Làm sao để không sập bẫy 'viên kẹo đắng'
Chuyên gia về giới cho rằng sự phân biệt giới tính dù ở dạng thù địch hay nhân từ thì đều mang bản chất là 'những viên kẹo đắng'.
Làm sao để tránh rơi vào bẫy phân biệt giới tính, đang là câu hỏi được đặt ra sau những phản ứng thu hút nhiều sự quan tâm gần đây về một nội dung trong cuốn sách của một tác giả trẻ.
Câu nói trong cuốn sách vấp phải sự phản đối của nhiều bạn đọc và người dùng mạng xã hội, như sau: "Có thể nói, phụ nữ là món quà vô cùng tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho đàn ông".
Trên thực tế, những lời lẽ với nội dung tương tự vẫn thường được một số người nổi tiếng, nhãn hàng, quảng cáo sử dụng với hàm ý tôn vinh phụ nữ vào các ngày lễ kỷ niệm như 8/3 hay 20/10.
Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy định kiến giới có thể được ngụy tạo dưới vỏ bọc lấp lánh, khiến người nghe đôi khi khó phát hiện ra, thậm chí người nói thiếu nhạy cảm giới mà vô ý phát ngôn cũng không lường trước mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Đồng tình với sự bất bình của nhiều người, tiến sĩ Bùi Trân Phượng (nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa, chuyên gia giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen) bày tỏ: "Kể cả xuất phát từ thiện chí đi chăng nữa thì tác giả cũng không nên viết như vậy. Chúng ta có vô số cách diễn đạt khác để thể hiện tình yêu thương, sự trân trọng đối với người phụ nữ bên cạnh. Dù sao thì món quà cũng là vật vô tri vô giác, không có cảm xúc, ước mơ..., đơn giản được mua bán để làm vui lòng người nhận".
Mở rộng vấn đề, bà Phượng cho rằng câu nói "Phụ nữ như món quà" có nét tương đồng với câu "Con cái là tài sản của cha mẹ". Tuy khác nhau về mối quan hệ giữa các chủ thể (một bên là quan hệ nam nữ, một bên là quan hệ gia đình - PV), song chúng đều chứa đựng yếu tố vật hóa đằng sau vỏ bọc màu hồng.
Các danh từ "món quà", "tài sản"... không phù hợp để ám chỉ con người, càng không thể nhân danh yêu thương để biến một người thành vật thuộc quyền sở hữu cá nhân.
Dựa theo tính chất của những sự vật trên, tiến sĩ Phượng phân tích thêm: "Chúng là những thứ có thể mua bán được, đồng thời sinh ra để phục vụ nhu cầu của con người. Khi hết giá trị, chúng sẽ dễ dàng bị bỏ đi. Rõ ràng, phụ nữ hay con cái không thể như vậy, sao lại vật hóa họ?".
"Phụ nữ là con người mà không đối tượng nào có quyền năng ban phát họ cho bất kỳ ai", bà Phượng nhấn mạnh.
Chủ nghĩa phân biệt giới tính nhân từ
Trong câu chuyện đang gây nhiều chú ý trên mạng xã hội, vị tác giả trẻ đã phản hồi trên truyền thông trong nước là câu văn được “bóc” ra khỏi ý nghĩa của toàn đoạn, khiến nhiều người không hiểu được toàn cảnh câu chuyện:
“Trong đoạn văn, mình sử dụng từ ‘món quà’ để nói về những điều quý giá. Như là: ‘Em là món quà ông trời trao cho anh, vì vậy anh phải học cách trân trọng nó’ hay ‘Mẹ là món quà quý giá nhất mà con được thượng đế ban tặng’. Vì vậy, từ ‘món quà’ cũng là cách để những người xung quanh phải trân trọng người phụ nữ bên mình.
Mọi người có thể đọc tiếp ở trang sau của cuốn sách, mình luôn đề cao việc phụ nữ phải độc lập, tự chủ. Mình hoàn toàn không có ý xúc phạm, thiếu tôn trọng hay nặng nề hơn là đang coi thường “nữ quyền” như những bình luận trên mạng xã hội”.
Việc rơi vào cái bẫy phân biệt giới mà không nhận ra như vậy cũng là một sai lầm không ít người mắc phải.
Hành vi phân biệt giới (sexism) có thể được chia thành 2 dạng: chủ nghĩa phân biệt giới tính thù địch (hostile sexism) và chủ nghĩa phân biệt giới tính nhân từ (benevolent sexism).
Trong khi dạng thứ nhất đề cập đến phân biệt giới với thái độ thù địch rõ rệt, dạng thứ 2 dễ “lẩn khuất” dưới những câu từ đẹp đẽ.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng đánh giá cả hai hình thức đều là phân biệt đối xử giới tính, đều thiếu sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa người với người. Như vậy, khi đứng trước hành vi phân biệt giới tính, chúng ta chỉ có thể đồng tình hoặc không đồng tình với hành vi ấy, bất luận chúng ở dạng thù địch hay nhân từ thì bản chất đều là "những viên kẹo đắng".
Sở dĩ nhiều người dễ rơi vào bẫy phân biệt giới tính (dù ở cương vị người phân biệt hay người bị phân biệt) là do họ thiếu hiểu biết, sống trong môi trường đầy rẫy sự bất công hoặc được giáo dục từ nhỏ với những điều ăn sâu vào nhận thức. Dần dà, những điều đó trở thành khuôn mẫu giới của riêng họ, theo bà Phượng.
