Làm giàu từ mô hình vườn, ao, chuồng, rừng
Đó là ông Đinh Văn Tiến, người đồng bào dân tộc Hrê, ở xã Long Sơn (Minh Long). Tận dụng nguồn nước dồi dào từ đập chứa nước Biều Qua, từ năm 2008, ông Tiến cải tạo khu vườn quanh nhà để thả nuôi cá diêu hồng, với diện tích mặt ao trên 1.600m2. Nhờ thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ của thị trường, ông Tiến đã phát triển mô hình kinh tế bền vững. Mỗi năm, ông Tiến nuôi và xuất bán khoảng 4.000 con cá diêu hồng, cho thu nhập khá.
Tận dụng diện tích vườn rộng hơn 1ha, ông Tiến còn đầu tư trồng 500 cây cau; đồng thời nuôi thêm gà thịt, để lấy ngắn nuôi dài. Ngoài ra, ông Tiến còn đầu tư trồng 2ha keo xen cây ăn trái như mít Thái, sầu riêng, bưởi da xanh. Hiện nay, vườn cây của ông Tiến phát triển tốt, cho thu nhập khá.
"Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, từ mô hình vườn - ao - chuồng - rừng, gia đình tôi thu lãi trên 150 triệu đồng. Nhờ đó, tôi xây dựng nhà cửa, cho con ăn học và đảm bảo kinh tế gia đình", ông Tiến cho biết.