Làm giàu từ cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su

Hơn 5 năm nay, cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su của chị Lê Thị Phi ở thôn Tân Hải, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa được biết đến là địa chỉ tin cậy trong việc góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm của người dân địa phương. Nhờ vậy, nhiều diện tích cao su ở xã vẫn được duy trì và phát triển tốt, giúp cho người dân nơi đây có thu nhập khá, có điều kiện sống tốt hơn.

 Cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su của chị Phi góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương

Cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su của chị Phi góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương

Năm 2009, vợ chồng chị Phi rời xã Hải Quy, huyện Hải Lăng và chọn A Dơi làm quê hương thứ 2 của mình. Thời gian đầu, gia đình chị mua 1 ha cà phê để chăm sóc và thu hoạch. Nhận thấy A Dơi là vùng đất phù hợp phát triển cây cao su nên vợ chồng chị mua thêm 2 ha đất và chuyển đổi 1 ha cà phê để trồng cây cao su. Tuy nhiên, diện tích cao su ở xã ngày càng tăng (hiện hơn 436 ha) nhưng đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh. Qua tìm hiểu thị trường và các đầu mối lớn thu mua mủ cao su trong tỉnh, hơn 5 năm trước chị Phi quyết định mở cơ sở thu mua và sơ chế mủ cao su. Từ khi có cơ sở của chị đến nay, người dân trong xã rất yên tâm về đầu ra của sản phẩm mủ cao su. Gần 2 năm nay, để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, chị đầu tư máy cán, lạng, ép cao su với kinh phí hơn 500 triệu đồng. Có công nghệ hiện đại nên việc sản xuất của gia đình chị thuận lợi hơn. Chị thu mua mủ cao su với giá luôn ngang bằng hoặc hơn giá thị trường, không có tình trạng ép giá nên lượng khách hàng đến bán mủ tại cơ sở của chị ngày càng đông.

Đa số khách hàng của chị Phi là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên nhiều lúc chị giúp người dân ứng trước tiền bán mủ mà không hề so đo, tính toán. Cơ sở của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/ người/tháng. Sau khi sơ chế thô, xuất bán mủ cao su, trừ chi phí mỗi năm gia đình chị lãi hơn 150 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập này, chị có điều kiện nuôi 2 người con học đại học. Chị Phi chia sẻ: “Nhận thấy việc thu mua mủ cao su nhỏ lẻ không mấy hiệu quả, thường xuyên bị tư thương ép giá, vì thế tôi quyết định mở cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su. Cơ sở của tôi trước hết giải quyết đầu ra cho sản phẩm cao su của gia đình, sau đó giúp người dân trong xã không còn lo thu hoạch mà không có người thu mua ổn định. Hiện sản phẩm của tôi xuất bán cho các đại lí lớn trong tỉnh nên chưa có khi nào bị tồn đọng. Quá trình làm ăn tôi gặp khó khăn về vốn, vì vậy tôi rất mong chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tạo điều kiện để tôi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh”.

Hiện nay, toàn xã A Dơi có 3 cơ sở thu mua và chế biến mủ cao su, trong đó có cơ sở của chị Phi. Các cơ sở này đã góp phần không nhỏ trong thúc đẩy kinh tế - xã hội ở xã vùng khó phát triển. Ông Hồ Xa Cách, Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết: “Từ khi lên xây dựng kinh tế mới ở xã A Dơi, chị Lê Thị Phi luôn nỗ lực vượt khó trong làm ăn. Đặc biệt, cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su đã giúp cho nhiều người dân địa phương yên tâm mở rộng diện tích cây cao su, vươn lên xóa đói giảm nghèo và xây dựng đời sống mới”.

Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=142764