Làm gì để du lịch nông nghiệp thành thương hiệu của Việt Nam?
Phát triển du lịch nông thôn là xu hướng của thế giới, cần khai thác trở thành ngành kinh tế mạnh, thương hiệu của Việt Nam
Ngày 22-9, Diễn đàn "Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP" đã diễn ra, do báo Nông nghiệp Việt Nam, đơn vị Thường trực Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức.
Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững tiêu chí nông thôn mới.
Bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng nông nghiệp không còn đơn thuần là trồng cây gì, nuôi con gì mà cần định hướng tạo ra những giá trị mới, phù hợp với xu thế mới, trong đó có phát triển du lịch nông nghiệp. Bởi đây là giải pháp bền vững, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập trên chính mảnh ruộng của mình, đồng thời gắn thêm được tiêu thụ nông đặc sản, nhất là nhóm sản phẩm OCOP.
"Gắn du lịch với phát triển nông nghiệp là điều không mới nhưng cần làm thế nào để du lịch trở nên nhân văn và sinh thái hơn" - bà Ngô Phương Lan nói.
Về phía địa phương, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, thông tin về một số thế mạnh du lịch gắn với nông lâm nghiệp của Đồng Nai là du lịch trải nghiệm rừng, du lịch miệt vườn... Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng một chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp mang định hướng dài hạn, giúp nhà đầu tư yên tâm rót vốn. Đây cũng là tiền đề cho tỉnh xây dựng các cơ chế hỗ trợ hạ tầng, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá sản phẩm.
Ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Long Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), cho rằng: "Làm cái gì phải độc, lạ và có tính bền vững mới thu hút được khách du lịch. Không chỉ giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo không gian cho du khách đến tham quan, thưởng ngoạn không gian yên tĩnh của chốn quê".
Đã ngoài 70 tuổi, ông Khanh vẫn rất tâm huyết với khởi nghiệp nông nghiệp. Vốn không được đào tạo chuyên ngành, ông làm việc với các kỹ sư, nhà khoa học để cho ra đời 42 sản phẩm thực phẩm và mỹ phẩm chiết xuất từ những loại cây sẵn có này. Trong số đó, có 12 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 4 sao…
Ông Khanh kiến nghị nhà nước thực hiện đúng những cam kết, mục tiêu đã đặt ra, không để chính sách làm rào cản cho phát triển nông nghiệp du lịch.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh phát triển sản phẩm OCOP Việt Nam cần 3 yếu tố. Thứ nhất, phát huy thế mạnh địa phương để nâng cao giá trị đó lên, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Thứ hai, vấn đề liên kết sẽ khắc phục được tính nhỏ lẻ, để hình thành vùng sản xuất có sự liên kết giữa các hộ, các cơ sở thành sức mạnh, ứng phó với áp lực cơ chế thị trường.
Thứ ba, thương hiệu sản phẩm OCOP ở nông thôn có giá trị lớn mà chưa được nhìn nhận đúng mực. Vấn đề phải đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, "đánh mất thương hiệu là đánh mất tất cả".
"Du lịch nông thôn đang là xu hướng của thế giới, lợi thế của Việt Nam nên cần khai thác lĩnh vực này thành ngành kinh tế du lịch nông thôn và trở thành thương hiệu của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Để góp phần phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, Văn phòng điều phối nông thôn mới được giao làm việc với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM thành lập trung tâm tập huấn các lớp phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn….