Làm mới vai trò dẫn dắt của báo chí

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nghiệp luôn cần vai trò dẫn dắt của báo chí.

Báo chí cần cởi mở hơn

Khi mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng, báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền. Theo ông, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí có gì khác trước?

Ông Hoàng Quang Phòng.

Ông Hoàng Quang Phòng.

Trong bối cảnh bùng nổ các kênh tương tác như hiện nay, giữa báo chí và doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh lại mối quan hệ. Cần có sự tương tác nhịp nhàng hơn, cởi mở hơn. Từ đó, nhà báo có nhiều thông tin sâu hơn, làm tốt vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận.

Tôi đã đọc Báo Giao thông điện tử và bản báo in trên các chuyến bay. Báo rất hiện đại, phản ánh chuyên sâu về các hoạt động của ngành GTVT. Dù vậy, tôi rất muốn thấy Báo Giao thông phát huy hơn nữa những gì đã làm được, góp phần quan trọng vào việc xây dựng hạ tầng giao thông của đất nước.

Ông Hoàng Quang Phòng

Doanh nghiệp luôn mong muốn được phản ánh trung thực về đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, môi trường kinh doanh, những thuận lợi, khó khăn; Định hướng việc cần làm, nên làm để phát triển. Báo chí cần thể hiện rõ vai trò là kênh kết nối nhanh nhất, trung thực nhất, giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định đúng đắn.

Theo ông, mức độ tác động của thông tin trên báo chí và thông tin trên mạng xã hội đối với doanh nghiệp có gì khác nhau?

Trước một "rừng" thông tin thì luôn có cái đúng, cái sai, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức khi tiếp nhận. Tuy nhiên, báo chí là kênh tương tác chính thống, được tin cậy nên càng phải thể hiện được trách nhiệm của mình.

Để trở thành một kênh cung cấp thông tin đúng, trúng như kỳ vọng của doanh nghiệp, thông tin báo chí đưa ra phải được kiểm chứng, chính xác. Song để cạnh tranh được với thông tin trên mạng xã hội, báo chí cần nhanh nhạy hơn.

Không thể thay thế

Trong bối cảnh hiện nay, báo chí cần thể hiện sự chia sẻ như thế nào với doanh nghiệp?

Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân luôn đặt niềm tin và rất cần báo chí phản ánh đúng những thực trạng của họ, nói lên tiếng nói của họ. Đó là những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, đề xuất bổ sung, sửa đổi chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ phát triển.

Một điều quan trọng khác là báo chí thực hiện được vai trò của mình trong việc góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, đưa thông tin về thị trường kịp thời, đầy đủ giúp các doanh nghiệp nắm bắt, phân tích, định hướng, quảng bá thương hiệu.

Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân luôn đặt niềm tin và rất cần báo chí phản ánh đúng những thực trạng của họ (ảnh minh họa).

Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân luôn đặt niềm tin và rất cần báo chí phản ánh đúng những thực trạng của họ (ảnh minh họa).

Không thiếu trường hợp báo chí bị doanh nghiệp lợi dụng hoặc báo chí thông tin thiếu chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Theo ông, làm thế nào để báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng không đánh mất mình?

Ở vai trò tạo ra và xử lý khủng hoảng truyền thông cho doanh nghiệp, không loại hình truyền thông nào có thể thay thế báo chí. Đôi khi, chỉ cần một dòng tin trên báo cũng có thể đẩy doanh nghiệp đến khủng hoảng.

Nói cách khác, thông tin chính xác là vấn đề sinh tử với doanh nghiệp. Thông tin tốt có thể giúp hồi sinh một doanh nghiệp, nhưng một tin xấu có thể đẩy họ xuống vực thẳm.

Thay vì bắt tay, thỏa hiệp, báo chí cần dũng cảm phê phán, chỉ ra cái sai của họ. Nhưng khi phê phán cũng cần khách quan, công tâm và cần có chữ tình.

Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, báo chí phải đổi mới, vai trò của nhà báo cần được nâng cao hơn nữa. Họ phải sát cánh cùng các chuyên gia, doanh nghiệp, phản ánh đầy đủ, toàn diện về các vấn đề của doanh nghiệp.

Sẵn sàng trả phí để đọc thứ chất lượng cao

Theo ông, nội dung các tác phẩm báo chí hiện nay đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ở mức nào? Nếu buộc phải trả phí để tiếp cận những sản phẩm chất lượng cao, ông nghĩ doanh nghiệp có sẵn sàng không?

Bất cứ lĩnh vực nào, muốn phát triển thì phải đầu tư nguồn lực, báo chí cũng không ngoại lệ. Rõ ràng người làm báo nếu không sống được bằng nghề, rất khó để họ dấn thân, tìm tòi sáng tạo.

Với doanh nghiệp, đương nhiên họ rất muốn tiếp cận các sản phẩm báo chí chất lượng cao, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của họ. Khi đã hài lòng, tôi nghĩ doanh nghiệp sẵn sàng trả phí.

Ông có cho rằng, báo chí cần sâu sát hơn với đời sống của doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng cần mở cửa rộng hơn để báo chí có thể thâm nhập vào những vấn đề thực tiễn của mình?

Đúng vậy. Nếu không sâu sát, báo chí rất khó nắm bắt được các vấn đề của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu doanh nghiệp không rộng cửa, chính doanh nghiệp có thể sẽ bất lợi vì đã không tạo điều kiện để báo chí nắm bắt, chuyển tải những mong muốn của mình.

Không phải đến bây giờ mà từ lâu, báo chí đã là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý. Qua đó, các chủ trương, đường lối, chính sách đối với doanh nghiệp được điều chỉnh ngày càng phù hợp hơn với thực tiễn, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.

Tôi rất mong, quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, góp phần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh.

Cảm ơn ông!

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lam-moi-vai-tro-dan-dat-cua-bao-chi-192240619182205797.htm