Làm gì để người tiêu dùng sẵn sàng xanh hóa

Nền kinh tế không thể tăng trưởng xanh nếu không có sự tham gia của tiêu dùng xanh và hiện TP.HCM vừa kêu gọi, vận động, truyền thông cho tiêu dùng xanh vừa tính tới những biện pháp cụ thể để kích cầu tiêu dùng xanh.

Ở bài 1 của loạt bài “TP.HCM thực hiện tăng trưởng xanh từ nhiều phía”, VOV đã đề cập thực hiện sản xuất xanh, tăng trưởng xanh là điều kiện sống còn đối với các doanh nghiệp hiện nay. Còn tăng trưởng xanh từ phía người tiêu dùng thì sao? Thực tế, nền kinh tế không thể tăng trưởng xanh nếu không có sự tham gia của tiêu dùng xanh và hiện TP.HCM vừa kêu gọi, vận động, truyền thông cho tiêu dùng xanh vừa tính tới những biện pháp cụ thể để kích cầu tiêu dùng xanh.

Tiêu dùng xanh trong điều kiện khó khăn

Chuyển đổi xanh trong sản xuất đòi hỏi phải đầu tư nên giá thành sản phẩm xanh khi đưa ra thị trường hiện cao hơn, đòi hỏi người tiêu dùng phải chấp nhận thì doanh nghiệp mới có thể xanh hóa nhanh và hiệu quả được. Tuy nhiên, phần đông người tiêu dùng nội địa vẫn chưa sẵn sàng với việc này.

Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, công ty đã có 22 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu nông sản. Đến nay, thị trường xuất khẩu rất thuận lợi nhưng thị trường nội địa thì vẫn đang vật lộn, phải làm sao truyền thông để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phát triển bền vững, an toàn. Vì nếu chỉ cạnh tranh về giá thì doanh nghiệp đầu tư sâu cho phát triển bền vững không có cơ hội. Trên thế giới, 50% người tiêu dùng đã quan tâm đến phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, nhà sản xuất, các yếu tố đầu tư chế biến sâu chứ không đồng hóa với sản phẩm rẻ. Người tiêu dùng Việt Nam cũng phải từng bước hướng đến điều này.

Người tiêu dùng nội địa cần chấp nhận chi phí thêm cho các sản phẩm xanh

Người tiêu dùng nội địa cần chấp nhận chi phí thêm cho các sản phẩm xanh

Ông Thông đề xuất: "Các siêu thị cũng nên lựa chọn sản phẩm tốt, chế biến sâu, thương hiệu tốt để đưa lên kệ. Chứ hiện nay đưa đồng hết lên kệ, nhà chế biến sâu cũng như không chế biến sâu cùng bán thì sẽ không công bằng và không ai muốn đầu tư hàng nội địa".

Hiện nay, trong điều kiện kinh tế khó khăn, đời sống nhiều gia đình bị ảnh hưởng, việc tiêu thụ sản phẩm xanh với giá thành cao hơn lại càng khó. Người tiêu dùng nhìn chung đang có sự phân hóa thành hai nhóm: nhóm có điều kiện, thu nhập cao, tìm kiếm sản phẩm có lợi cho sức khỏe và nhóm có thu nhập thấp, bị ảnh hưởng, tìm cách thắt chặt chi tiêu.

Bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao của Kantar Việt Nam - doanh nghiệp chuyên về nghiên cứu thị trường, cho rằng, doanh nghiệp phải vừa thỏa mãn nhu cầu các nhóm người dùng vừa phải cho ra sản phẩm xanh.

Sản phẩm dệt may xanh tiếp cận người tiêu dùng bằng nhiều cách

Sản phẩm dệt may xanh tiếp cận người tiêu dùng bằng nhiều cách

Theo bà Nga: "Cái mà người ta cần đó là sự rõ ràng về thông tin, để tin sản phẩm mua là thật sự xanh. Còn khi không nhận được những thông tin rõ ràng, minh bạch, chính xác thì họ sẽ không sẵn sàng trả tiền. Bởi dù họ không bị ảnh hưởng về thu nhập, nhưng khi môi trường xung quanh có nhiều người bị ảnh hưởng, họ cũng có sự lo lắng nhất định".

