Làm gì để hóa giải 'nút thắt cổ chai' đầu ra ở ngành hàng thiết yếu?

Khi quyết định mua hàng của người tiêu dùng trong nước ngày càng trở nên phức tạp hơn thì đầu ra của các doanh nghiệp ở ngành hàng thiết yếu đang gặp phải tình trạng 'nút thắt cổ chai' không chỉ ở vấn đề sản phẩm, quản trị mà ở cả việc bán hàng. Để hóa giải chuyện này, ngoài những đợt khuyến mãi tập trung nhằm cải thiện doanh số, rất cần những giải pháp khả dĩ hơn nữa.

Trong tháng 6 này ở Tp.HCM đang diễn ra đợt khuyến mãi tập trung và kéo dài cho đến tháng 9/2024 dành cho đợt mua sắm mùa hè, rồi từ tháng 11 đến tháng 12/2024 sẽ tổ chức đợt khuyến mãi dành cho mùa sắm mùa cuối năm. Các hoạt động này nhằm đẩy mạnh khuyến mãi hàng thiết yếu (với hạn mức tối đa về giá trị của sản phẩm dùng để khuyến mại lên đến 100%) trong bối cảnh nhiều DN ở lĩnh vực này tăng trưởng thấp, thậm chí không có lợi nhuận.

Quyết định mua hàng trở nên phức tạp hơn

Thực ra, khi sức cầu thị trường lẫn niềm tin của người tiêu dùng chậm cải thiện, nếu không tham gia khuyến mãi thì các DN trong ngành hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ khó đạt doanh số. Một số DN trong ngành hàng này cho biết, sức mua thị trường vẫn còn rất thấp nên ngoài việc phối hợp cùng các hệ thống bán lẻ khuyến mãi giảm giá để kích cầu thì họ vẫn mong muốn tìm kiếm thêm những giải pháp khả dĩ khác.

Quá trình ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng Việt ngàycàng trở nên phức tạp hơn làmột thách thức với các DN ở ngành hàng tiêu dùng thiết yếu.

Tuy vậy, ngoài động tác khuyến mãi tập trung như vậy, việc kéo các DN trong ngành hàng thiết yếu ở Tp.HCM thoát khỏi khó khăn về đầu ra - được ví như vướng vào “nút thắt cổ chai”, đang cần thêm những chiến lược khác từ bản thân DN và các cơ quan quản lý.

Nhất là trước xu hướng kinh tế mùa hè 2024 đầy biến động này, người tiêu dùng Việt đang thể hiện những chiến lược chi tiêu đa dạng để đối phó với giá cả hàng tiêu dùng tăng cao. Và các DN kinh doanh mặt hàng thiết yếu phải chú tâm vấn đề này.

Như lưu ý trong báo cáo mới đây về “Marketing mùa hè 2024” của Pmax và Buzzmetrics, trong quý đầu của năm nay, xu hướng mua sắm số lượng lớn mặt hàng thiết yếu để tiết kiệm chi phí (uptrading) chiếm ưu thế. Tuy nhiên, đến quý 2/2024, lại có những dấu hiệu chuyển hướng sang các lựa chọn giá rẻ hơn (downtrading), và có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến nửa cuối năm nay.

“Ngay cả khi lạm phát giảm, người tiêu dùng vẫn cắt giảm lượng hàng hóa mua vào. Điều này cho thấy quá trình ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam trở nên phức tạp hơn khi thích ứng với môi trường kinh tế thay đổi”, báo cáo nêu trên chỉ rõ.

Cũng theo báo cáo của Pmax và Buzzmetrics, các mặt hàng thiết yếu vẫn là ưu tiên hàng đầu trong danh sách chi tiêu. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng người tiêu dùng không hoàn toàn đóng chặt hầu bao. Họ vẫn sẵn sàng chi tiền, nhưng chi tiêu của họ hướng đến giá trị. Điều này tạo ra cơ hội độc đáo cho các thương hiệu vượt qua giai đoạn khó khăn và định vị để tăng trưởng trong xu hướng kinh tế mùa hè 2024.

