Lạm phát không đáng lo, nhưng không chủ quan
Theo chuyên gia, lạm phát không phải là vấn đề lớn và đáng lo với kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Tuy nhiên, Việt Nam cần theo dõi sát sao những diễn biến của kinh tế thế giới, để có biện pháp ứng phó kịp thời nếu có biến động. Đồng thời, cần điều tiết rổ hàng hóa liên quan tới dịch vụ y tế, thực phẩm, xây dựng nhà ở trong nước ổn định, để không ảnh hưởng tới người thu nhập thấp.

Tăng trưởng xuất khẩu giảm là nằm ngoài tầm kiểm soát. Ảnh tư liệu
Áp lực về lạm phát đang tương đối vừa phải
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng chỉ tăng 3,27%, trong giới hạn kiểm soát. Đánh giá về điều này, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, áp lực về lạm phát đang tương đối vừa phải. 6 tháng đầu năm, lạm phát chỉ khoảng 3,27%, trong khi so với mục tiêu lạm phát đã được Quốc hội điều chỉnh (tăng từ 4 - 4,5% lên 4,5 - 5%) thì mức lạm phát này là tương đối an toàn.
Trả lời câu hỏi liên quan tới tác động lạm phát do bất ổn ở khu vực Trung Đông, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho biết, xung đột ở khu vực Trung Đông có 2 tác động trực tiếp: tác động đến giá dầu và đường vận tài hàng hải đi qua vùng biển này. Tuy nhiên, tác động của cả hai yếu tố này đối với Việt Nam hiện tại đều chỉ ở mức rủi ro, chưa phải là tác động tiêu cực đáng kể.
Phân tích rõ hơn, ông Hùng cho biết, biến động giá dầu hiện vẫn đang ở ngưỡng tương đối chấp nhận được, chưa đến ngưỡng quá cao. Thêm vào đó, thời gian vừa qua, do kinh tế thế giới trầm lắng nên giá dầu giảm, nhu cầu về dầu không cao nên mặc dù có biến động về nguồn cung như vậy nhưng giá dầu thế giới vẫn đang ở ngưỡng vừa phải.
Cũng theo ông Hùng, biến động giá dầu có rủi ro là gây áp lực lên lạm phát. Nhưng đối với Việt Nam, giá xăng dầu có trợ cấp, nên tác động trực tiếp lên lạm phát còn có một “bước đệm” nữa là Quỹ Bình ổn xăng dầu. Bên cạnh đó, bản thân giá xăng trong nước đang điều chỉnh giảm và điều chỉnh rất vừa phải nên áp lực đối với lạm phát mặc dù có rủi ro nhưng không lớn.
Về rủi ro liên quan đến chuỗi cung ứng, đường vận tải hàng hải, ông Hùng cho biết, hiện nay giá vận tải hàng hóa đi lại giữa châu Á, châu Âu và Mỹ đã tăng. Nhưng xét trong bối cảnh của Việt Nam thì điều này nằm chung với rủi ro về thuế quan, tức là đều làm giảm tăng trưởng xuất khẩu. Rủi ro về nhu cầu xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu giảm là nằm ngoài tầm kiểm soát. Yếu tố này chỉ có thể kiểm soát bằng cách kích cầu nội địa để cân bằng lại sụt giảm của tăng trưởng xuất khẩu.
Đảm bảo ổn định vĩ mô
Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Quốc Việt - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, áp lực lạm phát trong nước chịu tác động từ nhiều yếu tố. Hiện giá dầu có nhiều báo cáo diễn biến trái ngược. Cũng có nhiều ý kiến lo ngại sản lượng dầu thế giới sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến chi phí giao thông tại Việt Nam (vốn đang có xu hướng ổn định và không ảnh hưởng đến CPI trong 5 tháng đầu năm). Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia về năng lượng đang quan ngại vấn đề Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu ròng năng lượng nói chung, trong đó có dầu thô. Nên nếu các yếu tố thị trường năng lượng bên ngoài biến động về lý thuyết sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Giá có thể không tăng mạnh, nhưng việc đứt gãy nguồn cung sẽ ảnh hưởng đến khả năng duy trì năng lượng đầu vào hoặc khi tạo ra tâm lý thiếu hụt tiêu dùng thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dân.
Chính sách tài khóa là bệ đỡ cho tăng trưởng
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, hiện không gian để chính sách tiền tệ có thể nới lỏng hơn nữa còn rất hẹp nên không gian dùng công cụ chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa không có nhiều. Do đó, trọng tâm chủ yếu sẽ đặt vào vai trò của chính sách tài khóa. Điều hành tỷ giá cần linh hoạt, đảm bảo cho nhu cầu về ngoại tệ phục vụ các hoạt động xuất, nhập khẩu và có sự chuẩn bị cho Việt Nam để đối phó với các mức thuế quan hoặc các cạnh tranh thương mại trong thời gian tới.
Ông cũng khẳng định, hiện tại, mức lạm phát trong 6 tháng đầu năm là an toàn so với mục tiêu mà Chính phủ nâng lên tới 4,5% và lạm phát không phải là vấn đề lớn và đáng lo với kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Tuy nhiên, vấn đề là các rổ hàng hóa liên quan đến dịch vụ y tế, thực phẩm, xây dựng nhà ở. Nếu tới đây có những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận thuế quan (nhất là những ngành hàng mà đầu vào xuất khẩu từ Trung Quốc - bị áp thuế tới 40%) hay các lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng do mở cửa thị trường trong nước, thì chính lao động mất/suy giảm thu nhập sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng.
Ngoài ra, việc thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng (cung tiền M2 và tăng trưởng tín dụng), cùng với áp lực chi thường xuyên và tăng đầu tư công sẽ làm rủi ro mất giá đồng Việt Nam tăng lên, rủi ro nợ xấu cũng tăng. Thêm vào đó, cán cân thanh toán xấu đi từ cuối năm 2024 khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang trong giới hạn rủi ro. Nếu như có những bất ổn toàn cầu kéo dài, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ khác tiếp tục gây áp lực chi phí đẩy, sẽ tạo áp lực lạm phát cuối năm.
Do đó, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, dù lạm phát không đáng lo nhưng Việt Nam cần theo dõi sát sao những diễn biến của kinh tế thế giới, để có biện pháp ứng phó kịp thời nếu có biến động. Đồng thời, điều quan trọng là sự điều tiết của Chính phủ về rổ hàng hóa liên quan tới dịch vụ y tế, thực phẩm, xây dựng nhà ở trong nước sao cho ổn định, tránh biến động sốc, để không ảnh hưởng tới người thu nhập thấp, lao động nghèo. Ông cũng cho rằng, cần tiết kiệm các nguồn chi thường xuyên để có dư địa tài khóa nếu có biến động lớn bên ngoài ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô hay gây áp lực lạm phát.
TS. Nguyễn Quốc Việt lưu ý: “Điều quan trọng là đảm bảo các dư địa tài khóa và tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ an sinh xã hội trong bối cảnh nếu có diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và trong nước, nhất là quan tâm hỗ trợ các nhóm yếu thế, hộ nghèo, người lao động bị mất hoặc suy giảm thu nhập do các biến động của nền kinh tế”.
Thêm khuyến nghị, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết, trước rủi ro áp lực lạm phát, nếu bất ổn ở Trung Đông khiến giá dầu tăng mạnh, chính sách tiền tệ nên duy trì ở mức nới lỏng hiện tại để có dư địa cho phản ứng chính sách khi môi trường vĩ mô có biến động.
“Hiện nay cả 2 chính sách đang đi rất đúng hướng khi đều nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng và sự phối hợp cần thể hiện qua hiệu quả thực hiện tốt hơn. Chính sách tiền tệ có thể tiếp tục duy trì ở mức chính sách nới lỏng hiện tại. Điều quan trọng là cần triển khai chính sách tài khóa sao cho có hiệu quả, hiệu lực, đúng tiến độ” - ông Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh.
Cho phép tỷ giá biến động linh hoạt có ý nghĩa quan trọng
Theo ông Paulo Medas - Trưởng đoàn tham vấn Điều IV của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho Việt Nam, chính sách tiền tệ có dư địa hạn chế hơn rất nhiều và nên kiên định tập trung vào neo giữ kì vọng lạm phát. Việc cho phép tỷ giá biến động linh hoạt sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi nền kinh tế điều chỉnh để thích ứng với cú sốc từ bên ngoài. Có thể cân nhắc nới lỏng tiền tệ ở mức độ nào đó trong trường hợp lãi suất toàn cầu giảm như dự kiến và lạm phát giảm.
Đồng thời, cần cảnh giác theo dõi và hành động khi phát sinh áp lực lạm phát, bao gồm cả trường hợp do các cú sốc bên ngoài gây ra. Những áp lực này càng làm nổi bật tầm quan trọng của việc hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực và vai trò neo an toàn của chính sách tiền tệ - trong đó bao gồm cả việc thay thế cơ chế chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bằng một khuôn khổ an toàn được cải tiến.