Làm gì để sản phẩm từ tài nguyên bản địa xuất khẩu hiệu quả cao vào thị trường ngách?

Đây là trăn trở chung của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm dựa trên tài nguyên bản địa của Việt Nam, khi mà lợi thế vượt trội của xuất khẩu vào thị trường ngách có thể mang lại hàng tỷ USD cho họ. Điều quan trọng vẫn cần là thể hiện rõ câu chuyện, có bản sắc riêng về sản phẩm bản địa, chú trọng quảng bá, hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng quốc tế, đầu tư nghiêm túc cho việc nâng cao quy mô sản xuất…

Nói về việc mở rộng thị trường cho các sản phẩm dựa trên tài nguyên bản địa của Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Vinamit, nhấn mạnh việc tìm ra thị trường ngách để xuất khẩu (XK) là hết sức đáng giá giữa bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, đầu ra sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) còn đầy thách thức.

thể thu về hàng tỷ USD

Để tăng hiệu quả cho đầu ra sản phẩm bản địa thông qua XK vào thị trường ngách, như chia sẻ của ông Viên, đây là thời điểm mà các ông chủ DN phải xuất hiện để thể hiện rõ câu chuyện về sản phẩm của mình. Bởi lẽ, người tiêu dùng quốc tế đã thay đổi, họ muốn gặp người chủ bán sản phẩm và muốn được nghe kể câu chuyện về sản phẩm mà DN đã làm chứ không phải siêu thị hay người bán hàng.

Các sản phẩm dựa trên tài nguyên bản địa của Việt Nam cần được quảng bá rộng rãi và tìm ra được thị trường ngách tiềm năng để khai thác xuất khẩu hiệu quả hơn.

Các sản phẩm dựa trên tài nguyên bản địa của Việt Nam cần được quảng bá rộng rãi và tìm ra được thị trường ngách tiềm năng để khai thác xuất khẩu hiệu quả hơn.

“Trước Covid-19 tôi không mấy khi xuất hiện, nhưng bây giờ tôi phải xuất hiện, phải trực tiếp kể câu chuyện về sản phẩm của mình với khách hàng. Đó là điều mà các doanh nông trẻ có thể nắm bắt và họ cho thấy nắm bắt tốt và làm tốt hơn thế hệ cũ chúng tôi”, ông Viên nói.

Song song đó, vị chủ tịch của Vinamit lưu ý khi đã tìm ra một thị trường ngách tiềm năng để khai thác XK thì đòi hỏi các DN cũng phải nhanh chóng chuyển đổi, thích ứng để bắt kịp các xu hướng thời đại, đó là chuyển đổi số, là trí tuệ nhân tạo (AI).

Thực tế cho thấy thị trường ngách có thể mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho các DN khi XK những sản phẩm bản địa. Như với việc XK đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vào thị trường EU, theo ông Patrick Mui, Giám đốc tư vấn điều hành Centdegrés Việt Nam, với những mặt hàng càng có nét bản địa, bản sắc riêng thì các DN vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ chinh phục được một số đối tượng khách hàng nhất định và càng có nhiều thị trường ngách hơn.

Để thâm nhập vào thị trường ngách của EU thực ra không quá khó cho bản thân các DN sản xuất sản phẩm từ tài nguyên bản địa. Bởi vì thị trường này không đánh mạnh về sản lượng như những tập đoàn phân phối lớn ở Mỹ. Điều quan trọng là các DN cần đầu tư nghiêm túc cho việc nâng cao quy mô sản xuất của mình, cũng như học hỏi về xu hướng phát triển của thị trường ngách tại EU để đưa ra những sản phẩm thật sự phù hợp.

Xét về dư địa XK mặt hàng thủ công mỹ nghệ (một dạng đặc trưng của sản phẩm từ tài nguyên bản địa), giới chuyên gia kỳ vọng với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) 10%/năm thì quy mô thị trường thủ công mỹ nghệ trên toàn cầu đến năm 2028 sẽ đạt khoảng 1.296,6 tỷ USD. Với con số “khủng” được dự kiến như vậy sẽ là cơ hội lớn cho các DN ở lĩnh vực này có thể mở rộng thị trường mới trong thời gian tới để có thu về kim ngạch hàng tỷ USD cho Việt Nam.