Từ đó, giới chuyên gia nhấn mạnh “chìa khóa” nằm ở việc các DN ở ngành hàng thiết yếu là cần hiểu cách các phân khúc người tiêu dùng khác nhau đang điều chỉnh hành vi của họ và áp dụng các chiến lược phù hợp với những sự thay đổi này.

Còn đứng ở góc độ của một doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành hàng tiêu dùng, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP tập đoàn Kido, cho rằng việc giữ được kênh bán hàng bằng nhiều sản phẩm mới giúp DN có được đầu ra. Bởi lẽ, “nút thắt cổ chai” của kinh doanh ngành hàng thiết yếu đôi khi không phải là sản phẩm hay quản trị, mà chính là bán hàng.

Bí kíp” để lọt mắt xanh người mua

Cũng nên nhắc thêm, khảo sát gần đây của Công ty kiểm toán Deloitte với các nhà điều hành sản phẩm tiêu dùng thì thấy rằng, có đến 78% danh mục hàng tiêu dùng thiết yếu đang mất thị phần vào tay các nhãn hiệu riêng.

Ngoài ra, trong báo cáo triển vọng ngành hàng tiêu dùng năm 2024 của Deloitte cho thấy 64% nhà điều hành được khảo sát dự kiến sẽ có thêm người tiêu dùng thay thế sản phẩm đang dùng bằng mặt hàng rẻ hơn. Phần còn lại dự kiến con số như hiện tại và không ai mong đợi sự sụt giảm. Mặt khác, sẽ có thêm cuộc cạnh tranh của nhãn hiệu riêng hay thương hiệu riêng.

Song song đó, 64% nhà điều hành được khảo sát cho biết việc phát triển hoặc tăng cường các kênh bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng là ưu tiên chính của họ trong thời gian tới.

Một vấn đề được đặt ra để hóa giải “nút thắt cổ chai” ở ngành hàng thiết yếu là các DN cần có “bí kíp” gì để lọt vào mắt xanh của người tiêu dùng Việt trong lúc này.

Theo Ts. Hoàng Thị Ái Phương (Đại học RMIT), để tác động đến quyết định mua hàng, thay vì chỉ tập trung vào giảm giá hay quảng bá thương hiệu, các DN nên dự đoán định hướng thị trường chú trọng vào giá trị, chất lượng và tính khả dụng của sản phẩm.

Như lưu ý của bà Phương, trong những năm gần đây, sức mạnh đã dịch chuyển từ người bán sang người mua. Khách hàng sẽ mua những sản phẩm mà họ cần (theo nhu cầu thực tế), lúc họ muốn và theo cách họ thích (trực tiếp hay trực tuyến). Họ đều là những người tiêu dùng sáng suốt. Vì vậy, càng thấu hiểu người tiêu dùng, doanh số của các DN sẽ cải thiện.

Không chỉ vậy, giới chuyên gia có lời khuyên cho các DN trong ngành hàng tiêu dùng thiết yếu là cần tập trung khai thác tối đa kênh bán lẻ, tạo không gian nhằm gia tăng thị phần, vị thế, rút ngắn khoảng cách so với các đối thủ. Bên cạnh đó, họ nên đẩy mạnh khai thác thị trường tại từng khu vực thông qua tìm hiểu đặc thù, thế mạnh, địa lý, logistics…nhằm thiết kế kế hoạch vận hành phù hợp.

Mặt khác, các DN cũng nên nhấn mạnh vào giá trị và chất lượng của sản phẩm, phù hợp với sự chuyển hướng của người tiêu dùng với các sản phẩm thiết yếu. Nhất là cần nắm bắt sự ưa chuộng ngày càng tăng đối với thương mại điện tử, từ đó cải thiện trải nghiệm mua sắm trực tuyến, lấy giao diện thân thiện với người dùng và dịch vụ hiệu quả làm trọng tâm.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lam-gi-de-hoa-giai-nut-that-co-chai-dau-ra-o-nganh-hang-thiet-yeu-1100550.html