Làm rõ vấn đề trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, tại phiên họp tổ 7 chiều 2.11 Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Nguyên, Đắk Nông, Kon Tum, Long An tập trung trao đổi, góp ý Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến trốn đóng, chậm đóng BHXH.
Về nội dung cụ thể, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho biết, tính đến 30.6.2023, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 15.797 tỷ đồng, chiếm 3,3% số tiền phải thu.
Tiền chậm đóng BHXH tăng dần bình quần 10.000 tỷ đồng 1 năm, ba năm trở lại đây, việc chậm đóng BHXH chiếm 34% tổng số chậm, trốn đóng của các doanh nghiệp giai đoạn 2016-2021. Cả nước có 538 doanh nghiệp trốn đóng BHXH trên 10 năm; 4200 doanh nghiệp trốn đóng trên 5 năm. Nguyên nhân chậm đóng, trốn đóng là do nhận thức của một số doanh nghiệp chưa đầy đủ về việc thực hiện đóng nộp BHXH hàng tháng. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ dẫn đến việc đóng kéo dài.
Với hành vi trốn đóng, đại biểu cho rằng cần áp dụng các chế tài mạnh như truy thu đủ số tiền trốn đóng BHXH, phạt số tiền theo từng lần khi xảy ra hành vi trốn đóng hoặc tỷ lệ % số tiền trốn đóng bị phát hiện và tiền chậm nộp 0,03% mỗi ngày tính trên số tiền BHXH đã chiếm dụng, chậm đóng do trốn đóng BHXH.
Đại biểu đề xuất, trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần bổ sung các quy định ràng buộc trách nhiệm, bổ sung các chế tài, xử lý đối với các cơ quan khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH.
Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) cũng cho rằng, Khoản 2, điều 36 có quy định về hành vi trốn đóng BHXH. Tại Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP đã quy định rất rõ về các hành vi trốn đóng, gian lận BHXH. Đề nghị cơ quan soạn thảo nên rà soát các quy định tại Nghị quyết này bởi hành vi trốn đóng khác với chậm đóng.
Tại điều 37 về việc xử lý vi phạm trốn đóng, chậm đóng BHXH, cơ quan soạn thảo cũng cần thiết kế, xử lý hành vi trốn đóng nặng hơn chậm đóng; có biện pháp cưỡng chế phù hợp, đảm bảo tính răn đe.
Tại khoản 1, ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) đề nghị làm rõ tỷ lệ 0,03%/ngày là số tiền lãi do vi phạm chậm đóng, trốn đóng BHXH. Đại biểu đề nghị bổ sung từ “lãi” vào Dự thảo luật. Cụ thể: “1. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Điều 36 của Luật này, nếu hết thời hạn đóng BHXH bắt buộc mà không đóng thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãibằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH”.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bỏ nội dung tại khoản 4 đối với quy định: Người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH thì cơ quan BHXH có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. Vì việc chậm đóng BHXH của người sử dụng lao động nếu đặt trong mối quan hệ với người lao động thì sẽ là quan hệ dân sự (vi phạm thỏa thuận giữa các bên), nếu khởi kiện dân sự thì chủ thể thực hiện phải là người lao động (khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích cho bản thân) hoặc Tổ chức công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động. Việc khởi kiện dân sự hoàn toàn độc lập với xử lý hành chính, xử lý hình sự, việc dự thảo đang quy định theo hướng khởi kiện vụ án dân sự sau khi cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính là không phù hợp.