Làm nông nghiệp ở 'thành phố sân bay'
Huyện Long Thành đang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng ít đất nhưng hiệu quả kinh tế cao. Điều này phù hợp với thực tế đô thị hóa và định hướng trở thành thành phố sân bay. Đồng thời, góp phần duy trì sản xuất, tạo việc làm cho nhiều người dân.
Việc chuyển đổi cơ cấu, mô hình nông nghiệp theo tiêu chí đô thị tại H.Long Thành vừa là xu thế tất yếu trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày một giảm, vừa nhằm duy trì sản xuất nông nghiệp, đáp ứng hậu cần cho phát triển du lịch sinh thái, thương mại và công nghiệp.
* Từ nông nghiệp nông thôn sang nông nghiệp đô thị
Thực hiện Kế hoạch 56 ban hành năm 2021 của Huyện ủy Long Thành về đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu và mô hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có không ít mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị được hình thành.
Điển hình là mô hình của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp Vineco (thuộc Tập đoàn Masan). Được sự hỗ trợ tích cực của huyện, doanh nghiệp (DN) đã đầu tư trang trại quy mô 86ha tại xã Long Phước trồng rau, quả. Toàn bộ khu sản xuất được đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới và tưới tiết kiệm theo công nghệ của Israel. Đến nay, trang trại đã sản xuất hơn 40 loại rau, củ. Sản phẩm đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh.
Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, H.Long Thành có gần 7,3 ngàn ha đất nông nghiệp, chiếm khoảng 17% diện tích toàn huyện. Trong đó, các xã có quy hoạch đất nông nghiệp nhiều là: Bình An hơn 1,3 ngàn ha, Long Đức hơn 1 ngàn ha, Phước Bình hơn 900ha, Cẩm Đường hơn 900ha…
Còn tại xã Tân Hiệp, Công ty CP Việt Rau đầu tư trang trại quy mô 8ha trồng các loại rau ăn lá, gia vị, quả xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Theo chia sẻ của chủ trang trại, công ty đã bỏ ra gần 4 tỷ đồng làm hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quá trình sản xuất sử dụng phân bón và thuốc phòng bệnh sinh học. Sản phẩm đã có các chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Không chỉ các DN lớn, nhiều nông dân cũng chủ động liên kết, hợp tác cùng sản xuất nông nghiệp. Có thể kể đến mô hình cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp du lịch sinh thái vườn tại 2 xã Bình An và Bình Sơn; mô hình trồng nấm rơm kết hợp sản xuất rau mầm của HTX Nông nghiệp xanh tại xã Lộc An được Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN-PTNT) xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; mô hình nhân giống và trồng nấm mối đen tại xã Cẩm Đường…
Trưởng phòng Kinh tế H.Long Thành Lâm Văn Minh cho biết, thời gian qua, do quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng nên đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện giảm. Huyện đã và đang hướng dẫn chuyển dịch từ nông nghiệp nông thôn sang nông nghiệp đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất sạch nhằm đạt cả 3 mục tiêu: năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.
Theo Phòng Kinh tế H.Long Thành, đã có 2 DN sản xuất rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, có khoảng 15 DN, HTX, tổ hợp tác, trang trại và hộ dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đạt được chứng nhận VietGAP, an toàn thực phẩm… Ở lĩnh vực chăn nuôi, huyện có HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát đang hợp tác với hàng chục hộ nông dân trong và ngoài tỉnh nuôi gà công nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
* Đáp ứng cho du lịch, công nghiệp
Đến nay, các phân vùng phát triển đô thị của H.Long Thành đều có những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đô thị, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Theo Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Trần Văn Thân, tương lai phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện sẽ là nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp truyền thống. Đối với các mô hình chuyển đổi cơ cấu, các dự án nông nghiệp mới, huyện sẽ từng bước chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật về điện, thủy lợi, giao thông nội đồng vùng sản xuất. Hỗ trợ pháp lý để chủ thể tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, thực hiện các chứng nhận, chứng chỉ nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, vận động và hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tập trung phát triển các sản phẩm theo nhu cầu thị trường như: trồng hoa, cây cảnh và phát triển các sản phẩm chế biến từ nông sản.
Hạn chế hiện nay là công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch; việc tích tụ đất đai để quy hoạch dự án sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gặp nhiều khó khăn và không khả thi. Do vậy, Phòng Kinh tế, Hội Nông dân huyện khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất thực phẩm tươi sống đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị và chất lượng nông sản, hạn chế hao tổn sau thu hoạch.
Huyện cũng kiến nghị các sở, ngành tạo điều kiện về mặt pháp lý để chủ thể dự án nông nghiệp được xây dựng các hạ tầng thiết yếu: nhà màng, nhà lưới, khu vực sơ chế, chế biến; nhà chòi, khu vực ăn uống, nghỉ ngơi phục vụ khách tham quan vườn sinh thái. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm).