ, mặt nước, công viên cây xanh; phát triển chiến lược đô thị, kiến trúc, hạ tầng xanh gắn với phát triển kinh tế xanh, xã hội xanh.
Song song với đó, cần có các chính sách đặc thù thu hút đầu tư, sự tham gia cộng đồng trong cải tạo tái thiết các hệ thống công viên, vườn hoa cũng như sự tham gia chia sẻ, xã hội hóa các không gian công cộng của tư nhân cho cộng đồng cần được thể chế hóa. Kinh nghiệm này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Như tại Singapore có cơ chế ưu đãi trong phát triển đô thị, chính sách về diện tích cảnh quan thay thế. Việc phát triển công trình xanh, không gian xanh mặt đất, trên mái nhà, mặt đứng công trình được quan tâm và có các chính sách gắn với tinh thần “TP trong rừng” như ưu đãi hệ số sử dụng đất khi chủ đầu tư thực hiện xây dựng các không gian xanh tầng 1 hoặc tầng mái bằng, những quy định cụ thể về việc miễn giảm thuế khi thay đổi cách tính diện tích sàn xây dựng cho các chức năng đó.
Hay tại Nhật Bản, mô hình phát triển mới cho phép tăng diện tích sàn xây dựng (tăng hệ số sử dụng đất) nhằm tạo nên các không gian công cộng, không gian mở gắn với công trình xây dựng. “Dự án MidTown là một dự án tái thiết đô thị tại trung tâm TP Tokyo. Với quy mô hơn 10ha, dự án đã áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi trong chương trình tái thiết đô thị TP và khái niệm pháp lý về chuyển nhượng quyền phát triển, phát triển các không gian công cộng thuộc sở hữu tư nhân để kiến tạo nên không gian mở chia sẻ cho cộng đồng gắn với công viên công cộng Hinokicho Park rộng 4ha” - GS.TS Lê Quân nêu ví dụ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-gi-de-co-mot-ha-noi-xanh.html