Lạm phát ở Đức đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 5

Giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất châu lục đã tăng đến 8,7% so với một năm trước vào tháng 5.

Tháng 5 này, lạm phát của Đức đạt mức cao nhất kỷ lục, cộng thêm sự cấp bách khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu phải rút hỗ trợ trong thời kỳ khủng hoảng, sau khi dữ liệu lạm phát từ Tây Ban Nha tương tự vượt quá kỳ vọng của các chuyên gia.

Số liệu lạm phát của Đức đang gia tăng áp lực lên các hộ gia đình và chính phủ nước này. Ảnh: Reuters.

Lạm phát hàng hóa tăng cao kỷ lục

Hôm qua (30/5), theo dữ liệu thống kê, giá tiêu dùng ở Đức đã tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 5, do giá năng lượng và thực phẩm đồng loạt tăng. Trước đó, hãng tin Bloomberg đã thăm dò ý kiến của các nhà phân tích, những người này dự đoán mức tăng 8,1%.

Tiết lộ này được đưa ra chỉ mười ngày trước khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhóm họp để tuyên bố hoàn thành việc mua tài sản quy mô lớn và xác nhận ý định tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ vào tháng Bảy. Một số nhà hoạch định chính sách thậm chí còn đề xuất tăng nửa điểm thay vì tăng 1/4 điểm mà hầu hết số đông đều ủng hộ.

Thị trường tiền tệ đang đặt cược vào 113 điểm cơ bản của việc tăng lãi suất vào cuối năm nay, tăng ba điểm cơ bản so với thứ Sáu. Trái phiếu Đức tiếp tục giảm, với lãi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm tăng 8 điểm cơ bản lên 1,05%.

Khi người dân bị lạm phát siết chặt, thì các chính phủ càng phải chịu áp lực gấp đôi, gấp ba lần. Đầu ngày thứ Hai (30/5), Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner tuyên bố cuộc chiến chống tăng giá hàng hóa là "ưu tiên cao", kêu gọi ngừng mở rộng chính sách tài khóa.

“Lạm phát là một rủi ro kinh tế rất lớn,” ông Lindner phát biểu trong một cuộc họp báo ở Berlin, Đức. "Chúng ta phải chiến đấu với nó để không có cuộc khủng hoảng kinh tế nào xảy ra và vòng xoáy lạm phát ăn sâu vào kinh tế."

Các nhà hoạch định chính sách của ECB, bao gồm cả Chủ tịch Christine Lagarde, cũng bày tỏ những lo ngại tương tự, lo ngại rằng tốc độ tăng giá cao liên tục có nguy cơ trở nên cố thủ và làm giảm tiêu thụ vào thời điểm ngành công nghiệp đang đối phó với các nút thắt nguồn cung và sự không chắc chắn về nguồn cung năng lượng do xung đột Nga - Ukraina.

Nhiều hộ gia đình chịu tổn thương kinh tế

Theo nhà kinh tế Friedrich Heinemann của Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế Châu Âu (ZEW), trong khi lạm phát gần đạt đến đỉnh điểm, thì việc siết chặt chi tiêu của các hộ gia đình vẫn chưa thực hiện được.

"Người tiêu dùng sẽ phải lên sẵn tinh thần cho việc giá cả hàng hóa tăng nhiều hơn vì nhiều nguyên liệu đầu vào vẫn khan hiếm và giá bán buôn tiếp tục tăng nhanh", ông chia sẻ: "Dữ liệu thị trường lao động vững chắc một cách đáng ngạc nhiên cũng cho thấy rằng vòng xoáy giá tiền lương có thể sớm tăng tốc."

Trong tháng 6, các quyết định của ECB sẽ được thông báo bởi các dự đoán kinh tế mới trước áp lực giá cả trong khu vực đồng euro nói chung vẫn tiếp tục duy trì mục tiêu 2% vào năm 2023 và 2024. Dữ liệu tháng 5 của khối tiền tệ 19 thành viên sẽ được công bố vào thứ Ba (1/6).

Bên cạnh đó, hôm qua (30/5) Tây Ban Nha báo cáo lạm phát tăng tốc bất ngờ lên mức kỷ lục 8,5%, bất chấp sự hỗ trợ của chính phủ như trợ cấp xăng dầu và tăng lương tối thiểu. Bỉ cũng thực hiện hàng loạt các giải pháp tương tự.

Tại Đức, hạ viện đã thông qua gói cứu trợ bao gồm tiền trả một lần, tiền bổ sung cho trẻ em và giảm giá điện. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chỉ ra rằng các biện pháp bổ sung có thể được thực hiện để bảo vệ các hộ gia đình và công ty nếu cần thiết.

Tiền lương ở Đức giảm 1,8% tính theo thực tế trong quý đầu tiên và trong khi công nhân trong ngành sắt thép đang yêu cầu mức tăng hơn 8%, họ khó có thể giành được mức tăng bù đắp hoàn toàn cho chi phí sinh hoạt đang tăng.

Lê Na (Theo Al Jazeera)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lam-phat-o-duc-dat-muc-cao-nhat-moi-thoi-dai-vao-thang-5-post197174.html