Đọc sách, học tập và tiếp xúc đa dạng nền văn hóa
Cách đây 5 năm, Hồng Nhung (ngụ quận 6, TP HCM) từng nghe qua câu hát: “Người con gái đi bên cạnh là món trang sức quý nhất” và lập tức “tan chảy” vì sự lãng mạn ấy.
Thế nhưng, cho đến hiện tại, Hồng Nhung bắt đầu cảm thấy việc so sánh phụ nữ với trang sức hay món quà nghe thật… sai sai. Cô thừa nhận việc tiếp cận kiến thức về giới và tình dục trên Internet đã giúp bản thân có được sự nhạy cảm nhất định để không dễ dàng thỏa hiệp với bất cứ phát ngôn, câu bông đùa nào từ người khác, dù là giao tiếp đời thật hay nội dung trong các ấn phẩm truyền thông đại chúng (phim ảnh, ca nhạc, sách báo… - PV).
Qua quá trình quan sát khi làm nghề, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (nghiên cứu sinh ngành tâm lý học, Trường Đại học Sư Phạm TP HCM) nhận ra nhiều người ngày càng kỹ tính trước lời bông đùa hoặc câu nhận xét hàm chứa ý niệm định kiến.
“Trước đây, chúng ta không đặt nặng vấn đề khi nghe thấy những câu đùa về ngoại hình, tuổi tác… Tuy nhiên, điều này có thể khó xảy ra với mọi người trong giai đoạn này và về sau, khi các thuật ngữ như ‘body shaming’ (miệt thị ngoại hình), ‘victim blaming’ (đổ lỗi nạn nhân)... dần trở thành kiến thức phổ cập đại chúng.
Nụ cười của chúng ta trước lời đùa cợt 'phủ hồng định kiến' không dễ xuất hiện, thậm chí có thể ngay lập tức chuyển trạng thái từ thích thú, ngưỡng mộ sang khó chịu, bĩu môi nếu người nói đưa ra lời nhận xét mang tính định kiến hoặc trò đùa khiếm nhã”, ông An bày tỏ.
Cũng theo ông, sự nhạy cảm giới của mọi người hoàn toàn là tín hiệu tốt để ngăn chặn việc “cài cắm” quan điểm rập khuôn, áp đặt trong những câu nói thường ngày.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Bùi Trân Phượng đánh giá nhạy cảm giới hiểu theo hướng tích cực là khả năng nhận biết, xử lý và vượt qua những vấn đề về giới. Nhạy cảm giới cũng đi kèm với sự hiểu biết về quan hệ giới của loài người trên toàn thế giới theo chiều kích lịch sử, không gian và thời gian khác nhau.
Chẳng hạn, xã hội du mục (sống bằng săn bắt, hái lượm) có quan hệ nam - nữ khác với xã hội nông nghiệp (đặc biệt là trồng lúa nước). Cụ thể, vai trò của nữ giới trong xã hội nông nghiệp - với những công việc đồng áng thủ công - được coi trọng hơn; ngược lại, đàn ông có sức khỏe tốt có thể săn bắt, hái lượm hàng ngày nên chiếm ưu thế trong cộng đồng du mục.
"Nói vậy để thấy những người am hiểu dân tộc học, nhân học, lịch sử... sẽ có suy nghĩ toàn diện hơn đối với vấn đề về bình đẳng giới nói riêng và giới nói chung. Vì thế, cách tốt nhất để nhận diện và phản ứng đúng trước điều bất công là đọc sách, học tập và tiếp xúc đa dạng nền văn hóa. Điều đó sẽ khiến mỗi người thiết tha với sự bình đẳng, phẫn nộ trước sự bất công", bà Phượng cho hay.
Tuy nhiên, nhạy cảm giới mà nảy sinh phản ứng công kích, hạ bệ người có hành vi vật hóa là một câu chuyện khác. Một số bình luận ác ý đã nhắm vào tác giả trẻ nói trên.
"Lên tiếng bảo vệ lẽ phải là cần thiết, nhưng nên hạn chế sử dụng từ ngữ mang tính công kích cá nhân nhằm hạ thấp danh dự đối phương. Nói cách khác, việc xoay chuyển cách nghĩ của mọi người hướng đến sự bình đẳng khác với tạo điều kiện để chà đạp, bắt nạt trực tuyến”, ông An lưu ý.
Từ đây, bà Phượng gợi ý mọi người cần giữ thái độ chuẩn mực khi đang phán xét vấn đề liên quan đến tính công bằng, cụ thể là xác định người nói vô tình hay cố ý gây tổn thương cho người khác và nguyên nhân của hành vi đó là gì. Đôi khi, hành vi ấy là hệ quả của một quá trình giáo dục lâu dài, khó thay đổi trong một sớm một chiều.
Nhất là khi người nói vô ý, người nghe cần nêu ý kiến một cách khéo léo, cần thiết thì pha chút hài hước để đối phương nhận ra lỗi sai và sửa sai.
Nguồn Znews: https://znews.vn/lam-sao-de-khong-sap-bay-vien-keo-dang-post1460999.html