Làm gì để phòng tránh sốc nhiệt khi thời tiết nắng nóng?
Nắng nóng khiến nguy cơ sốc nhiệt tăng cao, đặc biệt là ở trẻ em, người lớn tuổi, người có sẵn bệnh nền hay người làm việc, hoạt động ngoài trời nhiều.
Thời tiết những ngày vào hè đang trở nên nắng nóng trên phạm vi lớn, cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt với người dân. Theo chuyên gia, dấu hiệu thường gặp khi sốc nhiệt là nhức đầu, vã nhiều mồ hôi, mặt đỏ gay, lừ đừ, mệt, khó thở, có khi bị chuột rút, đau bụng, nôn mửa, người bứt rứt.
Nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể hoa mắt, chóng mặt, sốt cao 40 độ C đến 41 độ C, mạch nhanh, sắc mặt chuyển qua tái nhợt. Trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ ngất xỉu, mê sảng, co giật, hôn mê, trụy mạch và dễ tử vong.
Để hạn chế sốc nhiệt trong ngày hè, trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, các bệnh mãn tính cần hạn chế ra ngoài đường.
Nếu bắt buộc phải đi ra đường khi trời nắng, nóng, phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo mỏng bằng vải cotton, đeo kính râm và khẩu trang để chống nắng, nóng.
Đặc biệt, khi mới ở ngoài trời nắng về không nên bật điều hòa quá lạnh hoặc tắm nước lạnh ngay. Nên nghỉ ngơi 13-15 phút để cơ thể điều chỉnh lại thân nhiệt ổn định, bớt mồ hôi.
Với người buộc phải lao động nhiều giờ ngoài trời, ngoài những chuẩn bị trên nên chủ động uống nước để bù lại lượng nước, muối đã mất qua mồ hôi. Hạn chế uống cà phê, rượu trước và trong khi làm việc, tránh gia tăng khả năng mất nước.
Những người đã từng bị sốc nhiệt cần luôn mang theo một lọ muối hoặc đường để pha nước uống khi có dấu hiệu thiếu nước, sốc nhiệt.
Nếu có những dấu hiệu như chóng mặt, yếu ớt, lo lắng, khát nước dữ dội và đau đầu trong thời tiết nắng nóng, tốt nhất bạn nên di chuyển đến nơi mát mẻ càng sớm càng tốt và đo nhiệt độ cơ thể. Sau đó, nên uống một ít nước hoặc nước ép trái cây để bù nước.
Nghỉ ngơi ngay lập tức ở nơi mát mẻ nếu bạn bị co thắt cơ gây đau (đặc biệt là ở chân, tay hoặc bụng) và uống dung dịch bù nước có chứa chất điện giải và cần tới cơ sở y tế nếu chuột rút do nhiệt kéo dài hơn 1 giờ.
Chuyên gia khuyên rằng nếu cảm thấy các triệu chứng bất thường hoặc nếu các triệu chứng vẫn tồn tại nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Nếu một người có triệu chứng mất nước như da khô, nóng và mê sảng, co giật và/hoặc bất tỉnh, người bên cạnh cần gọi bác sĩ hoặc xe cứu thương ngay lập tức.
Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ, hãy di chuyển bệnh nhân đến nơi mát mẻ, đặt họ ở tư thế nằm ngang và nâng cao chân và hông, cởi bỏ quần áo và bắt đầu làm mát từ bên ngoài.
Có thể đặt túi làm mát, khăn nhúng nước mát vào vùng cổ, nách và háng, dùng quạt mát để giảm nhiệt độ cơ thể, phun nước lên da ở nhiệt độ 25 - 30 °C. Sau đó tiến hành đo nhiệt độ cơ thể cho bệnh nhân.