Truyền thông cho tiêu dùng xanh

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, những người tiêu dùng rất bình dân thì chỉ chú ý tới giá cả. Nhưng những người tiêu dùng còn lại khi thực hiện quyền lựa chọn hàng hóa, dù trong mức tối thiểu, bắt đầu quan tâm đến các tiêu chuẩn mới. Do đó, các nhà sản xuất đều bắt buộc thực hiện các tiêu chuẩn xanh, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm bù lại bằng tính năng vượt trội phù hợp với xu hướng tiêu dùng.

"Truyền thông phải thuyết phục được người tiêu dùng có thể chấp nhận giá tăng 5-10% mà sản phẩm đảm bảo sức khỏe, môi trường. Đồng thời, doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí và chắc chắn là phải có sự hỗ trợ từ chính phủ. Nước nào trên thế giới khi đi vào kinh tế xanh đều có sự hỗ trợ của chính phủ cho doanh nghiệp, cho tiêu dùng" - bà Hạnh nhấn mạnh.

Cần truyền thông để người tiêu dùng hiểu và ủng hộ doanh nghiệp sản xuất xanh

Cần truyền thông để người tiêu dùng hiểu và ủng hộ doanh nghiệp sản xuất xanh

Hiện nay, ngoài các yếu tố giá cả, chất lượng, dễ mua hay không thì xuất hiện yếu tố mới chi phối nhiều người tiêu dùng trẻ là sản phẩm đó có tốt cho môi trường hay không, có chú ý tới sức khỏa của người tiêu dùng hay không. Càng ngày nhà sản xuất càng phải biết rõ điều này để đáp ứng. Đồng thời phải truyền thông để người tiêu dùng hiểu được các tiêu chuẩn xanh cân bằng với giá thành sản phẩm, ủng hộ doanh nghiệp đưa sản phẩm xanh ra tiêu dùng

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, đã tăng trưởng xanh thì sản phẩm xanh phải bắt đầu từ công nghệ, khoa học, nghiên cứu sáng tạo. Để tạo ra những sản phẩm như vậy là phải có hàm lượng chất xám cao, giá thành cao. Giá thành cao mà xã hội không dùng thì sản phẩm đó không phát triển được, doanh nghiệp không sản xuất được… trở thành một vòng lẩn quẩn.

Do đó, để người dân tin, đề tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển xanh thì tiêu dùng của nhà nước phải tiên phong đi đầu, dẫn đắt, mở đường, định hướng cho tiêu dùng xã hội. Chính quyền phải lựa chọn, chấp nhận tăng chi phí tiêu dùng để tạo ra thị trường sản phẩm xanh, kích thích nền kinh tế tăng trưởng xanh.

Lãnh đạo TP.HCM dành nhiều sự quan tâm cho các sản phẩm từ kinh tế tuần hoàn (Ảnh: NQ)

Lãnh đạo TP.HCM dành nhiều sự quan tâm cho các sản phẩm từ kinh tế tuần hoàn (Ảnh: NQ)

Theo ông Võ Văn Hoàn: "Đối với người dân, tiêu dùng có trách nhiệm là điều rất quan trọng. Trước hết là tiêu dùng đủ, tiết kiệm, biết lựa chọn. Chúng ta phải biết tiêu dùng xanh, chịu tốn kém một chút để lựa chọn những sản phẩm đạt chuẩn, có chất lượng chứ đừng dùng những sản phẩm không tốt cho môi trường. Chúng ta tham gia tích cực thực hiện tái tạo môi trường như trồng cây, vệ sinh môi trường, xử lý rác…".

Trước thực tế này, TP.HCM xác định phải vừa nâng cao nhận thức của người dân về tiêu dùng có trách nhiệm, tiêu dùng xanh vừa tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất xanh bằng cách trợ vốn, kích cầu, lấy tiêu dùng nhà nước để dẫn dắt tiêu dùng xã hội.

Bài 1: Doanh nghiệp phải xanh hóa để sống còn

Minh Hạnh- Nguyễn Quang- Lệ Hằng/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/lam-gi-de-nguoi-tieu-dung-san-sang-xanh-hoa-post1058903.vov