Làm gì để giữ kiến trúc, cảnh quan nông thôn?

Kiến trúc, cảnh quan nông thôn vùng cao Lào Cai với đặc trưng là những căn nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc hài hòa với thiên nhiên núi rừng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tư duy xây dựng nhà của đồng bào các dân tộc cũng có nhiều thay đổi, nhiều căn nhà xây khang trang mọc lên nhưng không ít căn nhà với kiến trúc thô kệch, xa lạ với không gian văn hóa, bản sắc vùng cao.

Những năm qua, đời sống của người dân xã Tả Van Chư (Bắc Hà) có nhiều đổi thay, kinh tế phát triển, thu nhập của người dân nâng lên, từ đó nhiều hộ có điều kiện xây nhà mới. Tuy nhiên, thay vì xây theo thiết kế truyền thống của người dân tộc Mông, một số hộ đã học theo thiết kế của những căn nhà ngoài phố hoặc du nhập từ nơi khác. Nhiều căn nhà to lớn, rộng rãi được xây dựng tốn kém, nhưng lại trở nên lạc lõng với bản làng, rừng núi và không gian nơi đây.

Mật độ xây dựng tại trung tâm xã Tả Van, thị xã Sa Pa ngày càng giống với phố thị.

Mật độ xây dựng tại trung tâm xã Tả Van, thị xã Sa Pa ngày càng giống với phố thị.

Ở xã Tả Van (thị xã Sa Pa) lại là một câu chuyện khác. Nơi đây vốn nổi tiếng là điểm du lịch cộng đồng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến với điểm nhấn là di sản ruộng bậc thang thung lũng Mường Hoa. Du lịch càng phát triển thì làn sóng đô thị hóa khu vực trung tâm xã diễn ra càng nhanh chóng. Những căn nhà của đồng bào trước đây được xây dựng theo kiến trúc truyền thống với không gian rộng xung quanh nay được thay thế dần bằng những căn nhà phố san sát, mảng xanh ở khu trung tâm xã ngày càng thu hẹp dần. Chị Phương Anh, du khách từ Hà Nội bày tỏ tiếc nuối bởi chục năm trước, khi đến Tả Van lần đầu, chị ấn tượng bởi ngoài cảnh sắc tươi đẹp, người dân thân thiện, mến khách, nơi đây còn có nhiều nếp nhà truyền thống với mái gỗ rất đẹp, nay có thêm nhiều homestay được đầu tư bài bản, nhưng cũng có thêm nhiều căn nhà ống kiểu ngoài phố và những căn nhà khung sắt lợp tôn không ăn nhập với khung cảnh nơi đây.

Những căn nhà với kiến trúc lạc lõng giữa khung cảnh vùng cao.

Kiến trúc sư Huy Trung, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và đi nhiều nơi chia sẻ ý tưởng giữ gìn kiến trúc truyền thống của đồng bào nhằm phát triển du lịch cộng đồng cho rằng, thật tiếc khi kinh tế ngày càng phát triển thì những căn nhà truyền thống của đồng bào lại mất dần. Nhiều bà con khi xây nhà mới chỉ nghĩ xây sao cho to hơn, rộng hơn, có khi lại nghe tư vấn của thợ xây không am hiểu văn hóa đồng bào. Có những căn nhà xây rất tốn kém, nhưng khi đặt bên cạnh một căn nhà truyền thống dù chỉ là nhà trình tường cũng thua kém cả về công năng sử dụng và cả những yếu tố kỹ thuật như lấy ánh sáng, gió trời… Thực tế là với cùng kinh phí đó, có thể kết hợp được yếu tố hiện đại và truyền thống để xây dựng một căn nhà tiện nghi, hài hòa với không gian bản làng.

Kiến trúc nông thôn vùng cao Lào Cai cũng như nhiều vùng nông thôn trên cả nước đang có những đổi thay do tình trạng xây dựng nhếch nhác, lộn xộn, không theo thiết kế, quy hoạch rõ ràng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Ở các thôn, bản, ông bà, bố mẹ có đất đai rộng, khi các con lớn lên lập gia đình sẽ chia nhỏ đất cho con ra ở riêng nên cấu trúc nhà vườn, chuồng trại dần bị xóa bỏ. Hoặc ở những khu vực giáp ranh đô thị, khu vực du lịch, kinh tế phát triển, nhiều người từ nơi khác đến mua đất của bà con để xây nhà nghỉ, trang trại, gây ra những xáo trộn trong mật độ xây dựng.

Căn nhà truyền thống của người Mông ở Tả Van Chư mang đến cảm giác thanh bình ở vùng cao nơi đây.

Căn nhà truyền thống của người Mông ở Tả Van Chư mang đến cảm giác thanh bình ở vùng cao nơi đây.

Những năm gần đây, khu vực trung tâm các xã cũng được chính quyền địa phương đẩy mạnh san tạo mặt bằng tạo quỹ đất đấu giá thu ngân sách, đây hầu hết là những dự án chia lô như ở phố, không khác gì đô thị. Dù đã có những quy định chặt chẽ về xây dựng nhà ở khu vực nông thôn, tuy nhiên, chủ yếu cơ quan Nhà nước chỉ tập trung quản lý việc xây dựng nhà có phù hợp với quy hoạch không, còn việc thiết kế ra sao thì gần như vẫn bỏ ngỏ.

Dù xây dựng cầu kỳ và tốn kém nhưng công năng sử dụng của những căn nhà này vẫn thua kém những căn nhà truyền thống.

Dù xây dựng cầu kỳ và tốn kém nhưng công năng sử dụng của những căn nhà này vẫn thua kém những căn nhà truyền thống.

Bảo tồn kiến trúc, cảnh quan nông thôn là việc khó nhưng không phải là không có giải pháp và đây phải được coi là nhiệm vụ của mọi người dân chứ không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước. Kinh nghiệm trong việc bảo tồn, giữ gìn nếp nhà sàn truyền thống ở xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) có thể là một minh chứng thành công. Trong những năm qua, xã Nghĩa Đô đã vận động đồng bào Tày giữ gìn kiến trúc nhà sàn truyền thống bằng vật liệu thân thiện với môi trường, lợp lá cọ. Đồng thời, xây nhà văn hóa thôn theo mẫu thiết kế chung bằng vật liệu bền vững nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc truyền thống nhà sàn của dân tộc Tày. Trong quản lý xây dựng nhà ở, nhất là ở những thôn đã được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vận động người dân thực hiện quy ước cộng đồng là không xây dựng nhà ở có kiến trúc không phải nhà sàn.

Hoặc như tại xã Y Tý, để hài hòa phát triển đô thị du lịch và bảo tồn kiến trúc, cảnh quan, bản sắc văn hóa, huyện Bát Xát đã quy hoạch thành các phân khu. Trong đó, phân khu Y Tý Ngàn Năm - Y Tý bản địa nằm ở phía tây đô thị du lịch Y Tý với địa hình thấp nhất, là khu vực gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc của các dân tộc ở Y Tý, đặc biệt là người Hà Nhì. Đây cũng là nơi diễn ra những sự kiện và lễ hội đặc sắc nhằm tôn vinh tín ngưỡng dân gian và các giá trị của những khu làng bản hiện hữu.
Rõ ràng, việc xây dựng kiến trúc, cảnh quan nông thôn vừa đáp ứng yêu cầu phát triển, vừa kế thừa các giá trị truyền thống là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ban, ngành với chủ thể là người dân nông thôn.

Nội dung: Mạnh Dũng

Trình bày: Ngọc Luyến

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359902-lam-gi-de-giu-kien-truc-canh-quan-nong-thon