Sẵn sàng trả mức giá cao cho “câu chuyện” sản phẩm

Và trước mắt, để thu hút một lượng lớn người tiêu dùng quốc tế cho mặt hàng này, đòi hỏi các DN Việt cần có một chiến lược quảng bá, tiếp thị tốt hơn, trong đó chú trọng quảng bá trên nền tảng mạng xã hội, cũng như mở rộng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) có tính toàn cầu.

Không chỉ vậy, mạng xã hội cũng giúp các DN Việt chuyên sản xuất các sản phẩm từ nguyên bản địa kết nối trực tiếp với người tiêu dùng mục tiêu trở nên thuận tiện hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng thị trường ngách trên khắp các quốc gia.

Đứng ở góc độ của một nhà điều hành một sàn TMĐT hàng đầu trong nước, ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh sàn Tiki, cho biết tính nổi bật của nguồn tài nguyên bản địa là yếu tố đứng đầu trong ba yếu tố mang đến thành công của sản phẩm Việt trên sàn Tiki. Yếu tố thứ hai là bao bì đẹp, chứng nhận chất lượng đầy đủ. Còn yếu tố thứ ba là năng lực bán hàng và chất lượng vận hành.

Nói thêm về triển vọng cho XK sản phẩm từ tài nguyên bản địa, ông Daniel Nguyễn Hoài Tiến (một Việt kiều Mỹ khởi nghiệp với nông sản bản địa ở Việt Nam trong nhiều năm nay) - Giám đốc sáng lập của Công ty TNHH Sông Cái Distillery, khẳng định các sản phẩm bản địa đang là thị trường ngách mà các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Italia…cực kỳ ưa chuộng.

Tuy vậy, không phải DN Việt nào cũng hiểu rõ được điều này, chẳng hạn như với sản phẩm rượu thuốc. Theo ông Daniel, người nước ngoài cũng có truyền thống lâu đời trong việc tiêu thụ các dòng sản phẩm rượu thuốc. Thế nhưng do chúng ta chưa biết đến thị hiếu của người nước ngoài, cũng như chưa đánh giá đúng các giá trị và các kiến thức bản địa của chính chúng ta, vì thế đã vô tình bỏ phí một thị trường ngách đầy tiềm năng này.

Vị giám đốc này cho biết, đã từng xây dựng chuỗi sản phẩm nông sản bản địa ở Việt Nam, khi bán ở thị trường Mỹ đắt gấp 8 lần so với sản phẩm cùng loại ở thị trường. Và người tiêu dùng Mỹ vẫn chấp nhận mua vì biết đằng sau đó là câu chuyện của giống, của sản xuất, vùng nguyên liệu, chỉ dẫn địa lý, yếu tố văn hóa, con người...Và họ sẵn sàng trả mức giá cao để sở hữu.

Cho nên, như chia sẻ của ông Daniel, khi làm việc với bà con ở nông thôn phải nâng cao bản sắc văn hóa của họ, không chỉ đến lấy sản phẩm bản địa của họ để đem bán mà còn phải mang đến giá trị gì cho bà con nông thôn. Tất cả những cái đó khiến cho sản phẩm bản địa của Việt Nam có tính cạnh tranh và khác biệt được trên thị trường.

“Bản thân công ty của chúng tôi đã nghiên cứu rất sâu cách ứng dụng nghệ thuật truyền thống Việt Nam vào hiện đại. Ví dụ như tranh Hàng Trống, đơn vị thiết kế đã đưa cốt lõi dân tộc vào trong bao bì của sản phẩm. Vì thế công chúng phản hồi rất tốt, từ khách trong nước cho đến quốc tế”, vị giám đốc của Sông Cái Distillery chia sẻ.

Tựu trung lại, đây là lúc mà các DN chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm dựa trên tài nguyên bản địa của Việt Nam cần tập trung chú tâm nhiều hơn nữa đến thị trường ngách, hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng quốc tế, để vừa giúp thoát khó, vừa đưa sản vật bản địa vươn xa, có thể mang về hàng tỷ USD trong thời gian tới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lam-gi-de-san-pham-tu-tai-nguyen-ban-dia-xuat-khau-hieu-qua-cao-vao-thi-truong-ngach-1096695.html